Trong khi truyền giảng Tin Mừng, Đức Giê-su thường phải đối mặt với những cái gọi là “truyền thống hay tập tục của tiền nhân” mà giới lãnh đạo Do Thái giáo là những vị kinh sư, biệt phái, trưng dẫn, với mục đích chống lại những giá trị giáo huấn của Tin Mừng. Dẫu vậy, Đức Giê-su không ngại đối mặt với những người này và sẵn sàng đưa ra những lời giải thích chí lý, cụ thể, cho từng vấn nạn của họ. Hôm nay, nhân chuyện nộp thuế thập phân, Đức Giê-su đã đưa ra một nguyên tắc căn bản của đạo Chúa, đó là tính toàn diện và nhất quán. Vậy chúng ta cùng suy gẫm và cầu nguyện để hiểu được thấu đáo tính toàn diện và nhất quán mà Đức Giêsu đòi buộc chúng ta.
Điều này, điều kia đều phải giữ !
Đối diện với những khiếm khuyết về việc thực hành luật của Thiên Chúa mà những lãnh đạo Do Thái giáo đã chủ trương, Đức Giê-su không chỉ nói những lời nặng nề với họ mà còn chỉ cho họ thấy rõ được tính toàn diện, sự nhất quán của Thiên Chúa : “Khốn cho các ngươi, hỡi các người Pha-ri-sêu ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ”(Lc 11,42). Với những lời này, Đức Giê-su khẳng định rõ ràng tính toàn diện của lề luật Thiên Chúa, không người nào được phép cắt xén hay hủy bỏ bất cứ điều khoản nào: thuế thập phân thì vẫn phải nộp mà lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa thì vẫn phải giữ, không được phép bỏ. Đây là điều chúng ta phải lưu tâm. Không chỉ có những người kinh sư, biệt phái ngày xưa dám cắt xén lề luật của Thiên Chúa, để mưu lợi ích cho riêng mình, mà ngày nay cũng có những người hành xử cũng y như vậy. Có những người thì rất siêng đi nhà thờ, tham dự thánh lễ, đọc kinh, cầu nguyện, nhưng về nhà thì lại sống chẳng theo Thần Khí mà lại theo tính xác thịt như dâm đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, chia rẽ, bè phái, tranh chấp… Lại cũng không ít người thích làm việc bác ái mà lại kiếm tiền bằng làm những việc mờ ám, bất công, bất chính, bất chấp mọi thủ đoạn để mà bóc lột, lừa gạt để kiếm được nhiều tiền như bán hàng giả, thuốc giả, phun thuốc trừ sâu hay những thuốc có khả năng kích thích sự tăng trưởng rất nguy hiểm trên những rau cỏ, thực phẩm, thịt cá… Cũng có những sinh viên chăm chỉ đi nhà thờ, nhưng lại gian lận trong thi cử, học hành, hay trong những công việc làm ăn. Như vậy, Đức Giê-su đòi buộc chúng ta phải giữ lề luật cách toàn diện, chứ không được giản lược hay cắt bỏ bất cứ điều khoản nào trong lề luật cả.
Bài đọc thêm: Vòng xoay lạc giáo
Lề Luật không miễn trừ ai cả !
Đức Giê-su không chỉ bảo toàn Lề Luật mà còn đòi buộc chúng ta là phải tuân giữ Lề Luật, vì không ai được quyền sống ngoài hay sống trên Lề Luật. Chúng ta hãy lắng nghe những lời khiển trách nặng nề của Đức Giê-su dành cho các kinh sư cũng như các nhà thông luật :”Khốn cho cả các ngươi, hỡi các nhà thông luật ! Các ngươi chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”(Lc 11,46). Đúng là một sự bất công, mà Đức Giê-su đã không thể chấp nhận. Quả thật, lẽ ra những người thông thạo lề luật thì phải giữ luật trước hết để làm gương cho những người khác noi theo. Nhưng Đức Giê-su biết rõ và vạch trần những người này đã không hề giữ một điều luật nào cả, dù là bé nhỏ nhất. Trong khi đó thì những người này lại bắt những người khác phải tuân giữ mọi khoản luật, dù chỉ là những khoản luật bé nhất. Đức Giê-su đã muốn chúng ta là phải có sự nhất quán giữa việc dạy người ta giữ luật và chính bản thân mình cũng phải tôn trọng và tuân giữ những điều luật của Thiên Chúa. Đây cũng là một thực trạng đáng buồn không chỉ xảy ra vào thời của Đức Giê-su mà xuyên suốt cả dòng lịch sử. Đâu đó vẫn còn đó những người tự cho mình quyền sống trên Lề Luật của Thiên Chúa nhưng lại bắt tay dạy người khác phải tuân giữ từng khoản luật, dù là những khoản bé nhất. Vẫn còn đó những con người bắt con cái đi nhà thờ, tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, còn bản thân họ thì không làm gì cả. Chúng ta chả cần phải tìm đâu xa những con người thuyết giảng về đạo không mấy ai chê trách được, nhưng đời sống đạo của những người này thì lại rất bê bối. Đối diện với đòi buộc của Đức Giê-su về tính nhất quán và toàn diện của Lề Luật, ai trong chúng ta cũng nên duyệt xét lại xem mình đã tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa như thế nào và phải điều chỉnh làm sao cho phù hợp với những gì Đức Giê-su đã dạy. Đừng có để cho những lời quở trách của Đức Giê-su một lần nữa lại phải vang lên trong tâm trí của chính mỗi người chúng ta.
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa của chúng con ! Hôm nay, ngang qua những kinh sư, biệt phái, và các nhà thông luật, Chúa khẳng định rõ ràng tính toàn vẹn cũng như sự nhất quán của Lề Luật mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại. Chúng con xin chân thành cảm tạ tri ân Chúa. Chúa biết rõ chúng con đây cũng không hơn gì các kinh sư, Pha-ri-sêu biệt phái và các nhà thông luật, khi dám cắt bỏ hay không tuân giữ nhiều điều luật của Thiên Chúa, nhưng lại muốn những người khác phải giữ mọi điều luật của Người. Chúng con xin Chúa Giê-su thương xót và thứ tha những lầm lỗi đó cho chúng con. Đồng thời, xin Chúa Giê-su ban thêm sức mạnh lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết tuân giữ và thực hành tất cả những gì mà Thiên Chúa đòi buộc chúng con. Amen.
Bài đọc thêm: Vô cảm – căn bệnh đáng sợ !
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh,CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo