Thực tế của tội.
Trước hết, chúng ta cần nhận diện thực tế của tội trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn xã hội và quốc tế.
Trên bình diện cá nhân, những tội như oán thù, ghen ghét, bêu xấu đời tư của người khác, lỗi đức bác ái, lỗi luật công bằng, dâm đãng và ngoại tình, trộm cướp, giết người, bỏ vạ cáo gian, tôn thờ vật chất và vui thú vô luân vv… là những tội mà biết bao nhiêu người, trong đó có người Công giáo đã và đang phạm. Nhưng không biết hay cố tình không muốn biết đó là tội rất nặng phải xa tránh để xứng đáng là người có đức tin, là con cái Chúa sống giữa bao nhiêu người vô thần khác.
Như thế, chúng ta phải nhìn nhận tội lỗi là một thực tế không ai có thể chối cãi được trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội và thế giới. Cụ thể, nạn phá thai hằng năm giết hơn một triệu thai nhi ở Mỹ là điển hình cho một tội ác ghê sợ của con người ngày nay chống lại Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống của mọi loài, mọi vật trên trần thế này. Nạn ly di cũng đang phá hủy hạnh phúc gia đình và mục đích hôn nhân mà Thiên Chúa đã thiết lập cho con người sống để cộng tác với Chúa trong chương trình sáng tạo loài người cho đến mãn thời gian. Sau cùng, nạn cờ bạc và mại dâm rất ghê tởm đang lộng hành ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt ở các quốc gia nghèo đói, xaz hội đầy bất công như Việt Nam, Phi Châu…. Đây là một suy thoái đạo đức và luân lý rất nghiêm trọng, hầu như vô phương cứu chữa hay cải thiện, vì chính các chế độ cai trị đó lại dung dưỡng để trục lợi cá nhân, làm giàu trên thân xác của phụ nữ và trẻ em, nạn nhân rất đáng thương của tội ác mại dâm vô cùng khốn nạn.
Trên bình diện quốc tế, các nước mạnh ( Mỹ và khối NATO) đang phạm tội ác khi tiến đánh các nước nhỏ, mượn cớ đạo đức giả là “bảo vệ người dân vô tội” như đang diễn ra ở Lybia từ mấy tháng nay.
Nhưng các chánh quyền độc tài, hà khắc ở Bắc Hàn, Syria, Iran và Yemen đã đàn áp giết hại dân lành của họ từ bao năm nay thì các nước lớn kia lại làm ngơ, không đem quân đến đánh để bảo vệ cho người dân lành đang là nạn nhân của các chế độ độc tài, và vô cùng tàn bạo đó! Cả một Tổ chức quốc tế là Liên Hiệp Quốc cũng đang trở thành những kẻ câm điếc trước những bất công, phi lý, vô nhân đạo, tàn ác đang được tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới.
Đó là điển hình cho các tội lỗi con người ngày nay đang phạm ở khắp mọi nơi, từ phạm vi cá nhân đến bình diện quốc gia và quốc tế.
Như thể thử hỏi: Có ai dám nói là mình không có tội? Nếu ai dám nói như vậy, thì xin nghe lại Thánh Gioan sau đây:
“Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội
Chúng ta tự lừa dối mình
Và sự thật không ở trong chúng ta.” ( 1 Ga 1: 8)
Do đó, thật cần thiết cho ai có niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng “giầu tình thương và hay tha thứ,” nhưng chê ghét tội lỗi, phải chạy đến với Chúa để xin Người tha thứ mọi tội lỗi đã trót phạm vì yếu đuối của bản năng, vì gương xấu của môi trường sống và nhất là vì ma quỉ cám dỗ để mong biến con người thành thù nghịch với Thiên Chúa.
Nhưng muốn được tha thứ thì phải biết sám hối, nghĩa là nhìn nhận mình là kẻ có tội và mong muốn xin Chúa tha thứ và ban ơn nâng đỡ để giúp xa lánh tội hầu bước đi trên con đường hoàn thiện dẫn đến ơn cứu độ, vì “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” ( Mt 18: 14)
Chúa Giê su đã lập bí tích hòa giải và ban quyền tha tội trước hết cho các Tông Đồ và cho Giáo Hội ngày nay. Vậy muốn được tha thứ tội lỗi trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa thì không thể tha được. (Mc 3: 28-29) còn các tội nặng, nhẹ khác có thể được tha qua bí tích hòa giải.
