Ông Édouard du Parc, ủy viên Hội đồng Thành phố Bordeaux, ông làm việc trong ngành địa ốc và trong lãnh vực chính trị. Ông là người sáng lập hiệp hội IDEH, một hiệp hội có mục đích nhằm phát triển con người: “Tôi đi lễ mỗi ngày và tôi thu xếp để trong ngày tôi có những giây phút cầu nguyện như nguyện ngắm, lần tràng hạt. Tôi thấy như vậy là tốt và đó là một cần thiết, đời sống đức tin nâng đỡ các công việc tôi làm dù trong lãnh vực chính trị, hiệp hội, gia đình hay nghề nghiệp. Theo tôi, hành động phải tràn ngập lời cầu nguyện, một tràn ngập của tương quan mình có với Chúa Kitô. Vì thế, càng cầu nguyện thì càng năng động!”
Bà Charlotte, tuổi ngoài 40, có gia đình và có sáu người con. Sự trở lại nội tâm của bà được tiến hành qua đời sống tình dục…: “Tôi có thói quen dậy trước các con, vào khoảng 6 giờ 20, tôi cầu nguyện khoảng nửa giờ. Đôi khi cũng khó, nhất là khi chúng bệnh, nhưng tôi cũng dậy và tôi ngủ gục dưới chân Chúa! Khi hoàn cảnh cho phép, tôi đi lễ nhiều ngày một tuần, thường thường là vào ngày thứ ba, thứ tư và thứ sáu, tôi đọc Kinh Truyền Tin vào buổi trưa và tôi lần chuỗi mỗi ngày. Qua những chuyện nho nhỏ, tôi cố gắng làm công việc của mình với Chúa, dâng cho Chúa những việc nhỏ trong ngày.”
Bà Marie, lập gia đình từ 16 năm nay và là mẹ của hai trẻ vị thành niên: “Tôi không có một sinh hoạt thiện nguyện, nhưng tôi cố gắng làm tất cả mọi công việc của mình “trong Chúa”. Tôi dâng lên Ngài tất cả những gì tôi làm, tôi xin Thần Khí giúp tôi trong từng tiến trình, tôi dâng từng người tôi gặp… Đó là cả một thế giới quen biết của tôi, vì trong đời sống gia đình và nghề nghiệp, chúng tôi gặp rất nhiều người! Đó là cách tôi mang Chúa Kitô đến với thế giới. Tôi cố gắng sống trong Chúa, tôi thinh lặng cầu nguyện tự phát, nó trở thành tự nhiên như thở vào thở ra.
Tôi có các bạn Tin Lành, họ bày cho tôi ngợi khen Chúa bằng Thánh Vịnh. Điều này canh tân cho lời cầu nguyện trong đời sống vợ chồng của tôi, giúp tôi học một hình thức cầu nguyện rộng lớn hơn những cái chúng tôi đã quen thuộc. Chính khi đó, tôi hiểu được thế nào là sự hiệp thông với các thánh và cầu nguyện với anh em kitô hữu của chúng ta. Như thế, cầu nguyện với nhau thật sự là rất mạnh! Chúng tôi cũng nhận thức, cần thiết là phải canh tân việc cầu nguyện trong gia đình, nó đang bị yếu đi; cầu nguyện buổi tối khi các con còn nhỏ không còn được nữa. Chúng tôi phải tìm lúc thuận lợi để cùng cầu nguyện chung. Chúng tôi thấy lúc 7 giờ 50 sáng, khi chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi có được năm phút thoải mái trước khi đi làm, trước khi đến trường. Từ đó chúng tôi cầu nguyện mỗi buổi sáng và nó tiến hành tốt từ năm năm nay.
Vì chỉ có năm phút nên chúng tôi không có thì giờ cầu nguyện tự phát, chúng tôi chỉ theo một tiến trình đơn sơ và vâng theo lời cầu nguyện của Giáo hội: Kinh Sáng. Chúng tôi đọc Thánh vịnh buổi sáng, mỗi người đọc một đoạn; rồi đọc Lời Chúa; sau đó chúng tôi đọc ý cầu nguyện riêng nếu có và kết thúc bằng Kinh Kính Mừng. Nó rất đơn giản, chúng tôi đứng chung với nhau, để túi xách dưới chân, mọi người sẵn sàng lên đường và giây phút này “gởi” chúng tôi đi học, đi làm việc một ngày! Chúng tôi có một hình thức tự do mà trước đó chúng tôi không có, nhất là cho các con chúng tôi! Khi chúng muốn đi, chúng đọc Kinh Kính Mừng và chúng tôi cười đùa, chúng tôi để các cháu làm và mọi người đều vui!
