Sau Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ Maria là Đấng cao trọng nhất trên trời, là Nữ Vương Thiên Đàng, Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Hai. Mẹ là người được Thiên Chúa ban nhiều ân sủng nhất trong loài người, nhiều phúc lạ hơn hết mọi thụ tạo. Có người từng nói “Đức Mẹ đâu cần lập công, Mẹ được tiền định để nên cao trọng sẵn rồi.
Nhưng thực tế Đức Mẹ cũng là một người phàm được sinh ra, một thụ tạo như bất cứ ai trong chúng ta. Thế thì vì sao Mẹ nên cao trọng như vậy? Có bất công không khi Thiên Chúa ưu ái riêng Đức Mẹ đến thế? Có thiên vị không? Hay do Đức Mẹ may mắn được chọn ngẫu nhiên mà được vậy?
Thiên Chúa thưởng phạt theo công trạng
Ngay từ đầu Sáng Thế, chúng ta đã thấy rõ định luật hiển nhiên của Thiên Chúa sáng tạo: có công thì thưởng, có tội thì phạt; công càng lớn thưởng càng bội hậu, tội càng nặng phạt càng nghiêm trọng. Ađam, Êva phạm tội phản nghịch với Đấng Tối Cao nên phải chịu khổ và vạ lây cả loài người; thành Sơđôm vô luân bị Trời hoả thiêu; dân sống tàn bạo thì bị hồng thuỷ quét sạch. Bên cạnh đó, Nôê sống công chính nên được Chúa cho tồn tại giữa thiên tai; Aben lòng ngay thẳng được Chúa đoái nhìn và bênh vực; Ápraham tin vào điều công chính nên được ban cho gia nghiệp lớn và làm tổ phụ. Cũng có Saun được chọn làm vua Ítraen vì có lòng khiêm nhường, nhưng vì tham lam, khinh mạn lời Chúa mà mất đức tin nên bị truất phế.
Thiên Chúa tuyệt nhiên công bằng và không thiên vị ai, vì chính Người là Đấng tạo nên công bằng, mà Thiên Chúa thì thuần khiết và không thể tự mâu thuẫn với chính Người (Tv 51,6). Trước mặt Chúa, tất cả mọi con người đều là thụ tạo bé mọn và cần được thương xót, không ai hơn ai. Đức Mẹ cũng là một con người, cũng chịu xét xử dưới đức công bằng của Thiên Chúa; thế nên Mẹ có nên cao trọng hoàn toàn không phải nhờ may mắn!
Đã hẳn chúng ta được cứu độ là nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô (Ep 2,8-9), nhưng được thưởng phạt nhiều hay ít thì là do việc mình làm (Mt 16,27; Hc 35,22). Mẹ được nên cao trọng hàng đầu như thế thì công trạng lập được cũng phải cân xứng.
Thiên Chúa chọn riêng một số người
Chúa Giêsu cho chúng ta biết một chân lý đời đời: ai không biết ý chủ mà không làm theo thì bị đòn ít; còn ai biết ý chủ mà vẫn không làm theo thì bị đòn nhiều.
Quả thực, như dụ ngôn những yến bạc trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 25,15) cho thấy, Thiên Chúa không ban cho tất cả mọi người đồng đều khi được sinh ra trên đời, nhưng có người được nhiều hơn, người được ít hơn. Và người được nhiều thì sẽ bị đòi hỏi sinh hoa trái nhiều; người được ít thì cần sinh hoa trái ít hơn.
