Nữ tu Beata ở đan viện Fontêvirô là một chứng minh hùng hồn rằng Đức Nữ Trạng sư cao cả của chúng ta đã tỏ hết tình thương chất chứa trong tâm hồn Mẹ đối với những người tội lỗi nặng nề. Truyện do cha Cêxarê và cha Rho thuật lại.
Chị nữ tu bạc phước đó mù dại cảm yêu một thanh niên nọ, đã quyết tâm bỏ đan viện cùng chàng trốn đi. Trước khi bỏ dòng, chị đến trước một tượng Đức Mẹ, đặt dưới chân Mẹ chìa khóa cổng tu viện mà chị có nhiệm vụ canh giữ, rồi trơ trẽn đi theo tiếng gọi của lòng. Hai người đem nhau sang miền lân cận, và sống một đời cực kỳ nhơ nhuốc.
Mười lăm năm qua đi trong cuộc sống thác loạn đó. Một hôm, giữa phố, tình cờ chị nữ tu gặp lại người vẫn bán thực phẩm cho đan viện. Chị chắc rằng người đó không nhận ra mình, mới hỏi xem ông ta có biết chị Beata không. Ông trả lời:
– Biết lắm chứ. Chị Beata là một chị dòng thánh thiện. Hiện chị đang làm giáo tập.
Nghe trả lời, Beata rất sửng sốt, không hiểu sao lại có chuyện lạ lùng như vậy. Chị bèn cải trang trở về tu viện tìm hiểu xem sự thể ra thế nào. Đến tu viện, chị xin gặp chị Beata nào đó. Thì kìa, chị thấy Thánh Nữ Đồng Trinh hiện ra với chị, dung nhan y hệt tương Đức Mẹ mà lúc trốn đi, chị đã đem chìa khóa cổng tu viện và áo dòng đặt dưới chân. Đức Mẹ bảo chị:
– Beata, con nên biết rằng để giữ thanh danh cho con, Mẹ đã mặc lấy dung mạo con, và thay chỗ con làm hết mọi việc con phải làm trong tu viện này suốt mười lăm năm dằng dặc, tức là suốt thời kỳ con sống xa Thiên Chúa ngoài tu viện. Con ơi, trở về mà ăn năn đền tội. Chúa Giêsu Con Mẹ vẫn còn đang đợi chờ con. Con cố gắng sống một cuộc đời gương mẫu để giữ mãi danh dự Mẹ đã sắm cho con trong mười lăm năm vừa rồi.
Nói xong, Đức Mẹ từ giã chị, biến đi.
Beata trở vào đan viện, mặc lại áo dòng và đầy lòng tin tưởng vào tình thương của Mẹ Maria, Người đã phù trì chị. Chị đã sống những ngày còn lại của đời chị một cách thật thánh thiện. Mãi khi gần già thế, chị mới kể hết câu chuyện đời chị như trên để cao vinh tình thương của Mẹ Maria.
Sưu tầm trong 1001 ơn lạ Mẹ ban (36 Truyện từ Sách “Vinh Quang Đức Mẹ” của Thánh Anphongsô Liguori, CSsr).