Phải xưng tội cách nào để xứng đáng được ơn tha thứ?
Trước hết, phải thật lòng ăn năn sám hối, nhận biết tội mình đã phạm đến Chúa và tha nhân.
Về điểm này, giáo lý của Giáo Hội dạy như sau: “Thống hối ăn năn là hành vi đầu tiên của hối nhân. Đó là một sự đau đớn của tâm hồn và ghét bỏ tội mình đã phạm với quyết tâm sẽ không phạm tội nữa trong tương lai.” (SGLGHCG, số 1451)
Sau khi đã nhận biết tội mình đã phạm và thật lòng sám hối ăn năn, hối nhân đi xưng tội với bất cứ linh mục nào đang có năng quyền giải tội ( linh mục nào bị tạm rút năng quyền (suspension of faculty) hay quen gọi là bị “treo chén” thì không được phép giải tội cho ai, trừ trường hợp nguy tử)
Khi xưng tội, hối nhân phải tránh 2 cực đoan sau đây :
Thứ nhất: Không được giấu tội, nhất là tội trọng (mortal sin). Có nghĩa là phải thành thật nhìn nhận các tội mình đã sa phạm và thành thực xưng mọi tội dù tội đó là “xấu” khó nói ra cho linh mục biết ( tội phạm điều răn thứ 6).
Về điểm này Giáo lý Giáo Hội dạy như sau: “Thú nhận tội mình với linh mục là một phần chủ yếu của bí tích giải tội. Các hối nhân phải kể ra tất cả các tội trọng mà mình biết đã phạm, sau khi xét mình cách nghiêm chỉnh, dù các tội này rất kín đáo và chỉ phạm đến hai Giới răn sau cùng của Bản Thập Giới (10 Điều răn), bởi vì đôi khi các tội này làm cho linh hồn bị trọng thương hơn hết và nguy hiểm hơn các tội ta phạm mà người khác biết rõ..…
Khi các tín hữu cố gắng xưng tất cả những tội mình nhớ được thì hẳn là đã đưa các tội mình ra để xin Chúa nhân từ tha thứ. Những ai làm cách khác và cố tình giấu một vài tội, thì không đưa ra được điều gì đáng Chúa nhân lành tha thứ qua trung gian vị linh mục.
Bởi vì “nếu bệnh nhân mắc cở (xấu hổ) không mở cho thầy thuốc xem vết thương của mình thì y khoa không thể chữa lành những gì nó không biết.” (SGLGHCG, số 1456, 1505)
Nói rõ hơn, nếu cố ý giấu tội thì việc xưng tội sẽ trở nên vô ích, vì không những tội cũ không được tha mà còn phạm thêm tội mới là “giấu tội” nữa. Nghĩa là mọi tội con người phạm đều xúc phạm đến Chúa trước tiên nên chỉ có Chúa tha thứ qua trung gian là linh mục. Nói khác đi, ta xưng tội mình ra với Chúa chứ không phải với linh mục nên phải thành thật với Chúa khi xưng tội với linh mục là người nghe và nhân danh Chúa Kitô (in personna Christi) để tha tội cho ta. Một điều quan trọng nữa cần nói thêm là do Ấn Tòa giải tội (Seal of confessions và theo Giáo luật số 983) thì linh mục tuyệt đối không được phép tiết lộ cho ai biết những gì hối nhân đã nói trong Tòa giải tội. Do đó, hối nhân phải an tâm về việc này để không ngần ngại xưng mọi tội nặng nhẹ đã phạm với lòng thống hối ăn năn để xứng đáng được Chúa tha thứ qua bí tích hòa giải.
Thứ hai: Cũng liên quan đến lòng thành thật khi xưng tội, hối nhân không được nói một cách tổng quát hay nói quanh co cách nào khiến linh mục không hiểu rõ tội của mình..
