Phân tích của giáo sư thần học Massimo Faggioli trên trang Commonweal ngày 6 tháng 9 – 2018 với tựa đề Flirting with Schism, The Right-Wing Effort to Delegitimize Pope Francis. Ông Patrice de Plunkett, giám đốc biên tập báo Sự Sống dịch một trích đoạn của bài báo trên.
Massimo Faggioli, giáo sư môn thần học và nghiên cứu tôn giáo của Đại học Villanova, Philadelphia.
“Chứng ngôn” được Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, cựu sứ thần Tòa Thánh ở Mỹ công bố là một thời đoạn chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Giáo hội, không phải chỉ duy đòi giáo hoàng từ chức. Tài liệu 11 trang của cựu sứ thần Viganò soạn thảo với sự giúp đỡ của các nhà báo có cảm tình, tài liệu này được công bố trong khi Đức Phanxicô đang có chuyến đi Ai Len đã làm cho cơn khủng hoảng của Giáo hội công giáo Mỹ trở nên trầm trọng. […]
Chúng ta đang ở đâu bây giờ? […] Cơn khủng hoảng của các vụ lạm dụng tình dục tương tác-phản ứng đã nổ tung với một cơn khủng hoảng khác: sự nứt rạn càng ngày càng tăng trong lòng Giáo hội công giáo Mỹ. Trước hết sự nứt rạn này không phải là hoàn toàn mới, sự nứt rạn này đã có giữa các loại văn hóa công giáo khác nhau ở Mỹ. Tiếp đó là sự nứt rạn gần đây giữa nhiều giám mục Mỹ và giáo hoàng hiện nay. […]
Trong bài viết đăng tuần qua trên báo Tường trình Quốc gia Công giáo (NCR, National Catholic Reporter), nhà báo Michael Sean Winters đã can đảm viết chữ : “Ly khai”. Một số ngày càng tăng những người công giáo bảo thủ Mỹ không còn công nhận tính hợp pháp của Đức Giáo hoàng. Điều xảy ra từ nhiều tuần nay đã làm tăng phần gay gắt cho các căng thẳng đã có từ nhiều năm nay. Trên thực tế, những người đứng đàng sau thúc ép Đức Phanxicô phải từ nhiệm là một thiểu số nhỏ người công giáo Mỹ; họ không phản ảnh tình trạng tương quan của Đức Phanxicô với toàn Giáo hội Mỹ, lại còn không dính gì với toàn thể Giáo hội. Không phải cơn khủng hoảng này sẽ dẫn đến sự ly khai mở ra với hai giáo hoàng, hai giáo triều, hai hồng y đoàn, hai tuân thủ. Nhưng tình trạng rắc rối với sự việc còn Đức Giáo hoàng danh dự ở Vatican. Đức Bênêđictô XVI trở nên biểu tượng kháng cự của những người công giáo truyền thống, những người chống đối triều giáo hoàng Phanxicô và họ nghĩ thần học của Đức Bênêđictô XVI phù hợp với họ hơn: […] Dĩ nhiên trong năm năm rưỡi vừa qua, một số người trong họ còn muốn dùng Đức Bênêđictô XVI để chống Đức Phanxicô như một dấu hiệu thách thức.
Dù sao nhà báo Winters có lý khi nói trong Giáo hội công giáo Mỹ có các khuynh hướng ly khai mà chúng ta không thấy ở đâu có – ngay cả ở Trung quốc, nơi vấn đề không phải là việc có hai chế độ công giáo khác nhau, nhưng chỉ là sự khác biệt giữa hai thứ trật giám mục. Nguy hiểm ở Mỹ ngày nay nằm ở chính quyền uy Giáo hội.
Cơn khủng hoảng hiện nay là sự phối hợp của ba cơn khủng hoảng: thần học, chính trị và địa chính trị.
Cơn khủng hoảng thần học. Mong muốn của những người theo chủ nghĩa truyền thống là đặt Đức Phanxicô ngoài vòng hợp pháp, nhắc lại cuộc tranh luận chủ nghĩa hiện đại dưới thời Đức Piô X vào đầu thế kỷ 20, nhưng ở một trận tuyến ngược lại: một thiểu số phần tử tích cực theo chủ nghĩa truyền thống muốn làm cho giáo hoàng hiện đại bớt tiếng nói. Nhưng điều này cũng còn nhắc lại sự cắt đứt của Tổng Giám mục Marcel Lefebvre với “chủ trương giữ nguyên vẹn”, mà việc tự động dứt phép thông công sau khi phong bất hợp pháp bốn giám mục của Huynh đoàn Thánh Piô X (năm 1988). Điều đã xảy ra ở văn hóa công giáo Pháp giữa Công đồng Vatican II và năm 1988 có khả năng đang xảy ra ở Mỹ lúc này, ở một tầm mức lớn hơn. Lãnh vực truyền thống của chủ nghĩa công giáo Mỹ gạt ra những gì Giáo hội đã phát triển trong và từ Công đồng Vatican II. Sự gạt ra này có một cái gì còn tận căn hơn sự gạt ra của giám mục Lefebvre, mà các phản bác có tính cách chỉ nhắm vào Công đồng Vatican II (ít nhất là lúc mới đầu); bây giờ rất nhiều người theo chủ nghĩa truyền thống bác bỏ công đồng trong tổng thể của công đồng, kể cả các thể chế đã được công đồng bầu ra. Có một sự phân cực làm hai ở Giáo hội Mỹ, hai phía xa nhau theo hai hướng ngược nhau, đến mức gần như chỉ còn rất ít người công giáo duy trì được chiếc cầu giao hữu bên tả và bên hữu. Rõ ràng thế hệ giám mục hiện tại ở Mỹ không còn phù hợp với công việc nữa. Hàng giáo sĩ cơ bản, các giáo dân, nam cũng như nữ – từ các phụ huynh đến các cô thầy giáo, các thừa tác viên – sẽ bị thử thách rất nặng trong những tháng tới: liệu họ vẫn còn nói chuyện được với một tầng lớp công giáo khác và dẫn dắt người khác cũng làm như vậy không?
