Icon Collap
...
Trang chủ / Câu chuyện về Quả Trứng Phục Sinh

Câu chuyện về Quả Trứng Phục Sinh

Quả trứng phục sinh, ý nghĩa quả trứng phục sinh, quả trứng phục sinh là gì?

Chúa đã sống lại thật rồi! Người ơi vui lên! Alleluia!!! Lời ấy vang lên từ hơn hai ngàn năm nay và sẽ còn tiếp mãi đến mai sau. Thế rồi, ngày nay cũng có cách trao món quà biểu tượng là Quả Trứng Phục Sinh. Quả trứng diễn tả một sự sống mới đang thành hình, đang bắt đầu. Thế nhưng, năm nay trong cảnh Covid vẫn còn tiếp diễn, câu chuyện Quả Trứng Phục Sinh có nhiều điều mới mẻ.

Mới hôm trước, tôi xem chương trình thời sự của Italia, thấy người ta nói về đề tài “quả trứng” với hiện tượng rất mới rất khác. Mọi năm, dịp Phục Sinh là một trong hai dịp lễ nghỉ lớn nhất trong năm. Và vì thế, mỗi gia đình đều ăn mừng lễ rất lớn. Đương nhiên là đồ ăn sẽ rất ngon và thịnh soạn với đủ mọi món… Thế nhưng, năm nay, Lễ Phục Sinh này rất khác. Công việc đã đình trệ hơn một năm, thu nhập không còn, tiền dự trữ cũng “thủng” từ lâu… Những chi tiêu hằng ngày còn khó, nói chi đến việc ăn mừng với các đồ ăn thức uống đặc biệt… Thế nên, phần đông các gia đình đều cắt giảm chi tiêu và ăn uống đơn giản nhất có thể. Và trong thực đơn ấy, món được “ưa chuộng nhất” là trứng: trứng luộc, trứng xào, trứng… Vì món này thuộc nhóm đồ ăn dễ mua, dễ để, rất rẻ, và vẫn đảm bảo dinh dưỡng cần thiết… Và như thế, một cách “vô tình”, quả trứng được gắn liền với món ăn căn bản, thiết yếu, và thích hợp cho sự sống, cho cuộc sống. Nếu bạn là người có lòng yêu mến Bí Tích Thánh Thể cách đặc biệt, bạn sẽ hiểu thế nào là tầm quan trọng của Chúa Giêsu Thánh Thể cho việc nuôi dưỡng linh hồn và con người nội tâm. Tấm bánh bé nhỏ, Chúa Giêsu Thánh Thể, trở nên Quả Trứng Phục Sinh, nuôi dưỡng và làm sống lại trong ta sự sống của chính Thiên Chúa.

Cũng câu chuyện về quả trứng, tôi ngồi kể trong bàn ăn với các anh em Châu Âu (Bồ Đào Nha, Ba Lan, Pháp). Thời khó khăn của Việt Nam, những năm 1990-2000, cái thời mà dấu ấn nghèo khó sau chiến tranh vẫn còn in rất đậm trong đời sống. Bữa ăn của mỗi gia đình nhiều khi cũng rất đạm bạc. Có cơm từ thóc gạo ở cánh đồng. Có rau từ mảnh vườn nhỏ. Và có trứng gà trứng vịt, hoặc là đi mua, hoặc là từ gà vịt tự nuôi ở nhà. Cũng có lúc, nhà 3 người 4 người, mà chỉ có 1 quả trứng được xào mặn với nhiều muối. Nếu bạn nào đọc sách ngày xưa nói về con cá gỗ, thì sẽ thấy thấm thía hơn. Có anh chàng từ Mexico nói thêm vào. Ừ, đúng rồi đó, quê tôi cũng thế. Nhiều gia đình không thể chi trả cho cuộc sống, cũng nuôi gà, để có trứng ăn cho bữa ăn hằng ngày.

Trở về quá khứ mấy năm trước, với một tháng thăm người tị nạn Syria tại đất nước Liban (là quốc gia liền kề Đất Thánh), tôi thấy họ còn chịu cảnh khó hơn nhiều. Nếu không muốn nói là họ bị đói, thì kỳ thực cũng gần như thế. Hai triệu người ở trong các túp lều trên các bãi đất hoang. Mỗi gia đình hoặc đại gia đình ở trong một cái lều. Thường thì các gia đình không có người bố, vì hoặc là phần lớn bị chết trong chiến tranh, hoặc phần nhỏ vẫn đang tham gia chiến đấu hoặc đi đánh thuê để lấy tiền nuôi gia đình. Cuộc sống trong lều gần như không có gì. Có đồ ăn, nhưng nghèo hết sức có thể. Không có đất để mà vui chơi, để mà canh tác… Nói chung, không cần nói nhiều, chỉ cần các bạn trẻ hỏi lại ông bà bố mẹ, sẽ hiểu được cảnh sống trong cuộc chiến là thế nào. Thế nhưng, trong bối cảnh đen tối ấy, vẫn không vắng bóng nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ.

Hiện nay, hằng ngày vẫn có biết bao người chết trên biển Địa Trung Hải, vì muốn vượt biển từ các nước Châu Phi để vào châu Âu. Họ phải làm thế, hoặc là do chiến tranh loạn lạc, hoặc do cảnh đói khổ cùng quẫn… Gần hơn, là sự loạn lạc mà người dân và đất nước Myanmar đang chịu… Gần hơn nữa, là chính trong thành phố của bạn, trong làng xóm của bạn, trong gia đình bạn, giữa những người gần gũi nhất, thân yêu nhất…

Bạn đã nhận được Quả Trứng Phục Sinh của cuộc đời là những điều tốt lành tuyệt vời từ ai đó, thì bạn cũng hãy trao tặng cho những người đang cần tới. Sự sống chỉ nảy sinh khi được trao tặng. Tình yêu chỉ bền vững khi biết sẻ chia. Ngay cả tài sản vật chất và tinh thần, chỉ ở lại với ta, khi ta biết sử dụng để phát triển cho những mục đích lớn hơn và cao cả hơn. Và như thế, mầu nhiệm Phục Sinh, sự sống đời đời, không chỉ là sự sống sau cái chết, mà là sự sống bắt đầu ngay từ cuộc sống này.

Bài đọc thêm: THẦN KHÍ CHÚA PHỤC SINH – NGUỒN ÂN PHÚC LỚN LAO

Tứ Quyết SJ

Nguồn: dongten.net

Bình luận
error: Content is protected !!