Mỗi khi nhắc đến Người Pha-ri-sêu, có lẽ nhiều anh chị em trong chúng ta thường nghĩ đến một nhóm chức sắc tôn giáo Do Thái với lối sống đạo đức giả, những kẻ luôn tìm cách hãm hại Chúa Giê-su và bị Người khiển trách nhiều lần trong các trích đoạn Tin Mừng. Chúng ta không có thiện cảm và không mấy để tâm tới họ bởi có vẻ như họ chỉ là một nhóm người đã bị lãng quên trong lịch sử, một hạng người nào đó… rất khác chúng ta.
Để nhìn nhận lại vấn đề và rút ra những bài học từ đời sống của người Pha-ri-sêu, trước tiên, ta hãy cùng trả lời câu hỏi:
Có phải Chúa Giê-su căm ghét người Pha-ri-sêu?
Dựa trên Thánh Kinh, ta thấy Chúa Giê-su đã không ít lần phơi bày thói giả hình và những việc làm sai trái của nhóm người này trước đám đông và ngay cả trong đền thờ. Nhưng nếu phân tích kỹ lưỡng các đoạn văn của bốn cuốn Tin Mừng, ta có thể nhận ra rằng Chúa đã không xem những người này chỉ là ví dụ về những kẻ làm điều xấu mà thôi. Trái lại, không ít lần Người nhận lời mời đến nhà họ, ăn uống cùng họ và trả lời các câu hỏi họ đưa ra. Cách hành xử như vậy cho ta thấy rằng: Chúa Giê-su cũng yêu mến người Pha-ri-sêu!
Tôi không nghĩ Người có thể sẵn sàng tranh luận gay gắt với họ nếu Người không yêu mến họ và thật tâm muốn họ thay đổi.
Thánh Phao-lô ban đầu cũng là một người Pha-ri-sêu căm ghét Chúa Giê-su, một người đã rất nhiệt thành trong việc bách hại các Ki-tô hữu nhưng rồi đã trở thành một Tông Đồ say mê truyền giáo và đầy thánh thiện. Một thí dụ khác là ông Ni-cô-đê-mô, một người lắng nghe Chúa Giê-su để học hỏi trong sự khiêm nhường, ông cũng nằm trong nhóm Pha-ri-sêu.
Những thí dụ trên là lý do tại sao tôi nghĩ rằng các Ki-tô hữu cần để tâm đến những người Pha-ri-sêu không chỉ bằng con mắt thiếu thiện cảm và nên suy ngẫm những lời phê bình của Chúa Giê-su về hành vi của họ. Bởi không ai khác, chính chúng ta cũng có nguy cơ hành xử như một người Pha-ri-sêu xấu xa điển hình trong Thánh Kinh. Trong thực tế đời sống, có thể nói một cách khá chắc chắn rằng chúng ta đã từng hành xử như họ lúc này hay lúc khác.
Nếu chúng ta luôn tìm cách nhận ra khi nào mình có những hành vi tiêu cực giống một người Pha-ri-sêu đáng phê phán và tìm cách ngăn chặn, thay đổi các hành vi đó, chúng ta có thể trở thành người có đức tin Ki-tô Giáo mạnh mẽ và cân bằng như Thánh Phao-lô đã thể hiện. Từ đó, tôi xin đưa ra 5 biểu hiện điển hình của một người Pha-ri-sêu hiện đại dựa trên Thánh Kinh để chúng ta cùng suy ngẫm.
Người Pha-ri-sêu hiện đại có biểu hiện thế nào?
1. Những thứ men xấu
Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” (Mc8,15)
Hãy suy nghĩ về vai trò của men trong việc làm bánh mì. Ban đầu chỉ từ một nắm nhỏ nhưng nó sẽ làm dậy men toàn bộ số bột làm bánh. Cũng như vậy, khi chúng ta không để tâm sửa chữa các tính xấu dù nhỏ nhặt nơi bản thân mình hay ưu ái cho những tính xấu ấy một lề luật dễ dãi dành riêng, chúng ta đã ban cho chúng cơ hội dậy men làm ta trở nên hình mẫu một người Pha-ri-sêu xấu xí và rộng hơn nữa, chính ta lại trở thành men Pha-ri-sêu làm dậy men nơi những người xung quanh.
Vậy làm sao biết mình đang mang một thứ men xấu? Đơn giản, hay nghĩ về quả để biết cây. Tức là hãy nghĩ xem giả như ta mặc kệ một tính cách hay quan điểm cá nhân nào đó, cho nó lớn lên tùy ý thì khi sinh quả, nó sẽ sinh ra quả gì. Và nếu những người xung quanh ta cũng đều sinh thứ quả như ta thì sẽ thế nào?
