– Bộ anh không có vợ thiệt hả?
– Bộ anh không tin thiệt hả?
– Không có vợ thì chịu sao nổi?
– Không nổi thì chìm. Chìm thì chết. Nếu không dám chết, thì phải ráng mà nổi.
– Phải công nhận là các anh tu luyện hay thiệt. Ủa… mà sao trong đạo của anh không có nữ linh mục? Như vậy thì có kỳ thị nữ giới, có phân biệt đối xử không?
– Đạo tôi không kỳ thị nữ giới, nhưng có phân biệt đối xử và chủ trương phải phân biệt để đối xử hợp tình và đúng lý.
– Anh nói gì mà kỳ vậy?
– Thủng thẳng. Uống cà phê và “phì phà” đi, vì chuyện đàn bà đàn ông là chuyện của thế giới, là chuyện của loài người. Mà lịch sử loài người thì dài như vô tận.
* Trước hết, đạo của tôi không kỳ thị nữ giới. Bằng chứng là ông Ađam (người đàn ông đầu tiên) khi thấy Eva (người đàn bà đầu tiên) liền tuyên ngôn như xuất thần rằng: “Đây là xương của tôi, đây là thịt của tôi”. Rồi ông còn tuyên bố y như Quốc Hội công bố luật gia đình rằng: “Từ nay, người nam sẽ giã từ cha mẹ để kết hợp với người nữ. Cả hai chỉ còn là một xương một thịt”. Đức Giêsu khẳng định ý kiến ấy của Ađam là ý trời: “Điều gì Thiên Chúa nối kết, loài người không được phân ly”. Tương quan giữa nam và nữ là thế, thì tuyệt vời rồi. Nếu có kỳ thị nam giới hay nữ giới, thì đó là lạc đạo, là ngoại đạo, là người trong đạo đi lạc ra ngoài đạo.
* Bây giờ thì sang vấn đề phân biệt đối xử. Tôi đã khẳng định với anh rằng đạo của tôi chủ trương phải phân biệt, để đối xử hợp tình và đúng lý. Tôi lý giải dài dòng lắm. Anh cứ uống cà phê và hút thuốc đi.
– Vì phân biệt đối xử, nên cha mẹ bắt con trai đi xúc cát, vác đá… lem luốc xấu xí như quỷ sứ. Trong khi đó con gái quét nhà…, lặt rau… lúc nào cũng mượt mà, điệu đà. Rất hợp tình và đúng lý. Con trai không cự nự. Con gái không vùng vằng.
– Vì VNPT phân biệt đối xử, nên cứ thấy công nhân nam ngồi vắt vẻo trên cột điện, giữa trời nắng đổ lửa. Da thì đen đúa. Mồ hôi thì chua lè. Trong khi đó nữ nhân viên thì ngồi trong phòng lạnh, gõ phím vi tính, đóng mộc trên con tem… khỏe ra. Lúc nào cũng tha thướt. Lúc nào cũng thơm phưng phức. Chẳng ai chống đối. Chẳng ai đòi cào bằng công tác giữa nam và nữ.
– Vì nhà nước phân biệt đối xử, nên trên thao trường đổ lửa và trên chiến trường loang máu chỉ thấy đàn ông con trai. Trùng trùng điệp điệp. Trong khi ấy người nữ ở hậu phương vẫn yểu điệu, vẫn duyên dáng, vẫn tỉa tót… Loài người vẫn đồng ý. Lịch sử vẫn đồng thuận. Không ai đòi cào bằng.
– Vì Tạo Hóa phân biệt đối xử, nên chỉ có đàn bà mang bầu, sanh con và cho con bú. Đàn ông thì cứ ngơ ngơ, chẳng biết gì những việc ấy. Thương vợ ột ệt, nếu đàn ông muốn chia sẻ công tác mang bầu với vợ, thì Trời cũng chẳng cho. Đành đi cày sâu cuốc bẫm, dầm mưa dãi nắng và dâng mồ hôi nước mắt cho “xương của tôi và thịt của tôi”. Lịch sử hai triệu năm của loài người vẫn thành hình như thế. Rất êm ả. Đàn bà không chống đối. Đàn ông không đòi đổi công tác.
Tôi nói lòng vòng như vậy đó. Anh chịu chưa?
– Chưa. Anh đánh trống lảng sang chuyện khác rồi. Vấn đề là “Tại sao không có nữ linh mục?”, mà anh không hề đá động tới.
– Có đá rồi, nhưng chưa động tới thôi. Bây giờ thì…
1. Từ xưa tới nay chưa có nữ linh mục. Tại sao?
– Có người bảo rằng vì Đức Giêsu tuyển chọn 12 người đàn ông làm Tông đồ. Còn người nữ chỉ tháp tùng đoàn truyền giáo thôi.
Quả thật Đức Giêsu đã tuyển chọn đoàn Tông đồ toàn là đàn ông. Nhưng Người không hề bảo rằng đàn bà không được làm Tông đồ. Cũng như Người chỉ chọn 12 Tông đồ. Con số 12 dường như có một ý nghĩa quan trọng lắm, nên sau khi đoàn chỉ còn 11 vị, thì Thánh Phêrô yêu cầu bổ sung cho đủ 12. Nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội không được phép có hơn 12 giám mục.
Đức Giêsu tuyên bố ơn gọi của Người là đi loan báo Tin Mừng. Suốt đời truyền giáo, Người “đi” chứ không “ở”. Nhưng không phải vì thế mà ngày nay ta không được xây nhà thờ, chủng viện và nhà xứ.
2. Hiện nay đang có một số người đòi hỏi phải có nữ linh mục. Họ còn đấu tranh và cho rằng nếu không cho người nữ làm linh mục thì Giáo Hội kỳ thị nữ giới và đi ngược với phong trào đòi “nam nữ bình quyền”.
Theo ý kiến của tôi, thì vấn đề không phải là “người nữ không được làm linh mục” mà là “người nữ có nên làm linh mục hay không?. Hoặc “chức năng linh mục có phù hợp với phụ nữ hay không?”.
Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền cũng như Hiến Pháp Việt Nam không hề cấm nam giới làm giáo viên mẫu giáo mầm non. Nhưng trong thực tế chẳng có giáo viên tu mi nào muốn làm nghề ấy. Không phải vì họ không “được làm” mà vì họ sợ không thể “làm được”.
Xin đơn cử một ví dụ: anh là nữ linh mục. Vào đúng 24 giờ: trời tối om om; mưa rơi lất phất; đường làng vắng hoe. Có một cú điện thoại: “Mời mẹ sở đi kẻ liệt gấp. Ông Mỗ đang hấp hối. Xe ôm đang chờ mẹ ở cổng nhà xứ…”. Tôi hỏi thiệt anh, nếu anh là nữ linh mục, anh có dám xách đồ đi ngay không? Nếu anh không đi ngay, thì anh có thi hành chức năng linh mục không?
3. Trong tương lai, có thể có nữ linh mục không? Hãy để tương lai trả lời. Nhưng vẫn phải trung thành với nguyên tắc: “Phải phân biệt để biết đối xử cho hợp tình và đúng lý” và “không được kỳ thị nữ giới cũng như nam giới”. Con người là mẫu số chung, là căn bản. Còn nam hay nữ, màu da hay tiếng nói chỉ là chuyện phụ. Tất cả chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu