Lời Chúa hôm nay lại nói với chúng ta về một chân lý thật quan trọng: những gì thuộc về con người thì sớm muộn gì cũng tàn lụi với thời gian và những gì thuộc về Thiên Chúa thì dù con người có làm mọi cách thức cũng không tài nào có thể phá đổ được. Hơn nữa, để bảo tồn và phát triển công trình của Thiên Chúa, Đức Giê-su có một sáng kiến lạ lùng, nhằm giúp cho các môn đệ có thể dễ dàng nhận ra cách hiện diện cụ thể của Ngài, sau khi đánh bại tử thần đã phục sinh, đó chính là Bí tích Thánh Thể hay còn có tên gọi khác là Bí tích Vượt Qua được cử hành mỗi ngày trên bàn thờ, trong từng thánh lễ. Vậy thì giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm về hai sứ điệp đặc biệt quan trọng này.
Công trình Thiên Chúa !
Sự kiện các môn đệ của Đức Giê-su mạnh dạn ra đi rao giảng Tin Mừng về Chúa Ki-tô đã phục sinh, làm nhiều việc lạ lùng và họ sẵn sàng chấp nhận bị người ta bắt bớ, đánh đập, cầm tù, ngay cả cái chết, để làm chứng cho lời rao giảng, khiến cho những nhà lãnh đạo Do Thái Giáo lo lắng, phân vân, khó xử. Đứng trước tình trạng đó, một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên đã đưa ra một sáng kiến, một đề nghị chí lý, chí tình như sau :“Thưa quý vị là người Ít-ra-en, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này. Thời gian trước đây có Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông ta cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Giu-đa, người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị : Hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá hủy được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa”(Cv 5, 35-39). Với đề nghị này, người ta tán thành ngay. Quả thật, nhìn lại lịch sử của nhân loại, chúng ta sẽ kiểm chứng được tính khách quan của chân lý này : tất cả các nền văn minh của nhân loại, dù có lung linh tỏa sáng đến mức độ nào thì cũng tới hồi kết của nó; còn công trình của Thiên Chúa, đã được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, ngang qua các môn đệ của Ngài thì vẫn cứ vậy mà tiếp diễn và tiến bước mãi cho đến ngày tận thế. Vậy, cụ thể, Thiên Chúa đã làm gì để cho công trình của Người không bị tàn lụi theo thời gian? Xin thưa rằng : đó chính là sự hiện diện và hoạt động không ngưng nghỉ của Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh uy quyền, trong Bí tích Thánh Thể.
Bài đọc thêm: Tin vào tôi thì sẽ sống !
Bí tích Thánh Thể !
Một trong những dấu chỉ Đức Giê-su thường dùng để tỏ ra cho các môn đệ có thể nhận ra Ngài, sau khi từ cõi chết trỗi dậy là việc cầm lấy bánh hay cá bẻ ra, trao cho các ông và kết quả là các môn đệ đã nhận ra Chúa Giê-su phục sinh. Nhưng để cho các môn đệ nhận ra mình khi bẻ bánh hay bẻ cá thì trước đó, Đức Giê-su đã làm hai việc cụ thể là hóa bánh ra nhiều cho người ta ăn no mà vẫn dư thừa và thiết lập Bí tích Thánh Thể, ngay trong đêm tiệc ly, trước thời khắc bước vào cuộc tử nạn – thương khó. Tin Mừng vừa thuật lại câu chuyện Đức Giê-su làm phép lạ hóa năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé, để làm cho năm ngàn người ăn no mà vẫn còn dư được mười hai thúng đầy. Đây quả là một việc vĩ đại mà không một ai có thể làm được, ngoại trừ Đức Giê-su. Đức Giê-su đã không chỉ làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho người ta ăn no nê một lần này mà lại còn làm thêm những lần khác nữa. Những phép lạ cốt là để dọn đường cho người ta đón nhận vào một phép lạ khác cao cả hơn đó chính là hy tế của Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Tác giả Tin Mừng Matthew đã ghi lại biến cố rất đặc biệt này như sau : “Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói :“Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói :“Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”(Mt 26,27-27). Thực ra Đức Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể để báo trước hy lễ mà Ngài sẽ tự nguyện hiến dâng trên đồi Gôn-gô-tha vào ngày thứ sáu, để cứu chuộc nhân loại chúng ta. Vâng lời Chúa Giê-su Ki-tô, Hội thánh luôn trung thành cử hành hy tế Vượt Qua này mỗi ngày cho đến ngày Chúa Giê-su Ki-tô trở lại trong vinh quang. Chính Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh, trong Bí tích Thánh Thể, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, đã nuôi dưỡng và làm cho công trình của Thiên Chúa vững bền trường tồn như vậy.
Bài đọc thêm: Phép lạ hoá bánh ra nhiều !
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa của chúng con, Chúa đã được Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa và cầm giữ cho công trình cứu độ vĩ đại, cao cả ấy cho đến ngày Chúa mà trở lại trong vinh quang, bằng sự hiện diện đầy uy dũng trong Bí tích Thánh Thể. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Phục Sinh không chỉ tỏ mình cho chúng con mà còn để nuôi sống và cứu giúp chúng con. Chúng con xin cảm tạ tri ân Chúa Giê-su Ki-tô rất nhiều. Xin Chúa Giê-su tiếp tục ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết tôn kính, tạ ơn và đón nhận Chúa nơi Bí tích Thánh Thể. Amen.
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh. CSsR
Nguồn: ssvconggiao.net