Đức Phanxicô xin các người trẻ thoát khỏi điện thoại thông minh
cath.ch, 2019-04-14
“Các con đừng sợ im lặng”, ngày thứ bảy 13 tháng 4, Đức Phanxicô nói với các học sinh trường Ennio Quirino Visconti tại Hội trường Phaolô VI, ngài xin các học sinh đừng “nghiện” điện thoại cầm tay.
Trường Ennio Quirino Visconti là ngôi trường cổ điển nhất của Rôma, nơi xuất thân của các nhân vật vĩ đại như Eugenio Pacelli, giáo hoàng tương lai Piô XII (1939-1958), Franco Modigliani, Nobel Kinh tế năm 1985.
Hài cốt Thánh Louis Gonzaga (1568-1591), vị thánh bảo trợ người trẻ được chôn cất trong nhà thờ nguy nga thánh Ignatius, nằm cùng khuôn viên với ngôi trường trung học này.
Tạo các nơi chốn thinh lặng
Đức Phanxicô nhắc lại, sinh viên trẻ Dòng Tên Gonzaga đã có các lựa chọn quan trọng trong đời sống ngắn ngủi của mình, ngài không để “sự nghiệp và thần tài” điều khiển mình. Các bạn trẻ phải tuyệt đối hành động theo cách này, nghĩa là “để lợi ích chung trên quyền lợi cá nhân”. Để làm được như vậy, “phải các con chăm sóc nội tâm của mình”, có khả năng tạo được các khoảng không gian thinh lặng. Ngài khuyên các bạn trẻ nên học để lắng nghe tiếng lương tâm của mình, để có một sự hướng nội lành mạnh”.
“Ma túy” của điện thoại thông minh
Đức Phanxicô tuyên bố: “Còn hơn cả hiểu biết, đây là cả một minh triết, bởi vì chỉ có thinh lặng nội tâm mới nghe được tiếng lương tâm.” Ngài đề nghị: “Các con đừng sợ thinh lặng […], đừng sợ thời gian ở một mình dù mới đầu rất nhàm chán, và “xin các con vui lòng thoát ra khỏi sự lệ thuộc của điện thoại thông minh”, mọi người vỗ tay vang rộ và học sinh cười đồng tình. Ngài nói: “Sự lệ thuộc vào điện thoại là “ma túy tinh vi nhất”, hơn các chất khác vì nó làm mình mất tự do.
“Chỉ có ai yêu Chúa mới nhận biết Chúa”
Mặt khác, Thánh Louis Gonzaga chết vì săn sóc cho các bệnh nạn dịch hạch, ngài nổi tiếng có một “tâm hồn yêu thương tinh tuyền và tự do”, mà “chỉ có ai yêu Chúa mới nhận biết Chúa được”. Trong đời sống tình cảm, tế nhị và trung tín là hai chiều kích rất quan trọng. Trung tín là đức tính quan trọng để có một quan hệ yêu thương đích thực, vì chúng ta “không thể đùa với tình cảm”. Còn tế nhị giúp chúng ta đừng tầm thường hóa ngôn ngữ của thể xác.
Tuy nhiên “yêu không đơn thuần là diễn tả mối quan hệ giữa vợ chồng hay của một tình bạn bền chặt, đẹp đẽ và huynh đệ”. Một hình thức của tình yêu cụ thể cũng nói lên sự cam kết tương trợ với người khác, nhất là với những người nghèo nhất. Theo Đức Phanxicô, “sự độc đáo của tình yêu” giúp chúng ta luôn đi xa hơn nhờ khía cạnh sáng tạo của nó. Đức Phanxicô đặc biệt khen các thiện nguyện viên người Ý, họ đúng là sự phong phú của nước Ý.
Trường Ennio Quirino Visconti được thành lập năm 1871 nằm trong khuôn viên Trường Rôma Cổ, được Thánh I-Nhã thành lập một thời gian ngắn sau khi ngài thành lập Dòng Tên vào thế kỷ 16. Trong bài diễn văn của mình, Đức Phanxicô nhắc đến việc chính nơi này là nơi Linh mục Matteo Ricci được đào tạo, Linh mục Ricci là một trong những người đầu tiên thiết lập quan hệ bằng hữu giữa Trung quốc và phương Tây, một mẫu hình vẫn còn giá trị ngày hôm nay trong việc đưa thông điệp kitô vào thế giới Trung quốc. Đức Phanxicô nhấn mạnh, trường Ennio Quirino Visconti phải tiếp tục giáo dục học sinh trong tinh thần đón nhận, tôn trọng khác biệt, sự hợp tác và là nơi thử nghiệm cho một xã hội tương lai.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch