Chính thức nhận giáo phận Phan Thiết vào ngày 12.12.2019, và ngay sau khi có những mục vụ đầu tiên nơi đây, Ðức cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng đã có cuộc trao đổi với báo Công giáo và Dân tộc về những cảm xúc, tâm tình và suy tư mục vụ của ngài.
Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng khi còn coi sóc TGP TPHCM đã dành nhiều tâm huyết |
CGvDT: Thưa Ðức cha, thông tin được Ðức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm chủ chăn giáo phận Phan Thiết đến với Ðức cha như thế nào ?
– Ðức cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng: Thông tin này đến với tôi trong bầu khí tràn đầy niềm vui của TGP TPHCM, đang khi tôi và cả giáo phận chuẩn bị đón Ðức tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng. Như đã biết, ngày 19.10.2019, Tòa Thánh công bố quyết định bổ nhiệm Ðức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm làm Tổng Giám mục TGP TPHCM. Và ngày 11.12.2019 là ngày nhận giáo phận chính thức của ngài với thánh lễ tạ ơn cử hành tại nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn. Nhưng trước đó, hôm 30.11.2019, Ðức tân Tổng Giuse từ Phát Diệm vào TPHCM và đã ở lại Tòa Tổng Giám mục cho đến ngày nhậm chức.
Chiều ngày 2.12.2019, ngài và tôi đã nhận được email với thông báo từ Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore báo cho biết vào lúc 6g00 chiều ngày 3.12.2019, nhằm lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo, Tòa Thánh sẽ công bố việc bổ nhiệm tân Giám mục Phan Thiết, nhưng với lời dặn “phải giữ bí mật cho đến 6g00 chiều ngày mai, 3.12.2019”. Chiều thứ ba, ngày 3.12, Ðức Tổng Giuse mời các linh mục, nữ tu, giáo dân đang làm việc tại Tòa Tổng Giám mục ở lại thêm vài giờ để tham dự Kinh Chiều tại nhà nguyện cổ. Có nhân viên nghĩ rằng Ðức Tổng Giuse mới về, nên muốn mời anh chị em sau giờ làm hôm đó ở lại đọc kinh với ngài. Trong giờ Kinh Chiều, sau phần Lời Chúa, cha Tổng Ðại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân đã công bố cho mọi người thông báo chính thức của Phòng Báo chí Tòa Thánh về việc Ðức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm tôi làm Giám mục Chánh tòa Giáo phận Phan Thiết. Thông tin này đến với tôi trong bầu khí đạo đức, vui tươi hiệp thông như vậy.
Tôi hoàn toàn yêu mến, vâng phục. Trên bình diện siêu nhiên, ngày 30.8.1990, lúc 33 tuổi, khi chịu chức linh mục và ngày 4.8.2016, lúc 59 tuổi, khi được tấn phong giám mục, tôi đã công khai nói lên quyết tâm dâng hiến cuộc đời mình, một cách đặc biệt qua sự vâng nghe và trung thành đối Giáo hội, với các Ðấng Bề trên Bản quyền. Vì thế, trước quyết định của Ðức Thánh Cha, tâm hồn tôi thấy bình an, sẵn sàng.
Về mặt nhận thức, quyết định bổ nhiệm này hợp lý. Tôi mới chịu chức giám mục được 3 năm 4 tháng… Tòa Thánh trao cho tôi nhiệm vụ Giám mục giáo phận Phan Thiết là phù hợp với khả năng và kinh nghiệm non trẻ của tôi. Thực vậy, hơn một năm qua, trong nhiệm vụ Giám quản Tông tòa TGP TPHCM, tôi cảm thấy nhu cầu của Tổng Giáo phận vượt rất xa khả năng và kinh nghiệm non trẻ của mình.
