“Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro
Một mai người sẽ trở về tro bụi”(Kn 3:19)
–Có hai anh chị nọ, mới cưới nhau về được khoảng một tuần, anh nói với vợ rằng,
–Xin em hứa với anh là đừng bao giờ mở cái hộp này ra, bao lâu anh đang còn sống.
–Người vợ gật gù đồng ý.
–Sau bốn mươi năm sống chung, gia đình rất hạnh phúc. Một hôm ông đi vắng, bà ở nhà một mình, tò mò lấy cái hộp từ dưới chân giường ra, không hiểu là ông đã giấu cái gì trong hộp. Người vợ nghĩ rằng đã sống với nhau bốn mươi năm, cái gì cũng biết hết rồi, ngoài trừ cái hộp này.
–Bà liền mở hộp ra xem, và trong hộp có năm vỏ bia, và một trăm hai mươi lăm đồng, năm chục xu. Bà nghĩ rằng chỉ có vậy thôi mà sao ông bí mật thế.
–Khi Ông đi làm về, bà liền đến tự thú với ông. Và bà hỏi ông rằng, tại sao trong hộp lại có năm vỏ bia? Ông trả lời, năm vỏ bia là tượng trưng cho mỗi lần tôi làm lỗi với bà, thì tôi uống một lon. Người vợ thấy vậy cũng vui vui, vì nghĩ rằng, sống với nhau bốn mươi năm, mà ông chỉ làm lỗi với mình chỉ có năm lần, kể cũng qúa ít.
–Bà tiếp, vậy còn một trăm hai mươi lăm đồng, và năm chục xu thì sao?
–Ông đáp, “thì là tiền bán vỏ lon bia chứ gì. ”
–Bà……….”ố trời ơi!!!!!”
Là con người “nhân vô thập toàn,” ai trong chúng ta cũng có những khuyết điểm và tính mê nết xấu. Không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ. Thánh Phaolô đã phải thốt lên rằng, “Điều tôi muốn làm thì lại không làm, còn điều tôi không muốn làm thì tôi lại làm” (Roma 7:15). Thân xác thì nặng nề, vì thế, chúng ta không thể nào tránh làm những điều mất lòng Chúa. Ai cũng muốn làm điều lành điều thiện, nhưng lắm lúc không làm được, còn điều xấu điều ác thì tự nhiên xúc phạm hằng ngày. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà chúng ta nản chí thoái lòng. Trái lại, chúng ta phải cậy trông vào Chúa và Đức Mẹ nhiều hơn nữa. Vì “khi chúng ta yếu đuối, chính là lúc chúng ta mạnh mẽ.”
Chúng ta không phải là thần thánh, mà cho dù là thần thánh đi nữa thì các Ngài vẫn có một thân xác đầy yếu đuối và giòn mỏng. Không phải các Ngài không có lầm lỗi như chúng ta, mà trái lại, có nhiều vị trước đó còn tội lỗi hơn chúng ta nữa. Điển hình như thánh Augustinô, một chàng trai phong lưu giang hồ, có cả con rơi con rụng; thánh Phaolô, một thanh niên hăng say bắt đạo Chúa; chị Maria Magdalêna, một thiếu phụ bị bắt qủa tan phạm tội ngoại tình. Hay còn nhiều vị khác tượng tự như vậy. Chúng ta thử nghĩ xem, là người tội lỗi như vậy làm sao họ có thể mang danh hiệu là thánh? Có phải người đời chỉ đặt lên và gọi cho luôn miệng chăng? Không phải vậy, tuy rằng có nhiều vị thánh trong cuộc sống dĩ vãng chẳng tốt lành gì, nhưng các ngài được trao tặng danh hiệu là Thánh ngay từ giây phút các ngài biết sám hối, nhận ra mình là con người tội lỗi, bỏ đi những thú vui ăn chơi đàng điếm, để quay trở về với đàng chính nẻo ngay. Trở về với Chúa bằng một con tim chỉ biết rung động trước tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Điều này cho thấy, dù chúng ta có tội lỗi đến đâu đi nữa, chúng ta cũng có thể nên thánh thiện, nếu chúng ta biết sám hối trở về với Chúa.
Chúng ta thấy cứ mỗi mùa chay về là một màu tím được phủ trên bàn thờ. Màu tím này không phải là màu tím của loài hoa sim, tím rồi tàn theo ngày tháng, hoặc là màu tím của tà áo im lặng mong manh trong mưa gió, nhưng màu tím này nhắc nhở cho mỗi người chúng ta hãy sám hối và trở về với Thiên Chúa.
Sám hối là gì? Sám hối không có nghĩa là nhìn về quá khứ rồi ôm đầu mà khóc, hối tiếc, than thân trách phận, nhưng là biết nhìn vào dĩ vãng để tìm ra những hậu qủa, những vết tích của tội lỗi, là nguyên cớ làm ô uế linh hồn chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nhờ sự khám phá này, những khuyết tật của linh hồn mới có cơ hội tái sinh và chữa lành. Vì muốn chữa bệnh, thì trước tiên phải biết bệnh nhân đang mắc phải chứng bệnh gì. Cũng vậy, muốn được Chúa tha thứ, thì hãy nhận mình là người tội lỗi cần được thứ tha.
Sám hối còn được mang ba chiều kích như sau:
Việc ăn Chay: ăn chay kiêng thịt là yếu tố nỗi bật nhất trong Mùa Chay. Tuy nhiên, yếu tố này cần phải được thực hành một cách đúng nghĩa, chứ không phải là việc thuần hình thức bề ngoài, như rắc tro trên đầu, mặc áo nhặm, kiêng ăn các thứ thịt, mà là do nội tâm biết quay trở về với Chúa thật lòng, canh tân những đam mê xấu. Tiên tri Gioel dạy rằng, “Hãy xé lòng, chớ đừng xé áo.” Hãy trở về với Chúa với cả tâm hồn, chứ không phải chỉ bằng những cử chỉ bên ngoài. ăn chay cũng có nghĩa là biết sống thật với chính mình, nói thật, suy nghĩ chân thật, và hành động ngay thẳng.
Cầu Nguyện: bản tính tự nhiên của con người, khi trót phạm lỗi lầm, thì lương tâm thường hay bị cắn rứt bàng hoàng. Muốn được tha thứ, thì tất nhiên chúng ta phải tỏ lòng sám hối. Đối với Thiên Chúa cũng vậy, đời sống cầu nguyện giúp chúng ta tỏ bày nỗi lòng tàn tệ của mình, vì đã bao ngày tháng sống trong u mê tăm tối của tội lỗi. Cầu nguyện là phương thế hữu hiệu để chúng ta được thanh tẩy những rong rêu bợn nhơ của tâm hồn.
Bác Ái: Sau khi nhất quyết muốn trở về với Chúa, chúng ta không thể không yêu thương tha nhân đồng loại. Vì sự ăn chay, kiêng thịt thường được đi đôi với những công việc bác ái. ăn chay bố thí chính là để đền tội những hậu qủa, những lỗi lầm chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Tha nhân là đối tượng thực tế nhất để chúng ta có thể đền tội với Chúa. Vì như lời Chúa phán, “Các con hãy vào hưởng phúc với Ta, vì khi ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống, Ta đau khổ, các ngươi ủi an, tù đày các ngươi thăm viếng” (Mt 25:35). Lúc đó người lành đáp lại rằng, “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn: khát mà cho uống; lữ khách mà tiếp rước, đau yếu hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Người đáp lại rằng, “Quả thật, Ta bảo các ngươi, những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25:37-40).
Tất cả những thành công kết qủa tốt đẹp của mọi công việc đều được dẫn đến từ việc thực hành. Thật vậy, lý thuyết thôi chưa đủ, mà cần phải đem ra thực hành. Phải chăng nói mà không làm thì cũng giống như đang xây một ngôi nhà trên cát, không có nền móng vững chắc. Sự thành công phải được đặt nền tảng trên việc thực hành, nếu không sẽ trở thành mơ hồ ảo tưởng. Muốn trở nên một bác sĩ sành nghề, thì người ta phải ra công gắng sức học hành không ngừng, thức khuya dậy sớm để chăm lo đền sách. Cũng vậy, lòng sám hối cũng đòi chúng ta phải đưa đến một việc thực hành cụ thể. Không phải chỉ là những người “hữu danh vô thực”.
Một buổi sáng tháng Ba trời lạnh giá, tuyết phủ đầy đường, cây cỏ như khô lạnh, rét run. Cha xứ đang trên đường đi thăm bệnh nhân, thình lình một bóng đen nhảy ra túm lấy cổ áo ngài và nói: “Tiền đâu, đưa ngay đây, nếu muốn sống?” Tên cướp ra lệnh như thế. Vị linh mục run rẩy vì trời lạnh, nhưng vẫn ôn tồn bình tĩnh lục túi áo này sang túi quần nọ, xem có đồng nào không để nộp cho hắn; khi Cha xứ đang móc túi, tên cướp mới nhận ra đây là Cha xứ của mình. Oh man! Wrong người rồi, và hắn vội vả xin lỗi Cha, vì anh ta là một giáo dân quen thuộc của Cha. Nhưng vì đi đánh bạc cháy túi, nên phải làm thêm nghề phụ móc túi. Cha xứ sẵn sàng tha thứ cho anh còn mời anh ta hút một điếu thuốc cho bớt lạnh. Nhưng anh ta liền từ chối một cách rất ngoan mục: “Thưa Cha, cám ơn Cha, con không hút thuốc đâu, vì Mùa Chay năm nay con đã quyết định không hút thuốc để hy sinh dâng cho Chúa.”
Qua câu chuyện trên, bạn hãy dành ra một vài phút, để hồi tưởng xem mình có những tật xấu nào cần diệt trừ? Những ngăn trở nào đã tách biệt mối tương quan giữa bạn với Thiên Chúa? Cuộc đời thì ngắn ngủi, hãy sống đẹp lòng Chúa và tha nhân. Hãy luôn nhớ mình là cát bụi, một mai mình sẽ trở về bụi đất hư không.
Tầm Xuân, CMC
|