Thí dụ: Không thể xưng cách tổng quát như; phạm tội đánh người 3 lần, phạm điều răn thứ sáu 4 lần, ăn cắp 5 lần v.v… Đánh người có nhiều hình thức như đánh bạn bè, hàng xóm, hay đánh cha mẹ, đánh vợ, chửi chồng … Nếu đánh cha mẹ thì lỗi 2 giới răn thứ 5 và thứ 4. Phạm điều răn thứ 6 cũng có nhiều cách; phạm trong tư tưởng hay cả hành động một mình, hay với người khác, ngoại tình với vợ hoặc chồng của người khác hay lạm dụng tình dục trẻ em (ấu dâm= sexual abuse of minors) hiếp dâm, xem sách báo phim ảnh dâm ô, nói chuyện tục tĩu v.v… Linh mục không muốn tò mò biết chi tiết của các tội này, nhưng cần biết hình thức phạm tội để đưa ra những lời khuyên bảo thích hợp cùng với việc đền tội.
Do đó, thí dụ phải xưng: có phạm điều răn thứ 6 một mình trong tư tưởng và hành động một hay hai lần, hoặc ngoại tình với vợ người khác. Thế là đủ, không cần nói thêm chi tiết nào khác. Lại nữa, không rõ ràng, nếu chỉ xưng có lấy của người ta 3 lần, phải nói rõ là lấy cái gì của ai. Cụ thể: “Vào tiệm bán đồ và lấy trộm một đồng hồ đeo tay thì khác với vào nhà thờ lấy trộm tiền trong hòm tiền xin khấn, hay lấy Chén thánh (Chalice) để trong Phòng thánh về bán.”
Cũng cần nói thêm là tội ăn cắp tiền hay đồ vật của ai thì phải trả lại cho người ta cách nào thích hợp chứ không thể đọc năm ba Kinh đền tội là xong được.
Một điều rất quan trọng cần lưu ý liên quan đến bí tích hòa giải là xưng tội rồi, thì phải quyết tâm chừa tội, tức là thành tâm muốn canh tân đời sống thiêng liêng để nên hoàn hảo hơn hầu xứng đáng hưởng tình yêu và ơn cứu độ của Chúa Kitô, Đấng đã hy sinh chịu khổ nạn và chết để chuộc tội cho loài người.
Đàng rằng bản tính con người là yếu đuối, nên rất khó để xa tránh các tội nặng, nhẹ. Tuy nhiên nếu ta có thiện chí muốn sống ngay lành và nhất là biết nương nhờ vào ơn Chúa nâng đỡ thì chắc chắn sẽ thắng được những trở ngại, những cám dỗ của bản năng, của thế gian và ma quỷ để sống theo đường lối của Chúa hầu được cứu rỗi như lòng Chúa mong muốn cho hết mọi người. (1Tm 2: 4)
Ngược lại, nếu không có thiện chí muốn cộng tác với ơn Chúa để xa tránh tội lỗi thì ơn Chúa cũng không thể giúp ai đứng vững được vì thiếu sự công tác của cá nhân. Và khi con người không thực tâm muốn công tác với ơn Chúa, thì Chúa cũng không thể cứu ai được dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá và đủ để cứu rỗi con người. Đủ để cứu rỗi nhưng vẫn cần sự cộng tác của con người để ơn cứu độ của Chúa được sinh hoa kết quả mỹ mãn nơi người ấy.
Sau hết, không thể lợi dụng tình thương tha thứ của Chúa để cứ phạm tội rồi lại đi xưng tội. Nếu cứ lấy cớ Chúa yêu thương và tha thứ để không cố gắng chừa tội, cứ buông chiều theo tính xác thịt, theo gương xấu của xã hội mà làm những sự dữ, sự tội thì công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô sẽ trở nên vô ích cho ai có cách sống hay thái độ đó. Và ai sống như vậy thì hãy nghe lại lời Chúa nghiêm khắc cảnh cáo sau đây:
“Ta biết việc ngươi làm. Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi.. Nhưng vì người hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” ( Kh 3: 15-16) .
Ước mong mọi người ý thức được sự nguy hại của tội lỗi và biết khôn ngoan dùng phương tiện cứu rỗi hữu hiệu là bí tích hòa giải để mưu ích cho phần rỗi của mình trong tinh thần cộng tác với ơn Chúa để được cứu độ và sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.