Ông Hubert, ngoài 70 tuổi, cựu trưởng khoa ung thư học, hưu trí. Gặp gỡ Chúa đã thay đổi cuộc đời của ông: “Theo tôi, không phải chỉ duy nhất cầu nguyện, dù mỗi ngày tôi đều có cầu nguyện, tôi dành thì giờ cho Chúa, cho Đức Mẹ. Nhưng điều này có thể làm trong bất cứ chuyện gì: đến với người khác, lắng nghe hoặc đơn giản có mặt với họ.”
Cô Manissa, người Pháp gốc Lào, cô luôn được bao bọc bởi những người có “một cái gì hơn thế nữa”, cái gì này đã thay đổi đời cô: “Tôi chào Chúa mỗi ngày. Tôi không nhất thiết phải để ra mười phút hay hơn để đọc kinh sáng, nhưng khi thức dậy tôi “chào Chúa” và tôi bắt đầu một ngày của tôi!”
Bà Mathilde: “Tôi cố gắng đi lễ trong tuần trong giờ nghỉ trưa, vì đó thật sự là hơi thở trong ngày của tôi. Tôi ở đó cho Chúa, chẳng có gì là phi thường, tôi chỉ cho Chúa thời gian của tôi. Trước khi bắt đầu cuộc sống nghề nghiệp của tôi thì đó không phải là thói quen, nhưng bây giờ là một cần thiết! Nếu không đi lễ thì tôi đọc kinh dâng của lễ của Thánh Têrêxa Hài Đồng, nhưng vì tôi không thuộc lòng nên tôi phải cầm giấy đọc!”
Ông Yann, làm việc trong ban điều hành của một nhóm kỹ nghệ mỹ phẩm lớn của Pháp. Lập gia đình và cha của bảy người con, ông thổ lộ những gì thân thiết nhất của ông với Chúa Kitô: “Tôi làm việc. Trong Tiến trình Giakêu, chúng tôi biết Chúa đã làm cho chúng tôi là người đồng-tạo dựng, vì thế mỗi buổi sáng tôi cầu nguyện: ‘Và đây thưa Chúa, hôm nay Chúa giao một phần công trình Tạo dựng của Chúa cho con, vậy con sẽ cố gắng làm sao để mọi hành động của con sẽ là hành động trong tinh thần đồng-tạo dựng’”.
Cô Clémence, 26 tuổi, cô làm việc trong ngành tìm nhân sự. Ngoài ra cô còn làm thiện nguyện viên cho Nhà Mácta và Maria, một tổ chức chung sống đoàn kết đón nhận các phụ nữ mang thai đang gặp khó khăn và cho họ ở trong vòng vài tháng: “Năm nay tôi sống trong Nhà Mácta và Maria ở quận 11, Paris. Mỗi buổi sáng lúc 8h15, chúng tôi cầu nguyện với ba thiện nguyện viên khác và chúng tôi luôn kết thúc ngày bằng kinh cầu nguyện dành cho sự sống của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II.”
Ông Joseph, luật sư trẻ ở tòa án London: “Trước đây là 15 phút mỗi buổi sáng, với ít nhất 5 phút thinh lặng, tôi vụng về cố gắng lắng nghe Lời Chúa, cũng thật gay go. Rồi một ngày, tôi huyênh hoang nói với một cô bạn, mỗi chiều, ít nhất tôi bỏ ra một giờ để đọc, cô nói với tôi: ‘Ồ, siêu thật, nếu không thì… anh cho Chúa bao nhiêu giờ mỗi buổi tối?’. Từ đó, tôi cố gắng để ra 15 phút cho Chúa, dù tối hôm đó tôi về trễ sau một ngày làm việc nhiều, sau các bữa ăn tối, các buổi dạ hội khuya. Nhờ cô bạn này, tôi bắt đầu hiểu thế nào là dâng lên cho Chúa bổn phận trong đấng bậc và trong công việc của mình. Hàng ngày, tôi không nghĩ mình phải thánh chiến, phải tử đạo để vinh danh Chúa, nhưng làm những chuyện nhỏ có ý nghĩa. Chỉ cần mỗi ngày, bắt chước người hành hương Nga, bất cứ dịp nào cũng đọc Lời cầu nguyện của Quả tim: ‘Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con, con là kẻ có tội’, sự tôn thờ này giúp đỡ tôi rất nhiều.”