Tuy nhiên, về mặt tình cảm, giữa tôi và Tổng Giáo phận Sài Gòn – TPHCM có một gắn bó sâu đậm. Gia đình tôi có 6 anh chị em, 5 anh chị tôi đều sinh ở Bắc, tôi là con út sinh ở Sài Gòn, năm 1957. Năm 1968, lúc 11 tuổi, tôi vào Tiểu chủng viện. Trong 32 năm, từ 1968 cho đến 1990 – khi chịu chức linh mục – tôi được nuôi nấng, đào tạo, hướng dẫn tại Tiểu Chủng viện, rồi tại Ðại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, nhất là sau khi học xong ÐCV và đi làm việc tại Nông trường Lô 6 Củ Chi 1 năm, tôi được tiếp tục sống trong ÐCV. Tôi được thụ phong linh mục năm 1990, dịp kỷ niệm thượng thọ Bát tuần của Ðức cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình. Sau đó, từ năm 1993-1998, tôi được gởi sang Pháp du học 5 năm. Trở về Việt Nam, tôi được bổ nhiệm linh hướng và dạy học tại ÐCV suốt 11 năm, rồi làm Phó Giám đốc ÐCV 3 năm. Từ tháng 6.2014, tôi được Ðức cố Tổng Phaolô Bùi Văn Ðọc bổ nhiệm làm Chưởng ấn và là thư ký của ngài. Sau 2 năm làm Chưởng ấn, tôi được đặt làm Giám mục phụ tá TGP TPHCM. Ngày 8.3.2016, sau 1 năm 5 tháng, tôi được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa TGP, một ngày sau khi Ðức cố Tổng Phaolô qua đời. Và ngày 3.12.2019 vừa qua, ÐTC Phanxicô đã bổ nhiệm tôi làm Giám mục Chánh tòa Giáo phận Phan Thiết.
Từ lúc sinh ra năm 1957 đến nay, 62 năm tôi sống, lớn lên, được nuôi nấng, đào tạo và làm việc tại mảnh đất Sài Gòn. Tôi biết ơn, gắn bó và yêu mến TGP. Tôi cảm thấy thoải mái khi ở nơi đây; cuộc sống, những con đường, những con người tại Sài Gòn quá đỗi quen thuộc với tôi. Giờ được bổ nhiệm về Phan Thiết, một môi trường xem ra hoàn toàn mới, tự nhiên tôi thấy lo âu vì lạ lẫm…, nhưng là một linh mục và là một giám mục, người “môn đệ truyền giáo” của Chúa Giêsu, tôi sẵn sàng lên đường, để thực hiện lời Chúa mời gọi ra đi để loan báo Tin Mừng. Vì thế, từ lúc công bố đến khi nhậm chức tại Phan Thiết chỉ có 9 ngày, nhưng tôi thấy mình sẵn sàng.
Vậy nên, chắc hẳn Ðức cha vẫn còn những công việc dở dang hoặc dự định ấp ủ chưa thực hiện nơi TGP này ?
– Tại Sài Gòn, nhu cầu rất lớn và đa dạng, đồng thời những điều kiện về nhân sự và về mọi mặt rất phong phú. Như bao nhiêu giám mục khác, tôi có những ước mơ cho Tổng Giáo phận. Tuy vậy, trước mắt, có 2 chương trình lớn mà tôi đang thực hiện, đó là chăm lo cho các linh mục, nhất là việc đào tạo linh mục, và thành lập các giáo điểm truyền giáo.
Ðối với việc đào tạo linh mục, năm 2013, kỷ niệm 150 năm thành lập Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Ðức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn đã cho đại tu 3 khối nhà cũ và xây dựng thêm 1 khối nhà mới. Cơ sở và nhân sự tại ÐCV coi như tạm ổn; còn lại là giai đoạn trước Chủng viện (dự tu) và giai đoạn sau Chủng viện (phó tế và linh mục). Từ tháng 6.2014, khi tôi được bổ nhiệm về làm Chưởng ấn tại Tòa Tổng Giám mục, Ðức cố Tổng Phaolô Bùi Văn Ðọc đã nói tôi hãy quan tâm đến 2 giai đoạn này.