Tuy tất cả mọi con người đều ngang hàng nhau và Thiên Chúa không thiên vị bất cứ ai, nhưng Người cũng có những kế hoạch riêng cho một số người mà Người tuyển chọn theo thánh ý Người. Chúa định cho người này sinh ra đã là vua, người kia sinh ra trong nhà thánh thiện, người khác lại sinh ra làm con của người vô gia cư; Chúa an bài cho một số người làm Giám Mục, Giáo Hoàng, nhưng nhiều người khác chỉ làm giáo dân… Thoạt nhìn thì có vẻ Chúa ưu ái riêng một số và xem nhẹ những người còn lại; nhưng thực ra ai được cho nhiều thì bị đòi nhiều; hoa trái cần trổ sinh tuỳ thuộc vào lượng ơn được ban. Ai được an bài ở gần với Chúa thì phải cầu nguyện nhiều hơn; ai giàu có thì phải cho đi nhiều hơn; bà goá nghèo dâng 2 đồng kẽm thì đã lập công nghiệp lớn hơn những người cho đi lắm tiền của (Mc 12,43). Do đó, dù được Thiên Chúa đặc tuyển hay không, người ta cũng được xét xử và thưởng phạt theo công trạng của mình mà thôi.
Đức Mẹ có thể được kể là người được ân tuyển đặc biệt nhất trong lịch sử loài người. Thiên Chúa ban cho Mẹ những ơn đặc biệt đến nỗi kéo Mẹ ra khỏi số phận chung của toàn thể nhân loại: không mắc tội tổ tông truyền. Điều khiến Mẹ còn đặc biệt hơn nữa đến nỗi cả loài người hợp lại cũng không sánh được, đó là được làm Mẹ của Thiên Chúa Toàn Năng, Mẹ của Đấng Hằng Hữu. Vì được ban nhiều ơn nhất nên chắc chắn Đức Mẹ cũng phải sinh nhiều hoa trái nhất trong loài người thì mới cân xứng.
Xin phép được nói giả định: nếu người được chọn cho công trình cứu chuộc không phải là Đức Maria mà là một người phụ nữ khác thì người đó cũng phải sinh hoa trái chừng ấy mới xứng đáng được nâng lên hàng cao trọng trên trời mà thôi.
Ân sủng phải được cộng tác thì mới sinh công nghiệp
Chúng ta lại có thể tự nhủ: vì Mẹ được ban cho rất nhiều ơn nên mới lập được công trạng to lớn như vậy! Không phải đơn giản vậy đâu, vì người ta phải muốn và ưng theo ân sủng thì mới lập công nghiệp; phải hợp tác với ân sủng thứ nhất thì mới được ban ân sủng thứ hai. Chúa đâu ép ai sống thánh được, Chúa soi sáng và tuỳ người ta có muốn hay không.
Cũng có thể người ta nói: Đức Mẹ thánh thiện sẵn từ trong thai nên thực thi nhân đức là chuyện dễ dàng. Thư gửi tín hữu Do Thái nói về Chúa Giêsu thế này: “Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Đến chính Chúa Giêsu, vốn có bản tính Thiên Chúa, mà còn phải vất vả học thực thi nhân đức, thì huống gì là Đức Mẹ khi Mẹ cũng chỉ có tính con người như chúng ta.
Mẹ suốt đời đã phải chiến đấu đầy vất vả, phải đối mặt vô số cám dỗ, liên tục cố gắng để trung thành với Chúa, thực thi mọi nhân đức, việc lành và không phạm bất cứ tội nào trong mọi phút giây. Một đằng, vì là người phàm, Mẹ cũng có những tính hỷ nộ ái ố dục như chúng ta; đằng khác, vì lương tâm trong sáng đặc biệt trong sự vô nhiễm, Đức Mẹ biết sợ tội hơn chúng ta vô cùng lần. Một người càng ghét điều xấu thì khi gặp cám dỗ làm điều xấu sẽ càng buồn khổ, càng lo sợ bị yếu đuối vấp ngã, vì buông theo cám dỗ thì dễ, còn chống cưỡng thì rất trái ý, khó chịu. Song song với xa lánh tội lỗi là thực thi nhân đức, Đức Mẹ cũng không ngừng tìm dịp để làm mọi việc lành có thể trong mọi hoàn cảnh, đến nỗi ta có thể tin rằng ngày sống của Mẹ chỉ có tràn đầy việc lành và thánh thiện mà thôi.