Tôi xin lấy thí dụ là một anh chàng nọ được nghe quan điểm: “nói dối là tốt, nếu nó mang lại lợi ích cho người khác”. Anh ta nghĩ ngay về chuyện ông bác sĩ nói dối bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo sắp qua đời rằng anh vẫn ổn để bệnh nhân không rơi vào tuyệt vọng hay chuyện người tù binh nói dối quân địch để không khai ra đồng chí của mình,… và anh ta bắt đầu hành xử “giống” như vậy. Anh nói dối ngày một nhiều rồi tới lúc “nói dối như cuội”. Nhưng đáng buồn là hễ có chuyện gì xấu anh làm mà sợ người khác biết, họ sẽ buồn bực, tức giận là anh lại nói dối. Thành thử, lợi ích cho người khác khi anh nói dối thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy những điều xấu anh làm thêm nhiều hơn và anh thành ra chai lì với chúng. Thử tưởng tượng nơi anh ta sống, làm việc toàn người như vậy thì sẽ thế nào?
2. Xét nét người khác
Có một đoạn Tin Mừng làm cho tôi cười lớn mỗi khi đọc. Đó là chuyện Chúa Giê-su và các môn đệ đang băng qua một cánh đồng vào ngày Sa-bát, và các môn đệ bứt lúa ăn vì họ đói. Những người Pha-ri-sêu (có lẽ đã nằm phục sẵn trong ruộng lúa) bỗng đứng bật dậy và ngay lập tức chất vấn Chúa Giê-su vì các môn đệ làm điều bị cấm trong ngày Sa-bát (Mc2,23-24).
Và đó chỉ là một trong rất nhiều lần mà người Pha-ri-sêu rình mò, tìm ra các tiểu tiết để bắt lỗi Chúa Giê-su cách vô lý. Thậm chí ngay cả khi Người đang chữa lành cho dân chúng và rao giảng về Nước Trời. Đôi mắt họ luôn dõi theo Người, không phải để học hỏi mà chỉ để xem “ông này đang làm sai cái gì”.
Ngày nay, nhất là trên Internet, chúng ta thường gặp những nhận xét với cấu trúc cơ bản: “…tốt đẹp đấy, nhưng mà…”. Chúng ta chỉ thích xem xét cách qua loa những điều tốt đẹp của người khác và hướng dồn con mắt vào các tiểu tiết để chê bai, dè bỉu, hay lên án dù cho quan điểm của chúng ta không hoàn toàn đúng. Và khi đó, chúng ta trở thành những người Pha-ri-sêu xấu xí đích thực với một kho tàng các câu từ chỉ trích kèm theo những thứ quy tắc, luật lệ vặt vãnh. Không có điều gì là đủ tốt đối với một người Pha-ri-sêu và cũng chẳng có gì làm họ vui sướng, hân hoan hơn việc làm người khác thấy tủi hổ, nhục nhã. Nói cách khác, trong lòng họ, sự đố kỵ lấn át hoàn toàn lòng yêu mến tha nhân.
3. Tạ ơn Chúa vì con không giống như…
Hẳn tất cả chúng ta đều nhớ đến dụ ngôn Chúa Giê-su kể về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.(Lc18,11)
Sở dĩ người Pha-ri-sêu này cầu nguyện như vậy bởi anh ta nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời nếu anh ta kể ra những việc công chính mình đã làm. Và anh ta tin rằng việc mình làm là công chính vì nó tốt hơn những việc xấu của người khác.
Nhiều người trong chúng ta ngày nay cũng vậy, chúng ta biết tội lỗi của mình là xấu, nhưng cho rằng chúng không xấu tới mức như tội lỗi của người khác. Và vì đó, ta công chính, thánh thiện hơn họ. Điều này là nguy hiểm và nghịch lại tinh thần Ki-tô Giáo, nơi chúng ta luôn được mời gọi sống khiêm nhường và chú tâm nhìn nhận tương quan của mình với Thiên Chúa đã tốt đẹp chưa thay vì chỉ nhìn ra xung quanh và ung dung tự đắc rằng mình tốt đẹp hơn những người khác . Tôi xin lấy danh ngôn sau để anh chị em cùng suy ngẫm:
“Ai sống nội tâm thì nhận ra những khốn cùng của mình, và tìm phương dược chữa trị chúng. Họ có biết bao điều phải phàn nàn về chính họ, họ thấy chính mình thật đáng khinh chê đến nỗi không còn nghĩ đến khinh chê người khác được, và chẳng phàn nàn về ai nữa… Họ nghĩ rằng đặc tính của những con người thô lỗ là đoán xét tha nhân mà không nhìn kỹ đến những gì xảy ra nơi chính mình. Bởi thế họ nhìn kỹ đến nhân đức của tha nhân mà bắt chước, và quay mắt đi để khỏi nhìn thấy những khía cạnh xấu của sự việc xảy ra nơi tha nhân. Đối với họ, cứ nghĩ đến việc bước đi trước mặt Chúa là đủ, chỉ cần ngắm nhìn Chúa và bản thân mình thôi.” — Thánh Anphongsô Rodriguez
Bài đọc thêm: Thế nào là yêu thật?