Ngày 22.9.2018, tôi đã chủ sự thánh lễ tạ ơn và khánh thành cơ sở đào tạo chủng sinh dự bị đặt tại giáo xứ Chợ Ðũi (Huyện Sỹ). Có văn thư ký kết giữa Tòa TGM và giáo xứ Chợ Ðũi. Ðây là một điểm mốc quan trọng trong lịch sử của TGP về đào tạo linh mục. Một giáo xứ (với giáo dân) tham gia trực tiếp, hỗ trợ công việc đào tạo linh mục cho giáo phận. Giáo xứ Chợ Ðũi từ đây sẽ tài trợ tất cả các chi phí ăn, ở cho lớp dự bị, tối đa là 24 chủng sinh. Tương tự, sau khi hoàn tất chương trình Ðại Chủng viện (ra trường), các chủng sinh được phong chức phó tế và được đào tạo 3 ngày trong tuần tại một cơ sở thuộc giáo xứ Tân Ðịnh. Còn những ngày cuối tuần, phó tế đến thực tập mục vụ ở các giáo xứ. Với cơ sở tại Tân Ðịnh, các linh mục trẻ thuộc 5 năm đầu đời linh mục về đây hằng tháng để tham dự thường huấn theo lớp. Cũng như Chợ Ðũi, giáo xứ Tân Ðịnh (với giáo dân) tham dự vào chương trình đào tạo linh mục. Cũng có văn thư ký kết giữa Tòa TGM và giáo xứ Tân Ðịnh. Có nghĩa là về sau, ai là cha sở xứ Chợ Ðũi hay Tân Ðịnh cũng sẽ tiếp tục cộng tác với giáo phận trong các chương trình đào tạo này. Như vậy, những cơ sở dành cho việc đào tạo linh mục (trước Chủng viện, tại Chủng viện và sau Chủng viện) đã tạm ổn, còn lại là chất lượng của việc đào tạo và đây là một công việc lâu dài.
Một công trình nữa dành cho các linh mục là xây lại Nhà hưu dưỡng Chí Hòa. Từ đầu năm 2019, tôi với cha Tổng Ðại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân và cha Clêmentê Lê Minh Trung, Giám đốc Nhà hưu Chí Hòa đã đi tham quan một số những nhà hưu hiện đại tại Thái Lan, Nhật và Hàn Quốc, học hỏi những kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức nhà hưu dành cho các linh mục. Hiện nay, TGP mới bắt đầu làm hồ sơ để xin phép xây dựng. Tôi đã trình việc xây dựng này cho Ðức Tổng Giám mục Giuse.
Chương trình thứ hai là thành lập 50 giáo điểm, nhằm đón tiếp hơn 300.000 anh chị em Công giáo nhập cư di dân (mỗi giáo điểm khoảng 6.000 người), với 2 bước là mua đất để xây dựng cơ sở giáo điểm và đào tạo nhân sự truyền giáo, bao gồm linh mục, tu sĩ, giáo dân. Cho đến nay, TGP đã mua được đất cho 25 giáo điểm, tức một nửa chương trình và đang xây dựng những cơ sở. Giáo phận đã gởi một số linh mục và nữ tu học ngắn hạn về truyền giáo tại Singapore. Trong đó có một cha có khả năng nhất tiếp tục học sâu hơn và đã hoàn tất chương trình Master tại Học viện Truyền giáo Dòng Ngôi Lời (SVD) ở Philippines, sau 2 năm. Ngoài ra, có thêm nhóm trẻ truyền giáo gồm hơn 100 bạn trẻ và đang hình thành nhóm thiếu nhi truyền giáo. Công trình truyền giáo này là sự đóng góp và cộng tác của toàn thể giáo phận với 3 công việc: cầu nguyện, dấn thân và đóng góp. Những cụ già đau bệnh, người nghèo, thiếu nhi vẫn có thể góp phần vào việc truyền giáo bằng lời cầu nguyện. Và cầu nguyện là công việc quan trọng nhất. Nói tóm lại, với những chương trình này, trong tư cách Giám mục, tôi chỉ là người điều phối, còn những người trực tiếp thực hiện là các cha sở, tu sĩ, giáo dân. Bây giờ, Ðức Tổng Giuse Nguyễn Năng sẽ tiếp tục điều phối.
Chú trọng đào tạo các thành phần Dân Chúa |
Nơi Ðức cha sắp đảm nhận là một giáo phận vừa duyên hải, vừa đồng bằng xen lẫn đồi núi, với những đặc điểm địa lý, văn hóa, con người và nếp sinh hoạt khá đặc thù, theo Ðức cha, đâu là những khó khăn có thể có ?
