Con đường bê tông dẫn vào làng Hà Xá vừa được làm gần đây do người dân đóng góp bằng cách hiến đất cho xã hội để thực hiện chương trình “nông thôn mới từ thành phố tới thôn quê”, mà không cần biết tiền dự án nhà nước trích ngân sách cho chương trình nông thôn mới là bao nhiêu, tiền đóng góp được sử dụng như thế nào. Người dân ở đây chỉ cần biết có đường để đi và tự hào treo lên tường nhà chỗ trang trọng một bằng khen “có công đóng góp” ghi rõ số tiền tương ứng với mảnh đất mà họ đã hiến tặng.
Nhiều người khi gặp chúng tôi đều hồ hởi bày tỏ lòng biết ơn “đảng và chính phủ” – câu nói từ lâu đã trở thành phản xạ của những người vùng quê được chính quyền ban chút bổng lộc từ tiền đóng thuế của mình, mà lại cứ tưởng mình là những người quan trọng chỉ mình mới được nhà nước ưu ái quan tâm. Người khác biết chút ít những mánh lới của cán bộ thì bảo biết vậy, nhưng có còn hơn không, người ta không cho thì mình làm được gì (?!)
Có thể thấy, những cách thực hành Đạo như vậy hiện nay khá phổ biến tại hầu hết các vùng quê Công giáo miền Bắc, ngay tại các giáo xứ có bề dày truyền thống. Có vẻ như, càng truyền thống, càng lâu đời, tình trạng dửng dưng tôn giáo càng gia tăng, kéo theo nhiều hệ quả: bạo lực gia đình, anh em bất hòa, thiếu trung thủy trong hôn nhân, gian dối trong làm ăn buôn bán…Những hệ quả ấy gây nhiều áp lực tạo sự căng thẳng, bất ổn, phá vỡ sự bình yên trong các gia đình và trong khắp thôn làng.
Những cách sống Đạo tạo bất ổn này đang là một trong những thách đố không nhỏ đối với những ai quan tâm tới tiền đồ của Hội Thánh. Thực tế, cho tới tận bây giờ, chưa có bất cứ một nghiên cứu xã hội học nào về tình trạng sống Đạo của các tín hữu Chúa trong cơn lốc thị trường với cái đuôi dài “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Những điểm tích cực mà cuộc sống hiện đại đem lại, cũng như những hậu quả khốc liệt của nó, vẫn cứ như các cơn bão tràn qua các vùng quê Công giáo. Tuy nhiên, điều mà ai cũng có thể nhận ra, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ít nhiều đã có những tác động tiêu cực tới đời sống đức tin của những giáo dân một nắng hai sương trong khung cảnh của những làng quê bấy lâu nay bị giới hạn bởi những lũy tre làng.
Điều dễ nhận thấy, ngày nay thôn làng không còn khung cảnh bình yên, bát cơm xẻ nửa. Tình làng nghĩa xóm đầm ấm tình người dần bị thay thế bằng những mối liên hệ được định lượng bằng vật chất. Đức tin chân chính dần được thay bằng một thứ “niềm tin thực dụng” đòi hỏi Chúa ban ơn phần hồn phần xác mà không muốn động tay vào làm bất cứ thứ gì. Sự dửng dưng tôn giáo lên ngôi như một hệ quả tất yếu của một giai đoạn dài người dân phải sống và được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, trong đó, có quan niệm vật chất quyết định các giá trị tinh thần. Người dân đôi khi đã mang cả những quan niệm trần tục và sai lạc ấy vào trong việc thực hành Đạo, khiến Đạo chỉ còn là một phương tiện cầu may.
Hà Xá hôm nay đã đổi thay sau một tuần đại phúc.
Nhưng, câu chuyện về những giáo xứ vùng quê đang xoay vần nhằm thích ứng với những đổi thay đến chóng mặt của một xã hội hiện đại, đầy bấp bênh, nhiều rủi ro thì vẫn còn đó.
Một câu hỏi gợi lên trong đầu: “Công cuộc Tân Phúc âm hóa xã hội phải bắt đầu từ đâu?”