4. Ảo tưởng về chính mình
Dù thường hay khiển trách nhóm Pha-ri-sêu nhưng thật ngạc nhiên khi chính Chúa Giê-su đã khuyên mọi người nên tôn trọng những gì họ nói: Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ (Mt23,3). Như vậy, Con Thiên Chúa đã tôn trọng thẩm quyền của phàm nhân khi công bố lề luật. Còn chiều ngược lại, nhóm Pha-ri-sêu đã lấy làm tức giận, căm thù khi thấy Chúa Giê-su giảng dạy và hành động như một vị có thẩm quyền. Sau cùng, họ tìm cách giết hại Người. Điều đó có nghĩa là họ không muốn chia sẻ thẩm quyền với ai, chỉ họ được dạy người khác thôi và không ai được phép dạy dỗ họ cả. Thật là một sự ảo tưởng ghê gớm.
Là con người tội lỗi, chúng ta dễ dàng bị ảo tưởng về bản thân như vậy và việc để quyền năng Thiên Chúa thống trị trở nên khó khăn nơi chúng ta. Đúng là việc có chính kiến và tự đặt câu hỏi lành mạnh là một điều tốt. Nhưng khi chúng ta lạm dụng điều này, chúng ta dễ dàng trở nên một kẻ Pha-ri-sêu với lối sống bất tuân. Chúng ta chẳng muốn vâng lời bề trên, chúng ta cảm thấy lời khuyên dạy của người khác là vớ vẩn vì chúng ta biết rõ hơn họ. Sự kiêu ngạo đó làm chúng ta không còn biết lắng nghe, nhún nhường và thiện chí khi giao tiếp.
5. Thiếu vắng lòng thương xót
Trong dụ ngôn về người Pha-ri-sêu và người thu thuế, trong khi người Pha-ri-sêu cầu nguyện trong sự tự đắc thì người thu thuế cầu xin Thiên Chúa thương xót. Có lẽ người Pha-ri-sêu tin rằng anh ta tốt rồi và không cần được thương xót còn người thu thuế biết rõ anh ta tội lỗi và mong Thiên Chúa đoái thương.
Trong thực tế đời sống, những người không có “nhu cầu” được nhận lòng thương xót thường ít khi thương xót người khác. Có muôn ngàn lí do khiến những người Pha-ri-sêu ngày nay ngần ngại trong việc thương xót và giúp đỡ những người đang khó khăn. Có thể họ không muốn giúp đối tượng vì một tội lỗi nào đó của anh ta trong quá khứ, hoặc hoài nghi mình bị lợi dụng, hoặc ngại mất thời gian hay tệ hơn là cõi lòng lạnh lẽo khiến họ thờ ơ, lãnh cảm.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ít nhiều được nghe những câu nói như “Ôi dào, thế đã làm sao đâu, đầy người còn khổ hơn”, “Bây giờ lừa đảo nhiều lắm, không tin được đâu”,… Rõ ràng cánh cửa của lòng trắc ẩn đã bị khóa chặt bởi những những quan niệm, suy nghĩ như vậy.
Trên đây là năm biểu hiện thường thấy để chúng ta nhận biết một người Pha-ri-sêu hiện đại. Mỗi người chúng ta hãy cùng suy ngẫm và đối chiếu xem liệu mình có đang là một người Pha-ri-sêu hay không. Để từ đó, chúng ta biết sửa chữa mình cho tốt hơn trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức được mình còn đớn hèn, tội lỗi và cần lòng thương xót của Chúa biết bao. Để chúng con biết khiêm nhường, tự hạ, biết tìm những điều tốt đẹp nơi tha nhân và luôn biết lắng nghe, giúp đỡ những người xung quanh mình.
Bài đọc thêm: Chiếc khẩu trang Mùa Chay
Nguồn: Augustinô.net