– Tôi chưa biết nhiều về giáo phận Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận. Ðiều khó khăn đối với tôi là làm sao hội nhập được vào môi trường mới này, sống hài hòa vui tươi cùng những anh chị em với những nét văn hóa khác môi trường tại Sài Gòn, nơi tôi đã sống và làm việc 62 năm qua. Và, điều tôi xác tín là Chúa sai tôi đến để sống với con người tại miền đất Phan Thiết, cả người Công giáo lẫn không Công giáo, để loan báo Chúa Giêsu là Tin Mừng yêu thương cho họ. Mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu, đặc biệt lúc này đang giữa Mùa Vọng, là ánh sáng dẫn đường cho tôi. Con Thiên Chúa đã khiêm tốn đến sống với con người, khởi đi từ máng cỏ nghèo, để nói cho con người rằng Thiên Chúa Cha đầy tình yêu thương. Ðây chính là khó khăn và là thách đố đối với tôi. Tôi sẽ theo gương Chúa Giêsu khiêm hạ nơi máng cỏ, để có thể sống và loan báo Tin Mừng trong môi trường mới, trong tương quan yêu thương, phục vụ.
Cùng với Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc thăm giáo điểm Vĩnh Lộc B |
Như thế, những ưu tiên mục vụ của Ðức cha tại giáo phận Phan Thiết là gì ?
– Trong hướng suy nghĩ như vừa nói, có 3 sự kiện kể từ mấy ngày vừa qua, chính xác là từ khi tôi về nhận giáo phận ngày 12.12.2019 đến nay, đã cho tôi cảm nhận như Thiên Chúa đang hướng dẫn tôi về những điều cần quan tâm :
Ngay hôm sau, ngày 13.12.2019 là lễ Bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 60 năm làm phép và khánh thành Tượng Ðức Mẹ Tàpao. Thánh lễ hôm đó có hơn 10.000 khách hành hương, trong đó có mặt mọi thành phần Dân Chúa khắp nơi gồm vị Ðại diện Tòa Thánh Marek Zalewski, nhiều giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, đông đảo linh mục, tu sĩ, giáo dân…, tất cả cùng đến gặp gỡ Thiên Chúa, nhờ Ðức Mẹ và trong sự hiệp thông của Giáo Hội. Biến cố này khích lệ tôi và giúp tôi sống châm ngôn giám mục “Hợp nhất trong đức tin”. Nền tảng của sự hợp nhất chính là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Chính Ðức Mẹ Tàpao giúp tôi và giáo phận Phan Thiết gặp được Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu, tuân theo lời Chúa dạy để có được tràn đầy rượu ngon mang lại niềm vui trọn vẹn cho giáo phận và cho mọi người (x.Ga 2,1-10). Ðây là điểm ưu tiên mục vụ quan trọng.
Thứ đến là cuộc gặp gỡ với các linh mục hưu. Nhà hưu các linh mục giáo phận Phan Thiết nằm trong khuôn viên của Tòa Giám mục. Tôi thấy vui được gặp các linh mục lớn tuổi, “những ký ức và kinh nghiệm” của giáo phận. Như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta ngày 30.9.2019: “Chăm sóc người già và trẻ em là điều đảm bảo cho tương lai”, và rằng việc bỏ rơi người già và trẻ em với suy nghĩ “họ không tạo ra sản phẩm” sẽ không phải là dấu chứng cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Việc bỏ rơi này là biểu hiện của một nền “văn hóa vứt bỏ”, ngược với nền “văn hóa hy vọng”, là nền văn hóa có sự hiện diện của người già và người trẻ. Chính sự hiện diện của trẻ em và người già cùng nhau là điều đảm bảo cho sự sống còn của đất nước và của Giáo hội.
Sự kiện thứ ba là buổi gặp gỡ 30 chủng sinh thuộc giai đoạn dự bị trước khi được gởi vào Ðại Chủng viện Xuân Lộc và Sài Gòn. Năm dự bị này được thực hiện tại Chủng viện Nicôlas, nằm cạnh nhà thờ Chánh tòa Phan Thiết, đối diện với Tòa Giám mục.
Việc gặp các cha hưu và các chủng sinh nhắc tôi đến việc ưu tiên trong mục vụ là quan tâm đến các linh mục, đặc biệt là đào tạo linh mục và chăm sóc các linh mục hưu dưỡng.
Xây dựng tình hiệp nhất trong giáo phận Phan Thiết sẽ là ưu tiên mục vụ của Đức Giám mục Giuse |
Chúng con xin cảm ơn Ðức cha. Kính chúc Ðức cha gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp trong sứ vụ mới !
Nguồn: Công giáo và dân tộc
Nguyễn Hùng Luân (thực hiện)