Icon Collap
...
Trang chủ / Tình cảm thế gian và tình cảm thiêng liêng

Tình cảm thế gian và tình cảm thiêng liêng

Tình cảm thế gian và tình cảm thiêng liêng, Nơi thánh thiện chốn thiêng liêng

                                    “Có ích lợi gì khi được cả thế gian mà đánh mất sự sống mình?” (Mt 16,26).

1. Hãy nhớ lại tình cảm mà bạn cảm thấy khi có người khen mình, khi bạn được tán thành, đón nhận và ủng hộ. Rồi so sánh với tình cảm dâng lên trong lòng bạn khi bạn ngắm mặt trời mọc, hay khi bạn nhìn ngắm thiên nhiên nói chung hoặc khi bạn đọc một cuốn sách và xem một bộ phim hết sức thích thú. Hãy nếm lại thứ tình cảm này.

Rồi so sánh với thứ tình cảm ban đầu, thứ tình cảm nổi dậy nơi lòng bạn khi bạn được ca tụng. Hãy nhớ rằng thứ tình cảm thứ nhất ấy xuất phát từ chỗ bản thân mình được tôn vinh, bản thân mình được đề cao. Đó là tình cảm của thế gian. Còn loại tình cảm thứ hai là do mình được hoàn thành, một tình cảm thiêng liêng.

2. Một sự so sánh khác: hãy nhớ thứ tình cảm mình cảm thấy khi thành công, khi leo tới vị trí đầu, khi thắng một trận hay khi cá cược được hoặc khi cãi cọ thành công.

Rồi so sánh với loại tình cảm khi thích thú với công việc hiện tại của mình, khi say mê công việc, khi thoả mãn với công tác mình đang tham gia. Một lần nữa, bạn hãy chú ý tới sự khác biệt về phẩm chất giữa tình cảm thế gian và tình cảm thiêng liêng.

3. Một sự so sánh nữa: Hãy nhớ lại bạn cảm thấy thế nào khi nắm quyền, khi làm ông chủ, khi mọi người nhờ vả tới bạn, lãnh ý của bạn; hay khi bạn nổi tiếng. Rồi so sánh tình cảm thế gian ấy với tình cảm thân mật, tình cảm đồng đội khi bạn được ung dung thoải mái làm việc với một người bạn hay một nhóm bạn đầy ắp tiếng cười và sự nô đùa.

a. Sau khi làm việc ấy, bạn hãy cố gắng hiểu cho ra đâu là bản chất thật của các tình cảm thế gian, tình cảm được đề cao hay được tôn vinh. Bạn sẽ thấy đó là những tình cảm không được tự nhiên, là những tình cảm do xã hội hay nền văn hoá của bạn tạo ra để khiến bạn nỗ lực nhiều hơn nữa theo hướng ấy và để kiểm soát bạn. Nhưng tình cảm ấy không làm bạn cảm thấy được bồi bổ và hạnh phúc như khi bạn ngắm nhìn thiên nhiên hay sung sướng vì có bạn bè, và khi bạn thích thú với công việc của mình

b. Sau đó, bạn hãy quan sát mình trong một ngày hay trong một tuần lễ để xem có bao nhiêu việc bạn làm, có bao nhiêu sinh hoạt bạn tham gia trong thời gian ấy là không bị dính bén những thôi thúc và những khát vọng chỉ đem đến cho bạn sự trống rỗng, như mong muốn được chú ý, được tán thành, được nổi tiếng, được thành công hay được có quyền.

c. Rồi hãy nhìn những người chung quanh bạn. Có người nào trong số đó là không chạy theo những tình cảm thế gian ấy? Có người nào không bị những tình cảm ấy khống chế, không khao khát những tình cảm ấy, không dành từng giây phút trong đời mình tìm kiếm những tình cảm ấy, dù có ý thức hay không?

Khi thấy được điều ấy, bạn sẽ hiểu người ta ra sức chinh phục thế gian như thế nào và đồng thời, đã đánh mất linh hồn mình làm sao. Người ta đang sống một cuộc sống trống rỗng, không có linh hồn.

Và đây là một dụ ngôn cho bạn nghiền ngẫm: có một nhóm du khách ngồi trên xe buýt chạy ngang qua một vùng quê hết sức đẹp, với sông với núi, với hồ với đồng cỏ. Thình lình các cánh cửa chớp của xe bị kéo xuống. Du khách không còn có lấy một ý tưởng gì về cuộc sống bên ngoài cửa sổ. Suốt thời gian du lịch họ chỉ loay hoay tranh cãi xem ai được ngồi vào chỗ danh dự trên xe, ai sẽ được tán thưởng, ai sẽ được tôn kính. Và người ta cứ như thế mãi cho tới khi kết thúc cuộc hành trình.

Bài đọc thêm: Đường Hẹp – Con đường nên Thánh 

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách: Tiếng gọi yêu thương

Nguồn: dongten.net

Bình luận
error: Content is protected !!