Icon Collap
...
Trang chủ / Đức Maria không như Quan Âm Thị Kính

Đức Maria không như Quan Âm Thị Kính

Một sinh viên Phật Giáo, du học tại Pháp về khoa Vật lý, kể lại đã có dịp đi theo các bạn Công Giáo đi hành hương Đức Mẹ tại Lộ Đức. Và anh đã xin Đức Mẹ rằng: “Con thấy không cần xin ơn Bà về chuyện thi cử đỗ đạt, vì con có đủ sức lực. Nhưng con xin Bà cho con có dịp được biết Bà thực sự là ai?”. Vì trước đó anh ta nghĩ chắc Đức Mẹ cũng giống như bà Quan Âm Thị Kính. Vậy Đức Maria thực sự là ai?

Quả thật những dòng thông tin này cho ta hình dung ra đối tượng mà chúng ta cần trình bày về Đức Trinh Nữ Maria. Rõ ràng nơi anh sinh viên này có sự hòa quyện giữa một đầu óc khoa học thực tiễn (Vật lý) với một trực cảm tâm linh về mẫu tính nơi một người Việt. Một tâm thức từ bi hỷ xả của một Phật tử và một sự chứng ngộ về lòng sùng kính bình dân của người Việt Nam dành cho Đức Trinh Nữ Maria. Vì vậy trong tâm thức của anh, Đức Mẹ vừa giống như nhân vật bà Quan Âm Thị Kính. Nhưng vừa có một cái gì đó khác lạ. Chính vì vậy anh đã đi theo các bạn Công Giáo đi hành hương Đức Mẹ Lộ Đức và bộc bạch tâm nguyện của anh là mong được biết Đức Mẹ thực sự là ai? Hiểu về một đối tượng như vậy, ta có thể giới thiệu ngắn gọn cho anh sinh viên này về Đức Mẹ Maria như sau:

Trước hết, Đức Maria là một người phụ nữ Do Thái có thật. Mẹ không phải là một nhân vật huyền thoại. Mẹ có đầy đủ phẩm tính và đảm nhận những vai trò cần thiết của một người phụ nữ Do Thái bình thường. Nhưng đồng thời Mẹ lại là một người phụ nữ Do Thái đặc biệt. Được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ. Bởi vì chính Thiên Chúa đã chọn Mẹ xung công vào trong công trình của Ngài. Nghĩa là chọn Đức Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế là Chúa Giesu.

Thứ hai, vì là Mẹ Đấng Cứu Thế, nên định mệnh của Đức Maria gắn chặt với nhiệm cục cứu độ với định mệnh của dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn – dân Israel trong Cựu ước và Giáo Hội trong Tân ước. Và lịch sử của Mẹ gắn liền với lịch sử dân này, với Sách Thánh, với những truyền thống Sấm ngôn của họ. Vì vậy muốn hiểu về Đức Trinh Nữ Maria chúng ta nhất thiết phải tìm gặp Mẹ qua Kinh Thánh, qua truyền thống và qua những gì huấn quyền của Giáo Hội đã dạy.

Kinh Thánh Cựu Ước cho biết, sau khi con người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã phải thi hành án lệnh là trục xuất con người ra khỏi vương quốc của Thiên Chúa. Nhưng đồng thời hứa ban Đấng Cứu Thế đến giải thoát con người khỏi tình trạng hư mất mà họ vừa gây ra, qua việc công bố mối hận thù giữa hậu duệ của người phụ nữ và con rắn (St 3, 15). Đấng Cứu Thế ấy có tên là Emmanuel, sẽ sinh ra từ dòng giống nhân loại mà không bị ô nhiễm vì tội. Đấng ấy được sinh ra bởi một thiếu nữ (Is 7, 14) và sách Mikha 5, 1 – 12 cũng nói về thời một phụ nữ sinh con . Nhờ Tân ước rọi sáng, người ta nhận ra những hình tượng tiên trưng này báo trước về Đức Trinh Nữ Maria, thân mẫu của Đức Giesu.

