Người di cư, phá thai, lạm dụng tình dục, kinh tế: Trong một cuộc nói chuyện trên đài truyền hình Televisa của Mêhicô, Đức Phanxicô đã có buổi phỏng vấn cởi mở về nhiều chủ đề. Ngài ghi nhận: “Hồi giáo bị tổn thương nặng nề vì các nhóm cực đoan, các nhóm cứng rắn quyết liệt này”.
Sáng thứ ba 28 tháng 5, Đức Phanxicô đã trả lời phỏng vấn dài trên kênh truyền hình Televisa của Mêhicô, mạng lưới tiếng Tây Ban Nha lớn nhất ở Mỹ Latinh, ngài đề cập đến nhiều chủ đề thời sự trong buổi phỏng vấn này.
Trả lời câu hỏi của nữ ký giả Valentina Alazraki, nhà báo đầu tiên phỏng vấn ngài năm 1979, ngài đề cập đến vấn đề người di cư, tố cáo “loại văn hóa kiểu mới, bảo vệ lãnh thổ bằng những bức tường” mà ngài cho là “vô nhân đạo”.
Phá thai và giết mướn
Dù ngài xem đây là chủ đề “hàng đầu của thế giới ngày nay”, ngài cũng không tránh được các chủ đề khác như phá thai, mà thứ bảy vừa qua ngài so sánh với việc nhờ người “giết mướn”.
“Có công chính không khi loại bỏ một cuộc sống của một con người để giải quyết một vấn đề?”, ngài đặt câu hỏi để trả lời nhà báo đã hỏi ngài, phá thai có được hợp lý trong một số trường hợp không.
Về chủ đề này, Đức Phanxicô đã lặp đi lặp lại, đây không phải là một chủ đề tôn giáo mà là “vấn đề của con người”.
Giết phụ nữ vì họ là phụ nữ
Đức Phanxicô đã có những lời lẽ đẹp về sự dịu dàng của nữ tính, nhưng ngài cũng mạnh mẽ lên án “nạn giết phụ nữ chỉ vì họ là phụ nữ”, ngài lấy làm tiếc “người phụ nữ luôn ở vị trí thứ hai trong xã hội” để rồi xem họ là “đối tượng của nô lệ”.
Ngài cho biết mình đã đọc cuốn sách Để tôi không phải là người cuối cùng (Pour que je sois la dernière, nxb. Fayard, 2018) của cô Nadia Murad, người Yézidie được Giải Nobel Hòa bình năm 2018, Đức Phanxicô khuyên nên đọc quyển sách này, quyển sách giải thích “tất cả những gì thế giới nghĩ về người phụ nữ đều có ở đây”. Ngài nhấn mạnh: “Tuy nhiên, thế giới không thể quay mà không có phụ nữ”.
Nadia Murad, Giải Nobel Hòa Bình “cho tất cả các phụ nữ”
Lạm dụng tình dục
Về vấn đề lạm dụng tình dục, nhà báo Valentina Alazraki đã gây ấn tượng mạnh trong bài tham luận của bà trong kỳ họp Hội nghị thượng đỉnh các chủ tịch Hội đồng Giám mục thế giới ở Vatican vào tháng 2 vừa qua, Đức Phanxicô đã được hoan nghênh về “quá trình” ngài đề ra và bây giờ bắt đầu có kết quả… ngài cũng công nhận mình sai lầm của mình trong vụ Chi-Lê.
Xin đọc thêm: “Nếu quý cha không hoàn toàn đứng về phía trẻ em, chúng tôi sẽ là kẻ thù hung dữ nhất của quý cha”
Ngài thừa nhận: “Các thông tin tôi có không tương ứng với những gì tôi thấy” và ngài cũng cám ơn các nhà báo đã lưu ý mình về vấn đề này, đã giúp cho ngài gởi Đức Giám mục Scicluna đến Chi-Lê để “khám phá những điều mà tôi không biết.”
Ngài lấy làm tiếc: “Sự thật là, trong các hồ sơ được đưa ra, không có tất cả mọi thông tin”, ngài chỉ trích “một phong cách giáo triều” đôi khi có xu hướng che giấu thông tin, không cho giáo hoàng và các cộng sự của ngài biết.
Về Giám mục Zanchetta, giám mục người Argentina bị buộc tội lạm dụng, mà Đức Phanxicô bị tố cáo là người bảo vệ giám mục, ngài cho biết: “Tôi đã nhận được báo cáo 15 ngày trước. Tôi đã đọc và chuyển qua Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ sẽ đưa ra phán quyết”.
Kinh tế và Hồi giáo
Trong số các chủ đề khác trong cuộc phỏng vấn dài này, Đức Phanxicô cũng chỉ trích đoạn văn “từ thế giới của kinh tế đến thế giới tài chính”. “Một nền kinh tế thị trường chính thống như vậy không thể hoạt động”, ngài cảnh báo và ủng hộ “một nền kinh tế thị trường xã hội như Đức Gioan-Phaolô II đã đề xuất” và kêu gọi “thoát ra hệ thống tài chính”.
Về mối quan hệ với Hồi giáo, ngài cho biết mình rất xúc động khi gặp các người hồi giáo trong các chuyến thăm giáo xứ ở Rôma, ngài nhấn mạnh “Hồi giáo bị tổn thương nặng nề bởi các nhóm cực đoan, các nhóm chính thống không khoan nhượng này”.
Đức Phanxicô thừa nhận: “Chúng tôi cũng vậy, tín hữu kitô chúng tôi cũng có các nhóm tận căn nhỏ, rõ ràng họ không phải là những người nổi loạn”. Đức Phanxicô kêu gọi sự gần gũi với người hồi giáo để xem nơi họ “có những gì tốt nhất, chứ không phải là những người nổi loạn”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch