Icon Collap
...
Trang chủ / Người dám lãnh trách nhiệm !

Người dám lãnh trách nhiệm !

Mừng lễ thánh Marco, tác giả của Tin Mừng thứ hai, là cơ hội chúng ta được chiêm ngưỡng dung mạo của một sứ giả, luôn nhiệt thành, tận tâm loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, với mọi hình thức và sẵn sàng hiến dâng chính mạng sống của mình để làm chứng cho những gì mà thánh nhân đã giảng dạy. Vậy bí quyết nào đã tạo nên một sứ giả Tin Mừng như thánh Marco vậy ? Chúng ta cùng cầu nguyện, suy gẫm với thánh nhân.

Người dám lãnh trách nhiệm !

Một người dám lãnh trách nhiệm !

Đọc lại tiểu sử và hành trình cuộc đời với tất cả những gì mà Marco đã làm chúng ta có thể đoán định được phần nào bí quyết đã làm nên một con người tuyệt vời như vậy, chính là lòng yêu mến dành cho Đức Giê-su và ơn cứu rỗi của tất cả mọi người. Cũng vì lòng yêu mến đó mà thánh Marco đã làm tất cả những gì mình có thể làm được, để cho lệnh truyền của Chúa Giê su được thực hiện cách vẹn toàn nhất. Với việc tháp tùng  thánh Phaolô trong hành trình sứ vụ truyền giảng Tin Mừng lần thứ nhất (năm 45), đến việc cùng với ông Barnaba trở về Cyprus, quê hương của thánh Barnaba, rồi lại lại có mặt tại Roma năm 61-64, năm 67, có mặt ở Epheso, rồi đi truyền giáo tại Ai cập, thành lập giáo hội ở Copt, tại Alexandria, và soạn thảo Tin Mừng, cuối cùng đã bị giết chết, lãnh phúc tử đạo cho thấy lòng nhiệt thành truyền giảng Tin Mừng của thánh Marco vĩ đại đến mức nào. Nhưng điều đặc biệt cả, xét về nghị lực của một con người, chính là bản lĩnh dám lãnh trách nhiệm nơi thánh sử Marco mà có nhiều người rất ngưỡng mộ. Chúng ta thấy rằng Marco có một mối tương quan gần gũi, thiết thân với những con người có thế giá trong Hội thánh lúc bấy giờ như Phaolô, Phêrô và Barnaba. Marco có khi thì đi cùng và có khi chỉ là tháp tùng hay làm  thông dịch viên cho những tông đồ này. Nhưng cái chính mà mỗi người có thể nhận ra được nơi Marco, là để quan sát, lắng nghe, âm thầm khiêm tốn học việc nơi những con người nhiệt thành này rồi sau đó đã can đảm tự mình đi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Đức Giê-su đã ủy thác. Marco dù có những lúc không đồng tình với Phaolô, đã bỏ theo Barnaba, nhưng sau đó thì đã quay lại làm hòa với Phaolô, khi Phaolô đang bị giam giữ tại Roma. Chúng ta biết rõ rằng, những gì Marco ghi nhận lại trong Tin Mừng thứ hai, phần lớn là đến từ nguồn thánh Phêrô. Nhưng Marco đã không ngần ngại dùng những tư liệu này để giảng dạy và ghi lại thành Tin Mừng của mình. Rồi việc thiết lập nên những cộng đoàn giáo hữu cơ bản, nơi mình rao giảng, thậm chí là một trong những trung tâm Ki-tô giáo khá danh tiếng thời bấy giờ là Alexandria, cho thấy thánh Marco vẫn luôn là một nhà truyền giáo đầy bản lĩnh, dám lãnh trách nhiệm về những gì mình đã làm.

Chúng ta noi gương thánh nhân ! 

Mừng lễ thánh Marco, chúng ta hãy hợp ý với thánh nhân tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn, mời gọi và làm bao việc vĩ đại cao cả nơi vị sứ giả Tin Mừng tuyệt vời này. Đồng thời, Thiên Chúa đã muốn dùng con người và cuộc đời của thánh Marco, giúp cho mỗi người chúng ta duyệt xét lại sứ vụ truyền giảng Tin Mừng của mình mà Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta. Liệu chúng ta đã nỗ lực học hỏi việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng nơi những con người nhiệt thành như thánh Marco chưa ? Có một số người chẳng những không thực thi lệnh truyền của Chúa Giê-su là ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân nước mà còn than thở, viện lý do không biết ăn nói thế nào về Chúa cho người khác, trong khi họ chưa bao giờ hy sinh thời gian, công sức để đi học việc như Marco. Có một số người khác, dù đã theo học việc một thời gian khá dài, nhưng khi được giao cho công việc, thì luôn tìm cách né tránh và không bao giờ dám lãnh những trách nhiệm, được những người đại diện của Hội thánh trao phó. Thậm chí, với những công việc ở ngoài đời thì dám làm, dám chịu, nhưng với công việc của nhà thờ, của cộng đoàn, của giáo xứ thì lại tìm mọi cách, viện mọi lý do có thể, để thoái thác, hết lần này tới lần khác. Điều đáng sợ ở đây là những con người mang tâm thức, não trạng không dám lãnh trách nhiệm và sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng, để xây dựng, mở mang Nước Thiên Chúa, chiếm một tỷ lệ khá cao trong Hội thánh. Nhìn lại lịch sử của Hội thánh thời khởi đầu, chúng ta thấy được một sự năng động, một thao thức mãnh liệt, sẵn sàng xả thân quên mình để đi loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giê-su phục sinh nơi các tín hữu, nơi các môn đệ, các tông đồ thật mạnh mẽ, quyết liệt. Vì thế mà bất chấp tất cả mọi khó khăn, thử thách, bách hại tàn bạo, đến từ vua chúa, quan quyền đạo đời, giáo hội vẫn phát triển và mở rộng khắp nơi. Còn hôm nay, dường như cảm thức về sứ mạng khẩn thiết loan báo Tin Mừng, mở mang Nước Trời đã phai nhạt dần và thay vào đó là một tâm thức, thái độ dửng dưng, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm với lệnh truyền vô cùng quan trọng của Chúa Giê-su Ki-tô. Đúng là một sự dữ đáng sợ.

Cầu nguyện với Thánh Marco !

Lạy thánh Marco, hôm nay chúng con cử hành thánh lễ để tôn vinh Thiên Chúa và mừng kính ngài. Xin thánh Marco khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho toàn thể chúng con và từng thành viên trong Hội thánh luôn biết thao thức, trăn trở mà tìm mọi cách để làm cho lệnh truyền quan trọng của Chúa Giê su được nhiều người đón nhận và dám lãnh trách nhiệm, hăng hái nhiệt thành ra đi, lên đường loan báo Tin Mừng, chung tay, chung sức đề mở mang, xây dựng Nước Thiên Chúa khắp nơi như chính thánh Marco đã đi trước để làm gương cho chúng con. Amen.

Bài đọc thêm: Môn đệ của Đấng Phục Sinh !

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Nguồn: svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!