Bước sang Tân ước, Đức Maria không chỉ được nhìn nhận là thân mẫu Đức Giesu mà còn là một gương mặt đặc thù nằm trong hình tượng người phụ nữ được Kinh Thánh và Phụng vụ dân Chúa tô đậm. Trong sách Tin Mừng của Macco, Đức Maria được trình bày như là một nhân vật phụ, bên cạnh Đức Giesu. Nhưng lại là người có bản lãnh, đầy bí ẩn và là người môn đệ chân thực của Đức Giesu. Còn trong Tin Mừng thứ tư, Đức Maria không chỉ là thân mẫu cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng, giáo dục Đức Giesu, là người đảm bảo cho việc nhập thể, sinh làm người của Đức Giesu mà còn là một người canh gác đứng ở của vào và cửa ra của lịch sử Đức Giesu. Hơn nữa, Mẹ còn là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và cũng là một nhân vật bí ẩn. Riêng trong Tin Mừng của Matthew, Mẹ Maria là người thực hiện lời hứa thiên linh, nhờ sự can thiệp của Thần Khí và đã được tiên báo trong Cựu Ước: “Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và người ta sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 22-24). Trong Tin Mừng Luca thì Đức Maria chính là hình ảnh thiếu nữ Sion, trong sách Sophonia là chính hòm bia giao ước của Thiên Chúa, là Đấng đầy ơn phúc.

Đến thời các Tông phụ và các Giáo phụ, mẫu tính thiên linh, sự đồng trinh và sự thánh thiện của Đức Trinh Nữ Maria đã được các Ngài trình bày khá chi tiết và khá rõ. Các vị này đã làm sáng tỏ vị trí và vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa tương tự như bà Eva – Người Mẹ tiên khởi của cả Nhân loại.

Đến phiên mình, Hội Thánh Công Giáo, dựa vào mặc khải của sách Thánh, dựa vào truyền thống các Tông phụ và Giáo phụ, dựa vào ơn soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua cảm thức đức tin chung của dân Chúa đã long trọng tuyên xưng lòng tin của mình vào Đức Trinh Nữ Maria qua bốn tước hiệu: Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh và Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Như vậy Kinh Thánh và truyền thống Giáo Hội cho chúng ta thấy rõ Đức Maria vừa là một phụ nữ Do Thái, vừa là cộng sự viên đích thực trong chương trình của Thiên Chúa. Không chỉ trong việc cưu mang thân xác Đức Giesu mà còn đón nhận Thánh ý của Thiên Chúa với một đức tin sắt đá. Chính trong lòng tin đó mà Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa  và Mẹ của cả Nhân loại. Nhờ đặc ân làm Mẹ Đức Giesu, Mẹ là người đầu tiên đón nhận ơn cứu chuộc và là mẫu gương tuyệt hảo cho những ai muốn đón nhận ơn cứu chuộc. Mẹ được hưởng trước công nghiệp của Chúa Giesu  ngay lúc đầu thai. Bởi vậy Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, không mang tỳ tích tội lỗi, được ơn trinh thai trọn đời và sau khi chết được đưa về với Thiên Chúa cả xác lẫn hồn. Mẹ là nguyên mẫu của Hội Thánh tinh tuyền đang sinh ra cho Thiên Chúa những người con trong đức tin, là gương mặt điển hình của một nhân loại mới.

Sau hết, Đức Trinh Nữ Maria, nhờ được hưởng những ơn đặc ân ngoại thường do chính ân sủng cứu độ mà Đức Giesu – con Mẹ mang lại nên đã giữ một vai trò trung gian đặc biệt của mọi ơn do Thiên Chúa ban cho loài người. Nhưng không phải vai trò trung gian của Chúa Giesu là đứng ra chủ động làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, mà Mẹ chỉ giữ vai trò trung gian bầu chữa và là dụng cụ đón nhận các ơn Thiên Chúa ban cho ta.

Tóm lại, Đức Maria là một nhân vật lịch sử, một người phụ nữ Do Thái bình thường được chính Thiên Chúa tuyển chọn vào trong công cuộc cứu độ của Người. Nhờ hồng ân đặc biệt này, cùng với lòng khiêm nhu, đại độ mở ra đón nhận thánh ý của Thiên Chúa mời gọi, trong sự tin tưởng vâng phục tuyệt đối của Mẹ, Mẹ đã trở nên khuôn mẫu người môn đệ đích thực cho những người tin, cho toàn thê Giáo Hội và trở thành vị Trung gian bầu chữa và là dụng cụ đón nhận những ơn Thiên Chúa ban cho loài người.

Trích nguyệt san 05 Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Alfonso Miền Bắc

Bình luận
error: Content is protected !!