Mỗi ngày sống có hàng trăm dịp tội: một chút lười biếng dậy trễ buổi sáng; đối mặt với những người khó ưa, không muốn gây gổ ra miệng thì cũng nghĩ xấu trong dạ; bị mất trộm, nói xấu sau lưng; thấy người nghèo nhưng tiếc tiền không giúp đỡ; thấy người ta có cái mà mình muốn; nhất là đôi lúc xác thịt nổi dậy khiến không làm điều xấu thì cũng nghĩ xấu.
Chúa Giêsu mở rộng chân trời thánh thiện đến đâu, Đức Mẹ đã vươn cao đến đó. Để đạt đến đỉnh cao thánh thiện mà cả loài người đều không thể đến nổi, Mẹ đã phải đánh đổi tất cả tự do, thoải mái, cảm xúc, ý chí, sức khoẻ, của cải, cả máu và nước mắt, mà thực thi ý của Chúa liên tục không ngừng bất cứ chút nào.
Chúng ta nên nhớ rằng Mẹ Maria đã nỗ lực để không phạm bất cứ một tội lỗi nào kể cả tội nhẹ nhất và thực thi hết mọi nhân đức đến mức trọn hảo, không phải chỉ trong một ngày hay một năm, mà là trong suốt 72 năm đời Mẹ*, thì mới thấy Mẹ mạnh mẽ, kiên cường, bền đỗ chừng nào.
Sự cao trọng phản ánh công trạng của Đức Mẹ
Trong dụ ngôn những nén bạc ở Tin Mừng Luca (Lc 19,16-19), Chúa Giêsu cho thấy người ta lập được bao nhiêu công nghiệp thì sẽ được thưởng bấy nhiêu, hoàn toàn cân xứng với việc họ đã làm. Chúng ta hiểu rằng mức độ các Thánh được tôn sùng chính là mức độ Thiên Chúa tôn vinh các ngài, và là phản ánh công nghiệp các ngài khi còn sống.
Việc Đức Maria được tôn vinh vượt bậc hơn tất cả các Thánh từ xưa đến nay, được phong những tước hiệu mà không ai có thể có được, được kêu cầu và sùng kính không đếm xuể, tức là Thiên Chúa tôn vinh Mẹ đến vô hạn. Điều đó cho thấy lượng công trạng mà Mẹ đã lập khi còn ở thế gian là vô cùng lớn lao. Nên lưu ý phân biệt 2 phạm trù: những đặc ân mà Mẹ nhận được (tượng thai vô nhiễm, hồn xác lên trời…) là những điều Chúa ban không cho Đức Mẹ để tô điểm mầu nhiệm nhập thể, và việc Mẹ được trọng thưởng do công nghiệp Mẹ lập khi cộng tác với ân sủng Chúa.
Đức Mẹ dầu được chọn trước từ đời đời để sinh hạ và nuôi nấng Chúa Cứu Thế, được ân ban những đặc sủng lạ lùng, nhưng cũng đã sống một cuộc đời như chúng ta, cũng cố gắng và vất vả để làm việc lành và xa tránh tội lỗi, đã chịu nhiều đau khổ và cay đắng hơn tất cả chúng ta để vươn đến đỉnh thánh thiện. Mẹ xứng đáng trở nên Nữ Vương Các Thánh Nam Nữ, Thánh Mẫu Thiên Chúa và Mẹ từng người một trên thế gian. Thánh Gioan Maria Vianney đã nói một câu thời danh: “Thiên Chúa có thể tạo dựng một vũ trụ khác đẹp hơn vũ trụ này nhiều lần, nhưng Chúa không thể tạo dựng một thụ tạo khác cao quý hơn Đức Trinh Nữ Maria.”
Chúng ta chiêm ngắm sự cao trọng của Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, vẻ đẹp và thánh thiện cực rạng ngời của Mẹ, để tiếp tục thêm lòng yêu mến và tôn sùng Mẹ, học hỏi bắt chước gương đời sống cầu nguyện, làm việc lành và chiến đấu xa tránh tội lỗi của Mẹ. Xin Đức Mẹ phù hộ chúng ta biết ham thích sống như Mẹ đã sống ngày trước, hầu mai sau được Mẹ rước về nơi Mẹ đang sống cùng Con của Mẹ đến đời đời. Amen.