Ông Philippe, 27 tuổi, ông làm việc cho Bộ Môi trường trong lãnh vực năng lượng, nhưng với ông, nguồn của tất cả mọi năng lượng tái hồi được là ở nơi Chúa: “Từ ba năm nay tôi làm việc trong Hiệp hội tình Bằng hữu (APA), đó là hiệp hội của những người cùng chia phòng với những người mà trong cuộc sống của họ, họ đã trải nghiệm cảnh khổ cực và các thương tổn sâu đậm. Đó là sự dấn thân rất hàng ngày! Mỗi buổi sáng chúng tôi đọc kinh sáng chung, sau đó là chầu. Càng ngày tôi càng thấy, thánh vịnh đã nuôi dưỡng tôi đến như thế nào. Có những buổi sáng, lời các thánh vịnh này phù với kinh nghiệm riêng của tôi và nâng tôi lên trong lời cầu nguyện. Trong phút hồi tâm buổi chiều, tôi tự hỏi xem, thật sự tôi đã làm gì với tình yêu trong ngày. Đó là một công việc khó làm, bởi vì nó cho thấy những việc làm gọi là quảng đại, thật ra chỉ làm vì thói quen chứ không do từ thâm tâm mình. Dĩ nhiên những hành động này, tự chính đức hạnh của nó cũng đã là một con đường tiến đến điều tốt, như vậy không phải là hoài công! Nhưng khi nhìn lại mình, dưới ánh sáng của bài ca đức ái của Thánh Phaolô, tôi thấy đây là cái sàng lọc để thấy cái gì là huyênh hoang, là kiêu ngạo… và đôi khi cái gì làm bởi tình yêu! Như thế các hành vi thật sự của đức ái sẽ được lộ ra và chúng ta có thể nếm hương vị của nó.”
Bà Marie, nhà ung thư học, hưu trí, cách đây 35 năm bà đã trở lại một cách lạ lùng, từ đó động lực của bà là đức tin: “Hương nguyện là việc đầu tiên hết trong ngày, có nghĩa là một sự có mặt trung thành nhưng không bắt buộc phải tình cảm. Nó giúp tôi kết hiệp với Chúa Kitô và giúp tôi yêu những người chung quanh tôi nhiều hơn, nhớ rằng những người bần cùng nhất, những người đau khổ nhất mang đến cho tôi nhiều hơn là tôi mang đến cho họ.”
Ông Gaëtan, giám đốc điều hành các công việc tổng quát trong một trường trung học lớn ở Paris: “Từ nhiều năm nay, tôi đọc kinh sáng, tôi cũng cố gắng đọc 15 phút mỗi tối. Nhưng để trung thành với các cuộc hẹn với Chúa thì cả là một cuộc chiến đấu, thực chất, đó là chương trình của cả một đời. Cùng với vợ tôi, chúng tôi có thói quen đọc kinh chung, trừ với con cái, hoặc khi chúng tôi đi lễ. Có cả một sự mật thiết khi cầu nguyện, một trải lòng mình… Có ngày chúng tôi sẽ đạt được, hy vọng. Nhưng tôi không nghĩ đây là một bắt buộc.”
Bà Claire đã ngoài 87 tuổi, bà sống ở Gatineau, gần thủ đô Ottawa của Canada. Bị chẩn đoán mang chứng tâm thần phân cực, bà Claire luôn dựa sức mạnh của mình trong đức tin với một tấm lòng đơn sơ: “Tôi có bằng cấp thiện nguyện! Tôi không làm việc để kiếm tiền nhưng tôi làm thiện nguyện trong vòng bốn mươi năm, và tôi không nói đùa: tôi có bằng thiện nguyện! Cho thì giờ một cách nhưng không, đó cũng là một cách hành động cho Chúa. Nếu không, thì Chúa luôn ở đó với tôi, tôi nói chuyện với Ngài, tôi kể cho Ngài nghe chuyện đời tôi, các chuyện tôi quan tâm, các mong muốn, các đòi hỏi của tôi. Đôi khi tôi khiển trách Chúa, không phải lúc nào Chúa cũng làm như tôi muốn… nhưng mà khi nào Chúa cũng là người cuối cùng có lý!”
Marta An Nguyễn và Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch