Icon Collap
...
Trang chủ / Hiệp hành với hai môn đệ !

Hiệp hành với hai môn đệ !

Chúa Giê-su phục sinh không chỉ để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, mà còn để hiệp hành với những môn sinh của Ngài như chính Chúa đã hiệp hành cùng với hai môn đệ, ở trên đường Emmau vậy. Để hiểu rõ hơn sự hiệp hành của Chúa Giê su phục sinh, chúng ta hãy cùng quan sát và suy gẫm về những gì mà Đấng Phục Sinh đã thực hiện đối với hai môn đệ này với ba chiều kích cụ thể như sau: hiệp thông – tham gia – sứ vụ.

Hiệp hành với hai môn đệ

Hiệp thông với các môn đệ ! 

Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ trong khi hai môn đệ lên đường trở về làng Emmau, thì Chúa Phục Sinh đã nhập cuộc với họ. Không rõ lý do gì đã khiến cho hai môn đệ này rời Giêrusalem mà trở về ngôi làng có tên là Emmau. Chỉ biết rằng khi các ông đang đi thì Đức Giê-su xuất hiện, cùng bước đi với họ. Ngài làm bộ giả vờ hỏi hai ông về nội dung câu chuyện mà hai người này đang đàm đạo với nhau, để hiệp thông với mối bận tâm của họ :”Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” ( Lc 24, 17). Câu hỏi của Ngài đã khiến cho hai người phải dừng lại với vẻ mặt buồn sầu. Bởi vì với câu hỏi này mà Đức Giê-su phục sinh đã đụng chạm đến tận nỗi đau, nỗi bận tâm của hai môn đệ, làm cho một người của họ đã phải lên tiếng trả lời rằng:”Chắc ông là là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay” (Lc 24,18). Và Đức Giê-su vẫn cố làm ra vẻ như ngây thơ không hiểu gì : “Chuyện gì vậy?” Thế là các ông mới được dịp xả ra hết những uẩn khúc, nỗi niềm chất chứa bên trong của họ về người Thầy Giê su đã chết do bởi nhục hình và cả những điều liên quan đến việc Ngài đã sống lại và hiện ra với một số người. Như vậy, hiệp thông có nghĩa là người có khả năng để cảm và chạm đến những mối bận tâm của người khác, để bắt đúng tần số của họ, nhờ biết nỗ lực để lắng nghe những tâm sự nỗi niềm của họ một cách chân thành nhất.

Tham gia cùng với hai môn đệ !

Đấng Phục Sinh của chúng ta đã không chỉ đi sâu vào trong những mối bận tâm, day dứt của hai đồ đệ mà còn tham gia tích cực để giúp cho hai ông thoát ra khỏi sự bận tâm này chính là sự nghi ngờ về sự phục sinh của Đức Giê-su. Quả thật, sau khi đã nghe xong những nỗi niềm tâm sự của hai người, Chúa Phục Sinh đã dùng Kinh thánh để cắt nghĩa, lí giải cho họ biết rằng Đấng Kitô phải chịu những đau khổ như vậy thì mới vào được trong vinh quang của Người với những lời như có vẻ trách móc : “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ. Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới bước vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Môi-sê đến tất cả các ngôn sứ Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,25 -27). Như vậy, có thể thấy được cách tham gia giải quyết vấn đề của hai môn đệ nơi Đức Giê-su thật diệu kỳ, khiến cho lòng các ông như sục sôi, rạo rực lên khi nghe Đấng Phục Sinh giải thích về Kinh thánh. Khi đã gần tới làng, Đức Giê-su làm như thể mình còn phải đi xa hơn, làm cho hai môn đệ càng cảm thấy luyến tiếc, nên họ nài nỉ Ngài vào quán để dùng bữa với họ, vì trời đã xế chiều, ngày sắp tàn. Rồi đang khi dùng bữa với họ, “Đức Giê-su cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24,30-32). Ngang qua Thánh kinh và Thánh Thể, Đấng Phục Sinh đã tháo gỡ được nút thắt nghi ngờ trong lòng các ông về cuộc thương khó và phục sinh của chính Đức Giê-su Ki-tô.

Thực thi sứ vụ cùng hai môn đệ !

Nhờ đi sâu vào được trong sự hiệp thông với những mối bận tâm của hai môn đệ, Đức Giê-su đã giúp cho hai ông hoá giải và vượt thắng được những vấn nạn của mình mà can đảm trở về lại Giêrusalem để thực thi sứ vụ của mình. Tin Mừng thuật lại : “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp nhóm mười một và các bạn hữu đang tụ tập tại đó. Những người này bảo hai ông :” Chúa trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra với ông Simon”. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa như thế nào khi bẻ bánh” (Lc 24, 33-35). Như vậy, nhờ Đấng Phục Sinh hiệp hành mà hai môn đệ đã vượt thắng những khó khăn, nghi ngờ và quay trở lại với các tông đồ để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng về Chúa Phục Sinh mà mình đã gặp cho những người khác. Bởi thế, hiệp hành cũng có nghĩa là cùng nhau thi hành sứ vụ chính Thiên Chúa đã ủy thác cho Hội thánh. Sứ vụ đó là : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án” (Lc 16,15-16) và : “Chính anh em là những chứng nhân về những điều này” (Lc 16, 48). Noi gương Chúa Giê-su Phục Sinh, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 2023, đã mời gọi chúng ta :”Hướng tới một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông-tham gia-sứ vụ”. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta hãy mang lấy những mối bận tâm khắc khoải của Hội thánh, hãy cố gắng tích cực tham gia vào trong những hoạt động của Hội thánh và hãy nỗ lực thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo mà Thiên Chúa đã trao phó và ủy thác cho chúng ta.

Cầu nguyện với Chúa Phục Sinh ! 

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã phục sinh vinh hiển để hiệp hành với chúng con, với Hội thánh của Ngài, ngay từ những ngày khởi đầu cho đến bây giờ và đến ngày tận thế. Chúa cũng đã soi sáng cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 2023 về một chủ đề mà chính Chúa đã làm gương cho chúng con, qua hai môn đệ trên đường Emmau. Chúng con xin tạ ơn Chúa rất nhiều. Xin Chúa Phục Sinh tuôn đổ tràn đầy Thần Khí xuống trên mỗi người tín hữu và toàn thể Hội thánh, để giúp cho chúng con can đảm bắt tay vào việc kiến tạo một Hội thánh hiệp hành mà chính Chúa Phục Sinh đã khởi xướng, ngang qua quý Đức Cha trên toàn thế giới. Amen.

Bài đọc thêm: Gặp và loan tin Chúa phục sinh !

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Nguồn: svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!