Nhà có tám người con thì ba người con đầu đều vào “Nhà Chúa”. Mái ấm mà chúng tôi đề cập là gia đình ông bà cố Phêrô Nguyễn Minh và Anna Phạm Thị Yên (GX Thánh Linh, quận 9, TPHCM). Những ơn gọi đó hôm nay đã là Ðức cha phó GP Ðà Lạt Ðaminh Nguyễn Văn Mạnh, là nữ tu Anna Nguyễn Thị Yến – dòng Thánh Phaolô Ðà Nẵng và nữ tu Anna Nguyễn Thị Hiên – dòng MTG Ðà Lạt.
Vốn xuất thân từ gia đình đạo hạnh gốc Bắc thuộc GP Phát Diệm, ngày các con còn nhỏ, ông bà cố đã luôn khao khát dâng con mình cho Chúa. Ðổi lại, những con trẻ cũng lớn lên trong đạo đức, lễ phép và siêng năng đi lễ nhà thờ. Năm 1954, cả nhà dìu dắt nhau vào Nam và đi qua nhiều nơi, từ Cần Thơ, Bà Rịa, trước khi về định cư tại quận Thủ Ðức, TPHCM.Tình yêu vun đắp từ đấng sinh thành
Trong số năm người con của ông Nguyễn Ngọc Thống, ngoại trừ con trai thứ hai lập gia đình, còn lại chị đầu đã khấn trọn trong dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, em trai thứ ba đã khấn tạm được hai năm trong dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, người em thứ tư vừa dự thi vào Chủng viện Xuân Lộc, còn cậu út học lớp 8 cũng tỏ ý sau này muốn được dấn thân như các anh chị. |
Là em thứ ba, cũng là bé nhất trong số ba người đi tu, nhưng ơn gọi đến với Ðức cha Ðaminh Nguyễn Văn Mạnh sớm nhất. Năm 1963, khi Ðức cha còn là cậu bé lớp 3 đã cùng cha mẹ lên thăm người bà con là một nữ tu dòng MTG Ðà Lạt. Biết người chị họ này đang làm Giám đốc một Ký nhi viện tại Tân Thanh – Bảo Lộc, ông bà vui mừng gởi ngay cậu con trai đầu và hai em kế vào nội trú trong Ký nhi viện để được nhà dòng dạy dỗ, đồng thời cho con ý thức dần việc đi tu. Sau đó ba năm, Ðức cha chính thức bước chân vào Tiểu Chủng viện Simon Hòa. Hành trình ơn gọi của ngài bắt đầu từ đó.
Từ ngày đi xa, vào mỗi dịp về thăm nhà, cậu Mạnh hay kể cho mọi người nghe những trải nghiệm hạnh phúc, cùng cuộc sống đầy tình thương trong môi trường nhà đạo. Hai chị đầu đang có ý muốn nhập dòng, nay lại được những câu chuyện cuốn hút thôi thúc thêm lòng mến nên sau đó cũng lần lượt dấn bước. Về phần ông bà cố, chưa bao giờ hai người trăn trở khi dâng con cho Chúa, dù thời điểm này xã hội nhiều khó khăn, trong khi những con lớn đã có thể gánh vác việc gia đình, như câu chuyện dì Yến kể: “Ngay khi tôi quyết định đi tu “dòng áo trắng” mãi ngoài Ðà Nẵng, đêm xếp đồ vào vali để hôm sau ra nhập dòng (13.7.1970), ông bà nội nói với bố mẹ tôi: Anh chị hay nhỉ! Hai đứa lớn đi rồi, nay còn đứa lớn nhất, nó giúp được mọi việc nhà, anh chị lại còn cho đi nữa? Mẹ tôi thinh lặng, chỉ bố tôi đáp nhẹ lời ông bà: Các cháu lớn rồi, quyết định thế nào chúng con không ép cũng không cản các cháu. Các con yêu Chúa dường nào thì chúng con cũng vâng lời Ngài như vậy!”.
Với đức tin chân thành và lòng đạo đơn sơ, ông bà cố dường như luôn kiên định trong ý hướng ban đầu, đã dâng là dâng trọn vẹn, không trở lui. Nhờ đó thổi vào các con một lòng tin yêu, phó thác. “Năm 1975, chính ông cố chở tôi ngược dòng xe nườm nượp hỏi thăm tin tức về việc mở lại Ðại chủng viện, và khi biết tin đã đưa tôi ra bến xe để lên Ðà Lạt nhập học ngay. Năm 1978, khi tôi bị liệt hai chân do thiếu chất, lại là ông cố có mặt rất sớm tại bệnh viện Ðà Lạt để thăm nom và đưa tôi về nhà chữa trị cho đến khi bình phục. Ở tuổi thanh niên, khi thấy gia đình mình vất vả, tôi muốn tìm một công việc nào đó nhằm giúp đỡ cha mẹ và các em. Thế nhưng, trước thái độ tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng của cha mẹ đã cho tôi một sự an tâm để theo trọn con đường. Tôi học được sự trân trọng ơn gọi linh mục trước hết từ chính ông bà cố của tôi. Quả thật, Thiên Chúa quan phòng cho đường tu trì của tôi qua trung gian là cha mẹ trần thế”, Ðức cha Ðaminh tâm sự.
Các thành viên đại gia đình trong ngày lễ khấn dòng của người cháu là tu sĩ Đaminh Nguyễn Hữu Cường, dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc |
“Mọi việc do tay Chúa làm”
Ba chị em, dù mỗi người một nơi, một chương trình sống hoàn toàn khác biệt, nhưng mỗi khi có dịp, đặc biệt là vào những ngày hè và Tết nguyên đán, tất cả đều cố gắng tìm về sum họp cùng gia đình. Những dịp gặp gỡ này luôn là thời khắc ấm áp tình ruột thịt: cùng đọc kinh chung trước bàn thờ tổ tiên, quây quần bên mâm cơm, kể cho nhau nghe câu chuyện thường nhật… “Ðấy cũng là lúc chúng tôi có thể sẻ chia cùng nhau, trong bầu khí gia đình, những chuyện vui buồn của đời sống tu trì và mục vụ, mà chắc hẳn đã để lại nơi chúng tôi rất nhiều an ủi và khích lệ, bởi được cảm thông từ những người thân thương nhất”, Ðức cha Mạnh nói. Từ ngày 31.5.2017, ngày Ðức cha được tấn phong giám mục, trong giờ kinh tối, các em, các cháu còn đọc thêm một kinh ngắn cầu nguyện riêng cho ngài.
Khi được hỏi những khoảnh khắc nào thường làm Ðức cha nhớ về gia đình, về người thân của mình nhiều nhất, Ðức cha Ðaminh tiết lộ : “Nhớ về gia đình, có thể nói, là một cảm giác bàng bạc. Nhưng đặc biệt, vào buổi tối, khi đã xếp các công việc vào một góc và chuẩn bị ngủ, cũng là lúc những hình ảnh, ký ức về gia đình dễ dàng xuất hiện hơn cả, đem lại cảm giác ấm áp, khích lệ và cả tâm tình tạ ơn”. |
Cũng từ những lần hội ngộ, điều mà Ðức cha cùng hai dì luôn làm là quy tụ các cháu lại rồi thăm hỏi, chuyện trò, căn dặn như một người bạn để mỗi người biết sống tốt hơn. Mấy năm gần đây, các cháu lớn lên cấp ba và đại học, nên “đi tu” cũng là một đề tài được gợi nhắc để từng thành viên có thêm suy nghĩ, chọn lựa. Theo thời gian, những lời huấn dạy được lớp trẻ tiếp thu và thấm nhuần, cộng với truyền thống đạo đức từ trong gia đình, để rồi nhiều người cũng theo gương các bác sống đường ơn gọi. Ðó là trường hợp gia đình ông Phêrô Nguyễn Ngọc Thống, người em trai thứ năm.
Chúng tôi đã tìm về nơi ông ở để hiểu rõ hơn về một “mái nhà ơn gọi” khác của dòng họ. Ðó là căn nhà nhỏ, nằm nép mình bên nhà thờ Phúc Nhạc, GP Xuân Lộc. Trong số năm chị em còn lại lập gia đình thì ông có đông con nhất: năm người, trong đó hết bốn đã là tu sĩ hoặc có ước muốn đi tu sau này. Nói về đường ơn gọi của con, ông Thống kể: “Ngày trước hai vợ chồng không dám nghĩ chúng sẽ đi tu đâu, vì hồi bé mấy đứa nghịch và ham chơi lắm. Vậy mà lớn lên, đùng một cái bảo con muốn đi tu và kiên định đến cùng với lời nói ấy. Quả thật, mọi việc đều do tay Chúa làm”. Chúng tôi hỏi ông dâng gần như toàn bộ các con mình cho Chúa, có bao giờ vợ chồng cảm thấy tiếc, ông trả lời ngay: “Ông bà cố trước đây sẵn sàng để anh chị ra đi thì tại sao mình lại không thể. Mà ngày mấy đứa bảo muốn đi tu, người làm cha mẹ như chúng tôi vui lắm…!”.
Những hy sinh, tảo tần của ông bà cố Phêrô Nguyễn Minh và Anna Phạm Thị Yên nay đã sinh ra hoa trái tốt. Cây cứ thế đơm bông, góp thêm nét đẹp vào vườn hoa Giáo Hội.
PHÚ THỊNH
Nguồn: Báo công giáo và dân tộc