Em thân mến!Trên các trang mạng xã hội, thầy thấy người ta nói nhiều về hai chữ “vô cảm”, trên sách báo cũng vậy, như cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” – của tác giả Đặng Hoàng Giang có nhiều bài viết nói về thói vô cảm nhất là vô cảm trên các cộng đồng mạng, được ông gọi là “dân phòng mạng”. Nhưng em có thấy là nói mãi rồi cũng chán, rồi cũng phải chuyển chủ đề khác để tăng lượt theo dõi chứ, không lại ca: “Khổ lắm, biết rồi nói mãi!”. Nếu không cẩn thận thầy và em cũng rơi vào cái não trạng: “Biết rồi! nhưng biết làm thế nào bây giờ!”
Và có một thực tế nữa là trên sóng truyền hình có nhiều chương trình truyền cảm hứng người tốt việc tốt rất ý nghĩa, trong đó mọi người rất đón nhận và ủng hộ chương trình “Việc Tử Tế” của sóng VTV1. Chỉ là những việc xem ra cũng bình thường thôi, không có gì khó khăn cả, chỉ đơn giản là những việc giúp đỡ, sẻ chia với tha nhân, ấy vậy mà nhiều người lại bình luận:“thật là phi thường!” hoặc “đúng là anh hùng!”. Điều đó cho thấy, xã hội này đang quá vô cảm, đến độ những việc quan tâm rất đỗi bình thường ấy giữa người với người lại trở nên quá “xa xỉ” với cái xã hội này hay ít ra là với một bộ phận nào đó em nhỉ?
Em cũng hãy để cho lòng mình được “đánh động” bởi những việc tốt nho nhỏ như thế quanh ta, để có thêm động lực, cùng nguồn cảm hứng làm việc lành, những việc bình thường thôi nhưng lại không hề tầm thường.
Và nếu em sẵn lòng, thầy xin giới thiệu cho em một mẫu gương “người tốt việc tốt”, người ấy không chỉ có thể truyền cảm hứng cho em nhưng hơn hết người ấy còn có khả năng giúp em vượt qua những khó khăn và trở ngại khi muốn sống tốt đấy. À! dĩ nhiên không phải là Chúa Giêsu nha! Kẻo em lại nói: “Thầy! Chúa thì nói làm gì” phải không nào? Nhưng là người đã dạy Đức Giêsu bài học của sự yêu thương, chia sẻ, cảm thông và QUAN TÂM. Chắc em biết là ai rồi nhỉ? Đức Maria – Mẹ chúng ta.
Nhưng trước tiên hãy nhìn đến những người mẹ nhân loại, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi tấm gương của các hiền mẫu, bởi người duy nhất có thể xóa bỏ mọi thứ chủ nghĩa cá nhân trong gia đình đó mà người mẹ, là tình yêu của bà, chỉ có bà mẹ mới có khả năng yêu tất cả những đứa con như chúng LÀ, với trọn tình yêu không san sẻ. Ngài muốn nhấn mạnh tình yêu của người mẹ trong gia đình là liều thuốc chữa lành căn bệnh cá nhân chủ nghĩa như vô cảm. Đó hẳn là một hồng ân của các bà mẹ em nhỉ?
Bài đọc thêm: Gương tuyệt vời của Mẹ Maria
Và Mẹ Maria cũng không nằm ngoài ân ban này của Thiên Chúa, Mẹ đã tỏ thái độ quan tâm và thương cảm với đôi vợ chồng trẻ trong tiệc cưới tại Cana khi họ hết rượu. Chỉ có sự tinh tế và “bén nhạy” nơi con tim của người mẹ mới có thể nhận thấy những bối rối thầm kín cùng vẻ mặt thoáng chút âu lo của đôi bạn trẻ. Không lo sao được bởi hết rượu là hết vui, là cạn phúc lành, là dấu chỉ mờ mịt cho một tương lai còn chưa được bắt đầu. Mẹ không chỉ thấy để rồi “suy đi nghĩ lại trong lòng”, trái tim của người mẹ không bao giờ có thể yên hàn khi sóng gió còn đang bủa vây con cái. Mẹ phải hành động để cứu giúp chúng. Tình yêu và sự quan tâm của người mẹ đã khiến phép lạ xảy đến, và sẽ còn tiếp tục xảy đến cho thế giới ngày hôm nay. Bởi thế giới này cũng đang trong tình cảnh “hết rượu rồi!” niềm vui, hân hoan đã vơi cạn, thay thế vào đó là muôn vàn ưu sầu, lo âu với biết bao cơn chiến tranh, dịch bệnh thể xác cũng như tinh thần vẫn cứ hoành hành. Chúng ta hãy mạnh bạo thưa với Mẹ: “Mẹ ơi! Chúng con hết rượu rồi! nhân loại này cạn rượu rồi Mẹ ơi! và chúng con mong chờ thứ rượu mới đến từ tình yêu của Đức Giêsu con Mẹ, qua trái tim từ ái của Mẹ, xin chảy đến chúng con”
Hãy để rượu yêu thương chảy đến chúng ta, nhưng rượu mới thì bầu da phải mới, rượu của tình yêu, của sự quan tâm chia sẻ, không thể chứa đựng trong chiếc bầu của cái tôi ích kỷ, cái bầu của sự vô cảm thờ ơ. Kẻo rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Hãy để rượu mới từ Đức Giêsu cũng được tràn trề nơi tha nhân qua bàn tay yêu thương chia sẻ và quan tâm của mỗi chúng ta.
Chúng ta hãy học với Mẹ bài học của yêu thương và quan tâm, hãy cầu nguyện với Mẹ bằng tràng chuỗi Mân côi, nhất là trong tháng Năm này, để xin Mẹ cho chúng ta được vào học tại mái trường Nazareth nơi mà một con người như chúng ta đã được học và đã tốt nghiệp loại “xuất sắc” chuyên ngành “Quan tâm” để rồi mang bài học ấy đi thực hành rong ruổi trên khắp các làng mạc với khẩu hiệu: “Chạnh lòng thương”.
Có thể em sẽ băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu ư? Để xem nào, sau khi Phục sinh, Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng bắt đầu từ đâu nhỉ? Rôma tráng lệ ư? Hay Antiôkia sầm uất? Lại chắc chắn không phải Việt Nam xa xôi phải không em?Nhưng là “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24,47). Giêrusalem là nơi các ông vẫn gặp gỡ mọi người, vẫn làm việc. Vì thế, Giêrusalem chính gia đình của em, trường học, nơi làm việc, là giáo họ, giáo xứ của em đấy. Hãy bắt đầu sự quan tâm từ nơi gần gũi nhất với em là gia đình, với những người thân của em là cha mẹ, ông bà…và đừng dành sự quan tâm của em ở những nơi xa xôi kẻo “làm phúc nơi nao, cầu ao thì rách nát”.
Trong tháng Năm này, hãy xin với Mẹ chữa lành thói vô cảm của thế giới bằng tràng chuỗi Mân Côi em nhé!
Chắc chắn không dễ phải không nào, nhưng liệu Chúa có muốn em được sinh ra để chỉ sống cho những điều tầm thường?
Bài đọc thêm: Đức Maria trong vai trò làm Mẹ
Nguồn: tonggiaophanhanoi