Cơn khủng hoảng chính trị. Chúng ta sẽ không hiểu rạn nứt trong Giáo hội Mỹ, và giữa những người theo chủ nghĩa truyền thống và Đức Phanxicô nếu chúng ta ở ngoài sự phân cực chính trị của nước Mỹ. Giai đoạn đầu tiên của vấn đề là bản sắc tăng dần của các giám mục Mỹ với Đảng Cộng hòa, phần lớn là do các lý do xã hội. Vì đảng này trở nên cực đoan trong mười năm vừa qua, một số lượng đáng kể các giám mục cũng đã làm như vậy. Cũng cùng thời gian này, một số nhà trí thức bảo thủ nổi tiếng đã chấp nhận đạo công giáo vì các lý do thuần chính trị. Điều này có nhiều điểm chung với phong trào Tiến hành Pháp của Charles Maurras, một phong trào dân tộc bị Đức Piô XI lên án năm 1926: Maurras không làm gì cho Tin Mừng, ông thấy công giáo là một công cụ hữu ích để tạo ra một trật tự xã hội chống dân chủ. Sự nhiệt tình mới cho một phiên bản cổ của công giáo, một phần do các nhà trí thức bảo thủ không quan tâm gì đến thần học, nhắc lại sự nổi dậy chủ nghĩa bảo thủ quá khích, chủ trương Đức Giáo hoàng có quyền độc tôn (ultramontanisme) vào nửa đầu thế kỷ 19. Quyển sách gần đây của linh mục Dòng Tên John O’Malley về các phong trào thần học đã mở đường cho Vatican I giúp chúng ta thấy nhiều điểm tương đồng giữa chủ nghĩa cực đoan của thế kỷ 19 và chủ nghĩa truyền thống công giáo Mỹ đầu thế kỷ 21. Trong cả hai phong trào, ván bài chủ yếu các nhà báo và các nhà trí thức thế tục tác động, mà cái nhìn về Giáo hội cơ bản có tính cách chính trị hơn là thiêng liêng. Họ tôn vinh Giáo hội như một thể chế có thể cự lại được với tính hiện đại và đặc biệt với quốc gia hiện đại. Họ ít quan tâm (hoặc hoàn toàn không quan tâm) gì đến giáo hội học hoặc thần học bí tích – hay bất cứ thứ gì không dễ dàng biến thành vũ khí chống lại kẻ thù chính trị của họ.
Cơn khủng hoảng địa chính trị. Các phương tiện truyền thông công giáo thuộc một phần trong chiến dịch Viganò có ý muốn tái giành lại Roma nhưng họ có ít kiến thức về Rôma, cũng như không có kiến thức về Giáo hội nói chung. Họ xem toàn Giáo hội công giáo như một Giáo hội Mỹ mở rộng. Philadelphia không phải là một Avignon mới, nhưng Mỹ giống với những gì nước Pháp đối với công giáo vào thế kỷ 14 và 15. Cuộc đại ly khai của phương Tây một phần được sinh ra từ cuộc đấu tranh để có quyền lãnh đạo trên kitô giáo Âu châu giữa giáo hoàng và chế độ quân chủ Pháp. Hiện nay có một cuộc cạnh tranh ngầm quyền lãnh đạo đạo đức giữa siêu cường thế giới cuối cùng và Vatican. Rạn nứt trong công giáo Mỹ mà cũng là rạn nứt trong Giáo hội phổ quát! Phải nhấn mạnh là các hội đồng giám mục Châu Mỹ La Tinh và Châu Âu đã công khai ủng hộ Đức Phanxicô sau khi cựu sứ thần Viganò công bố bức thư, ngược với sự im lặng gây sốc của hầu hết các hồng y và giám mục Mỹ.
[…] Sự thiếu ủng hộ của họ đối với Đức Phanxicô có thể xem như một dấu hiệu cho thấy họ muốn có câu trả lời của Rôma về vấn đề hồng y McCarrick; nhưng nó cũng có thể được hiểu như một nỗ lực để phục hồi uy tín khi biểu lộ một khoảng cách với một giáo hoàng, mà công giáo cực hữu hùng mạnh chưa bao giờ thực sự chấp nhận trong thực tế. Chúng ta chưa biết các quan hệ giữa các giám mục Mỹ và giáo hoàng sẽ được phục hồi như thế nào. Hội đồng giám mục về giới trẻ sẽ khai mạc vào tháng 10 tại Rôma, về mặt kỹ thuật thì đây là một “thượng hội đồng bình thường” nhưng, vì lý do có lịch này, nên có thể đây là một thời điểm phi thường trong sự tồn tại của Giáo hội bị rạn nứt này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch