Icon Collap
...
Trang chủ / Hội thánh hiệp hành – tham gia !

Hội thánh hiệp hành – tham gia !

Khi nói đến một Hội thánh hiệp thông, chúng ta được mời gọi nên một với nhau, hiệp nhất với nhau, thông hiệp cùng nhau, ở trong, ở bên, ở cùng nhau, gắn chặt với nhau, cùng cảm, cùng suy, cùng nhìn với nhau về những vấn đề của Hội thánh. Còn khi nói đến một Hội thánh tham gia, thì điểm nhấn mà chúng ta được mời gọi nhắm tới chính là mọi người cùng làm, cùng tham gia vào mọi sinh hoạt của Hội thánh. Vậy giờ đây, chúng ta cùng cầu nguyện và suy gẫm và một Hội thánh tham gia. 

Hội thánh hiệp hành - tham gia !

Một Hội thánh cùng tham gia ! 

Quả thật, với việc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, chúng ta đã được tháp nhập vào trong Hội thánh và được trở thành thành viên chính thức của Hội thánh, trở thành dân Thiên Chúa; nghĩa là chúng ta có bổn phận và trách nhiệm cùng tham gia vào những sinh hoạt của Hội thánh, cùng chung lưng đấu cật để xây dựng Hội thánh. Nhưng trong thực tế thì phần đông người tín hữu trong thời hiện đại, không thể tham gia vào những hoạt vụ tông đồ trong Hội thánh như vào thời Hội thánh tiên khởi. Có nhiều nguyên do đã chi phối, và tác động đã tạo nên tình trạng này. Về mặt khách quan mà nói thì Giáo hội bị tác động và chi phối rất nhiều bởi xã hội.

Trước hết phải kể đến tác động nền kinh tế thị trường và công nghệ thông tin lên ngôi thống trị, chỉ đạo, rồi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa bùng phát ở khắp nơi, đã tạo nên hiện tượng di dân toàn cầu mạnh mẽ, kéo theo những hệ lụy tất yếu của nó là tạo ra một thế giới phẳng, cào bằng mọi thứ, bóc lột và khai thác hết thời gian, sức lực của con người, gây nên bao áp lực, căng thẳng, khiến cho nhiều người quá mệt mỏi. Kế đến là sự va chạm đụng độ giữa các nền văn minh, khiến cho nhiều người mất hướng sống, mất mục đích, không có gì là chuẩn mực, và niềm tin bị đánh cắp. Đồng thời, những chủ trương học thuyết ra đời như chủ nghĩa cá nhân, duy vật, tương đối, duy lợi, vô thần, hưởng thụ, duy khoa học… cùng với sự tán dương và phát tán cực nhanh, cực mạnh của công nghệ thông tin càng làm cho nhiều người xa dần giáo hội. Bên cạnh đó là những tệ nạn xã hội như bất công, hối lộ, dối trá quản lý yếu, ma túy, rượu chè, cờ bạc, đề đóm, mại dâm, trộm cắp, lừa đảo… khiến cho người ta trở nên nghi ngờ, càng không dám tin vào những giá trị văn hóa truyền thống và cả tôn giáo nữa. Đấy là chưa kể đến những lối giáo dục, tuyên truyền của nhiều nơi, nhiều quốc gia đã tạo ra một cái nhìn không có thiện cảm, thậm chí là ác cảm, vô cảm, lãnh cảm và thù địch với Giáo hội. Còn về nguyên nhân chủ quan thì cũng khá rắc rối. Nhưng chúng ta có thể kể ra một số nguyên nhân sau. Trước hết, đó là tâm thức hay não trạng giữ đạo chứ không phải là sống đạo và truyền đạo. Người ta chỉ bận tâm đến việc giữ được đạo là tốt rồi. Còn việc truyền đạo không liên quan đến mình. Đó là chuyện của mấy ông cha, ông thầy, bà sơ, các nhà truyền giáo, đâu có liên quan hay dính dự tới tôi. Bởi thế, người giáo dân chỉ có chuyện đi nhà thờ, đọc kinh, cầu nguyện, xây dựng nhà thờ, phòng giáo lý là đủ là xong bổn phận, trách nhiệm rồi. Sinh viên thì lo đi học cho có kết quả tốt, người di dân thì mưu sinh, lo kiếm tiền, còn thời gian thì đi lễ ngày Chúa nhật là xong. Ngoài ra người ta chẳng cần bận tâm, lo lắng đến người nào bỏ đạo hay theo đạo. Nếu như có bạn bè hay ai đó có muốn tìm hiểu đạo thì chỉ cần bảo họ đến gặp ông cha là được. Còn giáo xứ, giáo phận có chuyện gì thì cũng chẳng cần biết.

Thứ hai là cơ chế và chủ nghĩa giáo sỹ trị đã ăn sâu vào trong tâm thức của nhiều người. Cha xứ bảo cái gì thì làm, không bảo thì thôi vậy. Tôi đâu biết gì hay đâu có khả năng như mấy ông cha đâu. Có chuyện gì trong giáo xứ thì mình có được tham gia có ý kiến gì đâu. Muốn làm gì hay tổ chức cái gì thì phải hỏi xem cha xứ có đồng ý hay có quyết định như thế nào. Chuyện của giáo xứ là chuyện của ông cha xứ, chứ đâu phải chuyện của mình. Đấy là chưa kể đến những ông cha xứ độc tài, chuyên quyền và khó tính khó nết, khiến cho có nhiều người càng trở nên xa cách và không bận tâm đến những nhu cầu phát triển, tồn vong của giáo hội. Chính những cơ chế quản trị cứng nhắc và não trạng giáo sỹ trị đã làm cho sự tham gia của các thành phần Dân Chúa vào trong sự phát triển, thăng tiến của Giáo hội bị đình trệ và khựng lại.

Thứ ba là sự bảo thủ, cố chấp, chậm tiến của nhiều người trong Giáo hội đã làm cho Giáo hội trở nên những pháo đài kiên cố, không ai bước vào bên trong được. Bởi thế mà Giáo hội đã tự khép mình lại, không bước ra khỏi chính mình để cùng bước đi, cùng cảm nếm, cùng đối mặt, cùng tìm cách giải quyết những vấn nạn, thách đố, những nỗi đau của cả nhân loại. Quả thật, khi Giáo hội không còn là con đường để cho người ta đi mỗi ngày, như Đức Giê-su, mà chỉ là những lô-cốt bịt kín, tử thủ bên trong, mặc cho bên ngoài xảy ra chinh chiến, thì người ta càng tìm cách xa lánh Giáo hội và Giáo hội trở nên xa lạ với chính mình và với người khác. Chúng ta biết rằng sứ mạng của Giáo hội là làm muối, là men, để ướp mặn, biến đổi và làm cho xã hội không bị hôi thối, lạnh nhạt, và không để cho xã hội làm cho mình bị tha hóa. Nhưng để có thể chu toàn được sứ mệnh đó thì Giáo hội phải đi vào trong xã hội, chứ không thể tách riêng ra khỏi xã hội. Tóm lại, do tâm thức, não trạng giữ đạo, ỷ lại, cơ chế và chủ nghĩa giáo sỹ trị, sự bảo thủ cố chấp, khép mình lại của Giáo hội, mà sự tham gia vào trong Giáo hội của các thành phần Dân Chúa đã bị ngưng trệ. Vậy làm thế nào để Giáo hội trở nên năng động, trở thành đường cho người ta đi, để mọi người có thể chung sức, đồng tâm, cùng nhau tham gia xây dựng và phát triển? Chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm bàn tiếp ở những phần sau.

Cầu nguyện cho sự tham gia !

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa phục sinh để cùng bước đi với chúng con, cùng tham gia với chúng con trong việc xây dựng, mở rộng và phát triển Nước Trời. Chúa muốn chúng con cùng nhau chăm sóc và làm sinh lợi cho vườn nho của Thiên Chúa chính là Giáo hội. Vậy mà nhiều người trong chúng con đã không ý thức và xác tín được sứ mệnh cao cả này, nên đã trở nên những người thờ ơ, vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm với vườn nho của Thiên Chúa. Chúng con đã đắc tội với Thiên Chúa và cúi xin Chúa dủ lòng tha thứ và ban ơn hoán cải cho chúng con, giúp chúng con biết chung tay, chung sức, cùng nhau xây dựng, mở mang và làm cho Nước Chúa ngày càng tăng trưởng và phát triển khắp mọi nơi. Chúng con tạ ơn Chúa. Amen.

Bài đọc thêm: Thiên Chúa yêu con người !

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh,CSsR

Nguồn: svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!