Thường lệ thì người ta vẫn hiểu ngôn sứ là những người nói lời của Thiên Chúa, chuyển tải những sứ điệp của Thiên Chúa để chấn chỉnh và tái tạo đời sống tôn giáo của các tín đồ. Sứ mạng của ngôn sứ chỉ thuần túy tôn giáo mà thôi. Vì thế, có một số người, thậm chí là những bậc vị vọng trong Giáo hội chúng ta, chủ trương và cho rằng các linh mục chỉ nên nói lời của Chúa, đừng đả động gì đến những vấn đề liên quan đến đời sống đạo đức luân lý của xã hội. Điều này có phù hợp với sứ mạng của một ngôn sứ không? Đặc biệt trong bối cảnh của một xã hội mà đời sống luân lý đang trượt dốc một cách thê thảm và đang đạt tới hồi báo động như hôm nay. Gioan tẩy giả, người cao trọng nhất trong những phàm nhân được sinh ra, sẽ cho ta câu trả lời dứt khoát và chí lý về vấn nạn này.
Nhưng sứ mạng Ngôn sứ của Gioan Tẩy giả không dừng lại ở đây. Đời sống tôn giáo không thể tách rời và tách khỏi đời sống xã hội được. Sứ mạng của tôn giáo là men, làm muối, làm ánh sáng cho muôn dân, cho toàn thể xã hội chứ không phải chỉ dành riêng cho người có đạo. Gioan Tẩy giả đã minh chứng sứ mạng này một cách cụ thể khi ông can thiệp vào đời sống riêng tư của một Hoàng đế với câu chuyện mà chúng ta vẫn thường được Sách Thánh nhắc lại như sau : Tiểu vương Hê rô đê có tình tứ và đã cưới bà Hê rô đi a, vợ của anh mình về làm vợ mình. Gioan Tẩy giả đã lên án nhà vua và nói rằng nhà vua không được cướp vợ anh mình. Kết quả, Gioan Tẩy giả bị vua nhốt vào tù và sau đó là cái chết bi đát bởi tay bà Hê rô đi a khi cơ hội trả thù đã đến.
Hơn ai hết, Gioan Tẩy giả biết rõ việc mình đang làm, lời mình đang nói. Ông biết những lời nói và việc làm của ông đang đụng tới đời sống riêng tư, lòng tự cao, tự đại của một bậc đế vương. Ông cũng biết rõ sứ mạng làm chứng cho Đấng Cứu Thế cũng vô cùng quan trọng. Nếu chết bây giờ liệu ông đã vuông tròn sứ mạng được giao chưa? Vì thế, dù ở trong tù, Gioan vẫn sai các môn đệ của mình đến hỏi Đức Giê su rằng:“Có phải Ngài là Đấng phải đến không?”. Nhưng Gioan đã quyết định chọn lựa sứ mạng nói sự thật của một ngôn sứ. Ông đã hành động như hành động của một ngôn sứ cần làm và phải làm. Chung cục, Gioan đã bị giết chết. Vậy ngang qua sự kiện này, Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta là những ngôn sứ của Ngài? Chúng ta hãy tìm hiểu xem.
Bài đọc thêm: Số phận của một ngôn sứ!
Trước hết, qua việc làm của Gioan cho thấy, Thiên Chúa cho thấy sứ mạng của một ngôn sứ không dừng lại trong nhà thờ, hội đường hay trong một đời sống luân lý tôn giáo thuần túy. Ngược lại, sứ mạng của một ngôn sứ luôn bao trùm và bao hàm cả đời sống luân lý của xã hội và cả luân lý cá nhân của từng người. Tôn giáo là linh hồn của xã hội thì không thể tách biệt sứ mạng loan báo, cảnh tỉnh, phê phán, nhắc nhở những việc làm sai trái tội lỗi của xã hội trong chiều kích cá nhân cũng như cộng đồng. Dù người đó là một dân nghèo, một thu thuế, một gái điếm hay một đế vương cũng không thoát ra khỏi những lề luật luân lý đạo đức đã được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm khảm họ. Ngôn sứ là người của mọi người.
