Hôm qua, Đức Giê-su đã nói rõ là Ngài đến không phải để hủy bỏ Lề Luật, nhưng để kiện toàn Lề Luật. Hôm nay, Đức Giê-su đã kiện toàn Lề Luật với những giới luật cụ thể như sau : “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng : “Chớ giết người; ai giết người thì bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt…Anh em sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5,21-26). Với những lời giảng dạy này, Đức Giê-su cho chúng ta thấy rõ mối tương quan giữa chính Ngài với Lề Luật.
Đức Giê-su là Thiên Chúa !
Một trong những trọng tội mà giới lãnh đạo Do Thái Giáo đã tố cáo Đức Giê-su là bất tuân luật Môi-sê. Đây là tội phải chết. Chúng ta biết rằng không phải ngẫu nhiên mà những người này đã buộc tội Đức Giê-su về điều này. Họ thấy Đức Giê-su chữa bệnh vào ngày Sabbath. Rồi sau khi đã nhắc nhở nhiều lần mà Đức Giê-su vẫn cố tình vi phạm mà còn xưng mình là Chủ của ngày Sabbath. Không chỉ dừng lại nơi đây, Đức Giê-su còn tuyên bố là Ngài đến không phải để hủy bỏ Lề Luật, nhưng để kiện toàn Lề Luật. Đức Giê-su không chỉ tuyên bố kiện toàn mà Ngài đã đưa ra những khoản luật cụ thể dạy người xưa và kiện toàn theo ý của riêng Ngài. Tuy nhiên, Đức Giê-su cũng nói rất rõ tính trường tồn và uy tín của Lề Luật là trời đất có qua đi, nhưng một chấm, một phết trong Lề Luật không thay đổi và không ai được dạy hay làm ngược lại. Tất cả những điều này khiến cho người Do Thái khó hiểu. Nhưng Đức Giê-su đã có chủ đích rõ ràng. Ngài muốn nói cho những người này biết : Ngài không chỉ là Đấng Cứu Thế mà còn là Thiên Chúa thật. Vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền ra luật và điều chỉnh luật mà thôi. Dù biết rằng cái giá phải trả cho những việc mình làm là cái chết tàn bạo và nhục nhã, nhưng Đức Giê-su vẫn khẳng định dứt khoát về vị thế Thiên Chúa của Ngài. Hơn nữa, Đức Giê-su còn cho thấy tính tương hợp của Lề Luật là phải được kiện toàn từ từ mới thích ứng được với những hoàn cảnh thay đổi của đối tượng.
Bài đọc thêm: Thần Khí và Lề Luật !
Tính tương hợp của Lề Luật !
Chúng ta biết rằng Lề Luật được thiết lập thường dựa vào những hoàn cảnh cụ thể như bối cảnh xã hội, văn hóa, khả năng nhận thức, thực hiện của những đối tượng phải thi hành Lề Luật. Chẳng hạn những người không có khả năng hay chưa đủ khả năng nhận thức như trẻ em, những người bị tâm thần mà trót vi phạm những điều khoản Lề Luật quy định, thì họ sẽ không phải chịu trách nhiệm truy cứu. Cụ thể hơn nữa, vào thời Cựu Ước thì luật : Mắt đền mắt, răng đền răng đã được người ta xem là văn minh tiến bộ, vì thời đó người ta còn man di, cứ hễ có một người trong bộ tộc này lỡ mà bị giết chết thì có khi cả bộ tộc của người bị giết chết sẽ đem quân đi giết rất nhiều người của bộ tộc kia để trả thù. Thế nhưng, vào thời Tân Ước thì luật : mắt đền mắt và răng đền răng đã không còn phù hợp nữa. Thay vào đó, Đức Giê-su lại dạy : nếu người ta tát mình má bên phải thì sẽ giơ cả má bên trái cho người ta tát nữa. Còn nếu như vào thời Cựu Ước mà đưa ra khoản luật : người ta tát má này thì phải đưa má kia cho người ta tát nữa thì làm sao con người thời đó có thể đón nhận được. Như vậy, việc Đức Giê-su đến để kiện toàn Lề Luật của Thiên Chúa không chỉ cho thấy Ngài chính là Thiên Chúa mà còn minh chứng cho chúng ta thấy rõ tính tương hợp trong việc làm cho Lề Luật ngày càng được kiện toàn hơn. Tóm lại, Đức Giê-su không hề chống lại Lề Luật mà làm cho Lề Luật ngày càng tiến triển và phù hợp với từng hoàn cảnh hơn.
Bài đọc thêm: Phá thai – Bệnh tật – Con đường giải thoát
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa của chúng con ! Chúng con cảm tạ tri ân Chúa rất nhiều, vì Chúa đã tỏ cho chúng con được biết Chúa là Thiên Chúa thật, Đấng đến không chỉ để kiện toàn Lề Luật mà còn có toàn quyền trên cả Lề Luật. Chúng con tha thiết nài xin Chúa Giê-su, tuôn đổ Thần Khí xuống trên toàn thế Hội thánh, trên mỗi người chúng con, giúp cho chúng con luôn biết trung thành tuân giữ và dạy người khác biệt tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa. Nhờ đó chúng con mới xứng đáng được vào Nước Trời như chính Chúa đã hứa ban cho chúng con. Amen.
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền thông sinh viên Công giáo