Icon Collap
...
Trang chủ / Môn đệ của Đấng Phục Sinh !

Môn đệ của Đấng Phục Sinh !

Hôm nay, cùng với toàn thể Hội thánh, chúng ta cử hành thánh lễ mừng kính thánh Marco, tác giả Tin Mừng thứ hai và cũng là một sứ giả loan báo Tin Mừng nhiệt thành, sẵn sàng hiến dâng chính mạng sống của mình làm chứng cho những gì mà thánh nhân rao giảng. Thánh Marco đúng là một mẫu gương tuyệt vời, rất đáng để cho nhiều tín hữu noi theo. Ngài đúng là một môn sinh đích thực của Chúa Giê-su Phục Sinh.  

Môn đệ của Đấng Phục Sinh !

Hăng say truyền giảng Tin Mừng ! 

Chúng ta biết rằng, sau khi đánh bại tử thần bằng cuộc phục sinh vinh hiển của mình, Đức Giê-su Ki-tô đã trao ban cho các môn đệ một sứ điệp quan trọng hàng đầu như sau : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16, 15-18). Vâng lời Chúa Phục Sinh, các môn đệ đã ngày đêm hăng say lên đường truyền giảng Tin Mừng khắp nơi, thực hiện được bao điềm thiêng dấu lạ. Nhờ vậy, mà chẳng bao lâu, những người dân thuộc về nhiều vùng miền văn hóa khác nhau, đã đón nhận được Tin Mừng và gia nhập vào trong Hội thánh, tức là những cộng đoàn tín hữu, với con số ngày càng gia tăng. Trong số những nhà truyền giảngTin Mừng có tiếng tăm lúc bấy giờ, đã nổi lên một khuôn mặt đặc biệt là thánh Phao lô, vị tông đồ của dân ngoại, đã được chính Đức Giê-su Phục Sinh chinh phục. Có thể nói các tông đồ, các môn đệ và các tín hữu thời khởi đầu, đã thi hành sứ vụ truyền giảng Tin Mừng một cách mạnh mẽ, năng động, đáng khâm phục, nể phục và rất thành công. Trong số các nhà thừa sai danh tiếng đó, phải kể đến thánh Marco mà chúng ta mừng kính hôm nay. Theo tư liệu lịch sử thì trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ nhất của thánh Phao lô, vào năm 45, thánh Marco đã được tháp tùng cùng với vị tông đồ của dân ngoại này. Kế đó, vào năm 50, Marco chia tay Phao lô cùng với Barnaba về lại Cyprus. Năm 61, Marco về lại Roma với Phaolô (Cl 4, 10). Ba năm sau, tức năm 64, năm Phê rô tử đạo thì Marco vẫn ở Rô-ma (1Pr 5,13). Năm 67, thánh Marco ở Epheso. Sau đó, có nguồn tin cho rằng Marco đã hoạt động tại vùng Alexandria, làm giám mục ở đây và bị thiêu sống dưới thời hoàng đế Trajano ( năm 97-117). Như vậy, nhìn lại những bước chân và tương quan của Marco với thánh Phao lô, Phê-rô và Barnaba trong hành trình sứ vụ, chúng ta dám quả quyết thánh Marco đúng là một môn đệ đích thực của Đấng Phục Sinh trong việc thi hành sứ vụ truyền giảng Tin Mừng.

Tác giả Tin Mừng thứ hai !

Thánh Marco không chỉ là một sứ giả truyền giảng Tin Mừng nhiệt thành mà còn là thánh sử của Tin Mừng thứ hai. Với tư cách là một người bạn thân của thánh Phao lô và Barnaba, cùng là người thông dịch của thánh Phê-rô, thánh Marco đã được tận tai nghe được những lời rao giảng, thấy được những gì đã xảy ra khi tháp tùng hay làm thông dịch cho những tông đồ trụ cột trong Hội thánh, đã cẩn trọng ghi lại và biên soạn nên cuốn Tin Mừng thứ hai. Đọc kỹ Tin Mừng của thánh Marco, chúng ta sẽ hiểu được phần nào lòng nhiệt thành tông đồ với sứ vụ truyền giảng Tin Mừng, cũng như mối bận tâm về việc lưu lại những giá trị, sứ điệp Tin Mừng cho những thế hệ sau này của thánh Marco. Trong Tin Mừng của ngài, chúng ta thấy được tính trung thực, chất phác không chỉ của Phê-rô mà còn của cả Marco. Rõ ràng, thánh Marco đã cố gắng viết lại ký ức của thánh Phê-rô về Chúa Giê-su Ki-tô một cách trung thực nhất, ngay cả những đoạn mà các tác giả Tin Mừng kia đã dùng từ để giảm nhẹ sự chậm hiểu, tối trí của các tông đồ “Lòng họ ra như chai lại” (Mc 6,51). Ngài cũng không che giấu tham vọng không thể tin nổi của các tông đồ trong (Mc 9,34). Rồi chính Phê-rô đã thừa nhận :”Ông không biết phải đáp ứng làm sao” (Mc 9,6). Ngay cả những đoạn diễn tả Đức Giê-su đã không làm được một phép lạ nào nơi quê hương mình vì người ta không có lòng tin vào Ngài. Đến những thất bại của Đức Giê-su trước cây vả không sinh trái, sự nghi ngờ của những người thân đối với Đức Giê-su… đều đã được thánh Marco ghi nhận đầy đủ. Quả thật, Tin Mừng đã được ghi chép cẩn trọng, dù ngôn từ được dùng đến không phải của một nhà văn, thánh Marco đã mạnh dạn công bố và tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô đã phục sinh vinh hiển chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật của toàn thể nhân loại, vũ trụ, vạn vật, muôn loài, là Đấng có toàn quyền tha tội cho người ta. Chính nhờ Tin Mừng của thánh Marco ghi lại mà Giáo hội chúng ta có được một kho tàng ký ức sống động, chân thực, quý giá về Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của chúng ta.

Cầu nguyện với thánh Marco ! 

Thân lạy thánh Marco, nhà truyền giảng Tin Mừng vĩ đại, chứng nhân sống động của Chúa Giê-su và là người đã có công ghi chép lại ký ức sống động của Thầy Giê su Chí Thánh, hợp với thánh nhân, chúng con xin chân thành tri ân cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã mời gọi và tuyển chọn ngài làm môn đệ đích thực của Chúa Phục Sinh. Chúng con xin thánh Marco tiếp tục khẩn cầu trước nhan thánh của Thiên Chúa cho chúng con mỗi ngày, để chúng con cũng được trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Giê su phục sinh ngay giữa lòng thế giới hôm nay. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Amen.

Bài đọc thêm : Hãy đi rao giảng Tin Mừng !

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Nguồn : svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!