Chính thức nghỉ hưu từ đầu năm nay, ở tuổi 80, cha Thêôphilô Ngô Hoàn Cầu, thuộc tỉnh dòng Ngôi Lời Việt Nam có nhiều thời gian hồi tưởng quá khứ sau những năm tháng bôn ba xuôi ngược.
Ấm lòng cô nhi
Tiếng gọi cửa vừa dứt, một em nhỏ dưới 10 tuổi mở cửa và lễ phép chào chúng tôi: “Dạ cho con hỏi chú muốn tìm ai”. Câu chào đầu liền lập tức tạo cho chúng tôi sự thiện cảm. Khoảng 20 trẻ đang sinh sống dưới mái nhà tình thương Hướng Dương (10B Võ Thị Sáu, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) đều ngoan ngoãn, lễ phép như vậy. Đây là mái ấm thuộc dòng Ngôi Lời, nơi nuôi dưỡng các em mồ côi và những em gia đình khó khăn mà cha mẹ chúng không đủ khả năng nên gởi đến. Và dưới ngôi nhà này, câu chuyện về ông cố tóc bạc, người lập nên mái ấm luôn được các em kể với tâm tình cảm mến và sự biết ơn.
Ở trụ sở của tỉnh dòng tại Sài Gòn (đường Chử Đồng Tử, quận Tân Bình), chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện với cha. Dù tuổi đã cao, cộng thêm căn bệnh cườm nước khiến đôi mắt của cha không còn nhìn rõ, nhưng ẩn hiện sau những bước chân nặng trĩu là một tinh thần phấn chấn qua nhiều năm tháng phục vụ. Bước lên bàn thánh năm 1992, khi đã ở tuổi 54, sau 17 năm phó tế với biết bao thăng trầm, dù vậy vẫn không ngăn được lòng nhiệt huyết để rồi sau ngày chịu chức một năm, khi các tôn giáo được mời chung tay vào công tác xã hội, cha liền xung phong cộng tác với Ủy ban MTTQ tỉnh Khánh Hòa. “Lúc đó tôi đang loay hoay tìm hướng đi thì may mắn gặp một vị linh mục người Pháp đang gắn bó với việc chăm lo cho cô nhi, cha mới khuyến khích và kết nối cho tôi với hội từ thiện Enfants du Mékong (Những trẻ em sông Mekong). Tổ chức đó tập hợp một số gia đình bên Pháp, nhận đỡ đầu cho những trẻ em sinh sống ở những vùng của con sông này, trong đó có Việt Nam. Nhờ sự bảo trợ, từ đó tôi mạnh dạn thực hiện chương trình”, cha nhớ lại cơ duyên mở nhà tình thương.
Tới nay đã qua 1/4 thế kỷ tồn tại, nhiều thế hệ cô nhi, trẻ cơ nhỡ đã được nhà tình thương Hướng Dương cưu mang, đùm bọc. Và rồi các em dần khôn lớn, thành đạt, tự tin vào đời.Ngày mới thành lập đã có trên dưới 25 em, cha mời các nữ tu MTG Nha Trang đến chăm sóc, bảo trợ như người mẹ trong gia đình. Còn cha dù bộn bề công việc vì đang phải đảm đương nhiệm vụ bề trên dòng Giuse (năm 1998 dòng Giuse mới hiệp nhất với dòng Ngôi Lời) vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi. Mỗi lần ghé, ông cố đều mang theo bánh trái, sách vở làm quà, rồi ân cần hỏi thăm từng em xem có ăn ngon, ngủ tròn giấc hay không. Tình cảm, sự quan tâm chân thành của vị mục tử dần sưởi ấm tâm hồn các em, do đó cứ cách vài ba ngày không thấy cha, lũ trẻ lại níu lấy áo các sơ hỏi thăm: “Ông cố đâu rồi sơ?”, “Sao mấy ngày nay không thấy ông cố ghé thăm tụi con?”. Cứ thế các em lớn lên trong tình thương và sự dìu dắt của cha cùng các thành viên nhà tình thương. Vậy nên giờ dù khôn lớn, hình ảnh người cha tận tụy luôn khắc họa rõ nét trong tâm hồn của những người đã từng sinh sống nơi đây. “Một số anh em hằng năm vẫn hay rủ nhau về thăm ông cố, như thăm một người cha trong gia đình, vì với mọi người, cha đã mang lại tuổi thơ và cho chúng tôi một mái ấm đúng nghĩa”, anh Đặng Quang Thiên, một thành viên nhà Hướng Dương năm xưa nhớ lại. Anh Thiên giờ đây đã lập gia đình và có một công việc ổn định tại Sài Gòn.
Ðồng hành với người phong
Năm 1995, khi nhà tình thương dần ổn định thì trong dịp tình cờ, cha biết đến làng phong nằm ở xã Cam Tân, huyện Cam Ranh. Đây là làng phong được các cha dòng Phanxicô lập nhằm đưa một số bệnh nhân đã hết bệnh đến sinh sống, làm ăn. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối thập niên 1970, do nhiều lý do, các cha không thể vào nơi này nên bà con phải tự lực cánh sinh. Họ gắng gượng dùng đôi tay có khi không còn lành lặn để kẹp cuốc, cầm dao phát rẫy, trồng mì, sống lay lắt qua ngày. Vì ít người lui tới nên cây dại mọc um tùm, tạo điều kiện cho nhiều bệnh tật sinh sôi, làm khổ những cơ thể vốn đã chịu nhiều đau đớn.
Không đành lòng trước cảnh sống của khoảng 20 gia đình nơi đây, cha tìm nhiều cách hỗ trợ. Tuy nhiên, thời gian đầu, việc giúp cho bà con gói mì, ký gạo chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, điều cha hướng đến là làm sao giúp người dân sống được với sức lực của mình. Sau nhiều lần mò, cuối cùng ngài kết nối với một nhóm từ thiện bên Bỉ và họ đồng ý cấp kinh phí để triển khai một chương trình chăm lo dân sinh cho người bệnh phong. Mừng như bắt được vàng, cùng sự hợp tác của một số người nhiệt thành, một kế hoạch dài hơi được cha thực hiện như san phẳng, trải nhựa những con đường gồ ghề sỏi đá; điện, nước kéo vào tận từng nhà; xây dựng 13 căn nhà cho những gia đình chưa có chỗ ở hoặc nhà xập xệ, hư hỏng. Cộng đoàn MTG Nha Trang cũng được mời tới để giúp trẻ em trong vùng học hành và chăm lo đời sống đạo cho bà con… “Dù trong bất cứ công việc nào, lớn hay bé, làm con đường hay chỉ là việc trồng mấy chậu bông, ngài đều tỉ mẩn, hăng say hết mình. Bởi cha luôn nhắc chúng tôi rằng, phục vụ anh em là phục vụ chính mình”, một nữ tu từng cộng tác với cha nhớ lại.
Sau 13 năm, đến năm 2008 thì chương trình hoàn thiện. Từ sự nâng đỡ, đồng hành của cha và các thành viên, những con người từng một thời tự ti, mặc cảm đã nỗ lực vươn lên, tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Thế hệ con cháu của họ lại không mang bệnh nên đời sống các gia đình ngày càng khấm khá hơn. Kinh tế vững vàng nên mọi người chú tâm lo cho con cái học hành.
Một tương lai tốt đẹp đang dần tìm đến, bà con Cam Tân giờ đã có thể nở nụ cười mãn nguyện. Làng phong hoang sơ nằm sát chân núi ngày nào nay nổi bật với những vườn xoài, rẫy mía, rẫy mì xanh ngắt. Còn với riêng cha, hạnh phúc của họ cũng chính là niềm vui của mình.