Người ta vẫn thường nói: cái gì cũng có cái giá của nó. Điều này thật hiển nhiên. Để có được một tấm bằng đại học hay cao đẳng, sinh viên phải dùi mài kiến thức, mất ăn mất ngủ, hao tổn tâm trí mới có được. Rồi sau khi ra tốt nghiệp ra trường, cũng phải vất vả tìm tòi, liên hệ mới có được một việc làm tương đối. Để có được một gia đình hạnh phúc thì người vợ, người chồng đã phải vất vả, tần tảo sớm hôm mới có được. Để có được một cuộc sống ở đời này hay kéo dài thêm một chút thời gian, người ta đã phải hy sinh cả tâm hồn, trí khôn, sức lực và cả linh hồn nữa. Bởi vậy, để có được sự sống đời đời thì cái giá phải trả càng không đơn giản chút nào. Đó chính là :”Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và yêu người thân cận như chính mình”(Lc 10, 27). Vậy thì giờ đây, chúng ta cùng cầu nguyện, gẫm suy để hiểu được những gì mà Đức Giê-su muốn nói với mình.
Sự sống đời đời thật cao quý !
Chúng ta biết rõ rằng một trong những khát vọng thâm sâu nhất của con người là được sống, dù chỉ kéo dài thêm được một thời gian rất ngắn trên trần gian này và nhất là được sống lâu và được trường sinh bất tử. Hơn nữa, con người không chỉ mang khát vọng sống và sống mãi mãi mà còn nỗ lực tìm mọi cách, để đạt được và vươn tới khát vọng đó. Các khoa học gia đã đầu tư không biết bao nhiêu tâm huyết, công sức để duy trì và kéo dài sự sống cho người ta như thay thận cũng như các bộ phận khác có thể thay được. Tuy nhiên, con người, tự sức riêng vẫn không sao kiến tạo được sự sống đời đời cho mình hay người khác. Tại sao vậy? Thưa rằng sự sống không phát xuất từ con người mà lại đến từ Thiên Chúa, Đấng đã tự xưng mình là Sự Sống, và đã thổi sinh khí hay chính xác hơn là linh khí vào thân xác con người để nó trở nên một sinh vật. Bởi thế, duy chỉ có nơi một mình Thiên Chúa mới có được sự sống đời đời và chỉ có một mình Thiên Chúa mới có toàn quyền ban tặng sự sống đời đời đó cho những ai mà Ngài muốn; nhất là những người biết thực thi giới luật yêu Chúa và yêu người như Đức Giê-su truyền dạy.
Bài đọc thêm: Hãy nhìn và chạnh lòng thương
Yêu mến Thiên Chúa trọn vẹn !
Để được hưởng sự sống đời đời, điều kiện đầu tiên mà người đó phải có chính là :”Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi”(Lc 10,27). Đó cũng chính là Lề Luật của Thiên Chúa đã được các vị ngôn sứ và Môi-sê loan báo qua dòng lịch sử. Đức Giê-su còn xác nhận lại khi bảo người thông luật rằng :”Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”(Lc 10, 28). Như vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, muốn chúng ta dành trọn vẹn con người mình để mà yêu mến Người, chứ không phải chỉ yêu Người bằng môi miệng ở bên ngoài hay bằng một việc làm bên ngoài, còn lòng trí thì chẳng có chút tình yêu gì cả. Ngược lại, Thiên Chúa muốn chúng ta phải yêu mến Người bẳng tất cả linh hồn, tấm lòng, trí khôn và sức lực của từng người trong chúng ta. Vì thế, nếu xét cho đòi buộc này, thì không biết có bao nhiêu người trong chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa được như vậy? Đây là điều mà chúng ta cần duyệt xét lại một cách rất nghiêm túc, vì nó liên quan đến sự sống đời đời trong tương lai của mỗi chúng ta.
Yêu như người Sa-ma-ri !
Để được hưởng sự sống đời đời trong Vương Quốc Nước Trời, mỗi người chúng ta không chỉ phải thi hành lòng yêu mến đối với Thiên Chúa một cách trọn vẹn mà còn phải thực thi lòng yêu mến người thân cận như người Sa-ma-ri đã làm gương cho chúng ta. Chúng ta biết rằng giữa người Sa-ma-ri và người Do Thái có một mối thù lâu đời truyền kiếp, rất khó có thể hòa giải được. Thế mà khi có một người Do Thái bị cướp đánh gần chết, nằm lây lất trong vũng máu bên lề đường, thì chính một người Sa-ma-ri đã tra tay cứu chữa tận tình. Trong khi đó, một thầy Lê-vi, một Tư tế đi qua, bỏ mặc người đó, không cần nhìn đến. Như vậy, Đức Giê-su nói với chúng ta rằng người thân cận ở đây, không phải là người máu mủ ruột rà, anh em, đồng bào, đồng hương, mà là một con người cụ thể đang lâm nạn, ở một nơi chốn cụ thể, mà chúng ta có thể bắt gặp bất cứ nơi nào, lúc nào, dù trước đây, người đó là kẻ thù của chúng ta. Kế đến, người bị hại đó đã được người Sa-ma-ri cúi xuống, lấy dầu, rượu tẩy rửa và băng bó vết thương, rồi cõng người đó đưa lên lưng ngựa để đưa về quán trọ, nhờ chủ quán trọ tiếp tục chữa trị và hứa sẽ trả lại tất cả những chi phí tốn kém đó. Như thế, tình yêu dành cho người thân cận phải được thể hiện qua những việc làm cụ thể, không cần một sự báo đến hay một lời cám ơn. Đó là một tình yêu vô vị lợi.
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đến để cứu chúng con và chỉ rõ cho chúng con biết những việc làm cụ thể để được vào hưởng sự sống đời đời. Hơn nữa, chính Chúa đã thể hiện tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và tình yêu rất cụ thể dành cho chúng con, nhất là ngang qua cái chết bi thương của Chúa trên thập giá, để mang lại cho chúng con ơn tha thứ và hòa giải. Nhờ đó, chúng con mới được làm con cái của Thiên Chúa. Tình yêu Chúa thật quá lớn lao.Chúng con chỉ biết cúi đầu khấu tạ chân thành và xin Chúa tuôn tràn lửa mến thần linh xuống trên toàn thế mỗi người chúng con, để chúng con có thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như chínhThiên Chúa đã làm gương, chỉ dạy cho chúng con, để được sống đời đời. Amen.
Bài đọc thêm:Thiên Chúa yêu con người !
Lm.Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền thông sinh viên công giáo