Có một số người tỏ vẻ bất bình với việc các linh mục nhà Thờ Thái Hà, hay với nguyên Tổng Giám mục Hà nội Đức Cha Giu se Ngô Quang Kiệt và thường kết án các linh mục và Đức Tổng Giu se nói những chuyện chính trị như cầu nguyện cho việc trả lại đất, trả lại tự do cho những người bị bắt bớ cầm tù một cách vô cớ. Nhưng đó chỉ là luận điệu của những người muốn chạy trốn sứ mạng của một ngôn sứ đích thực. Những người này cũng có thể là những tay sai hoặc những kẻ đồng lõa với những con người, những cơ cấu tối án phi nhân của những nhóm đặc quyền, đặc lợi trong xã hội mà thôi. Các linh mục và nhất là linh mục Thái Hà là những ngôn sứ của Thiên Chúa, không là những nhà hoạt động chính trị xã hội. Giáo hội Công giáo không cho phép các linh mục làm chính trị mà phải làm những ngôn sứ loan báo tín mừng, chống lại những gì là tội ác trong xã hội.
Thứ đến, việc Gioan Tẩy giả dám đối mặt với vị đế vương có thiện cảm và quý trọng mình chỉ vì lỗi phạm luân lý cướp vợ của anh cho thấy trước sứ mạng căm go của các ngôn sứ đối với các nhà cầm quyền bính trong xã hội, dù có thiện cảm hay ác cảm luôn là vô cùng khẩn thiết. Một người cầm cân nảy mực đứng đầu trong xã hội vẫn vi phạm tội lỗi như thường và tội lỗi của họ thường trở thành những gương xấu gây cớ vấp phạm cho nhiều người. Chính vì thế, cần phải thẳng thắn khuyến cáo và sửa lỗi cho họ vì lợi ích không chỉ của chính họ mà còn của cả xã hội. Cái khó của một vị ngôn sứ là sự vị nể, sợ đụng chạm đến những người có chức quyền và sợ sự trả thù của họ. Nhưng Gioan Tẩy giả cho thấy một ngôn sứ không có quyền im lặng câm nín, không có quyền lờ đi trước những tội phạm công khai của những người quyền thế, bất kể họ là ai, làm gì.
Linh mục cũng như mọi người tín hữu là những ngôn sứ được Thiên Chúa tuyển chọn trong Bí tích Rửa tội. Chúng ta là những ngôn sứ của xã hội thời đại chúng ta. Chúng ta phải lên tiếng cảnh báo, nhắc nhở, khuyến cáo những tội ác trong xã hội, nhất là những kẻ gây ra tội ác đó, dù phải trả giả đắt cho sứ mạng ngôn sứ của chúng ta; ngay cả cái chết như Gioan Tẩy giả. Những tội ác như cướp bóc, đàn áp những người nghèo một cách tàn nhẫn và bất công, bỏ tù những người dám nói lên tiếng nói của lương tâm, tham ô hối lộ, biển thủ công quỹ hàng trăm tỷ rồi bỏ chạy, ăn chơi trác táng của những quan chức, phá thai giết người hàng loạt hợp pháp…đang diễn ra nhan nhản trước mắt ta. Chúng ta không có quyền im lặng mà phải lên tiếng nhắc nhở cảnh tỉnh họ. Đó là sứ mạng, là bổn phận, là trách nhiệm của một ngôn sứ như chúng ta. Gioan Tẩy giả là mẫu gương sống động và tuyệt vời cho chúng ta trong trận chiến căm go đầy thách đố này. Amen.
Bài đọc thêm: Gioan Tẩy Giả – Đấng Công Chính!
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền thông sinh viên Công giáo