Giuseppe Foletti rời Ticino năm 2007 để học ngành y. Chúa nhật 28 tháng 6 năm 2020, Giuseppe Foletti, 32 tuổi sẽ được phong chức linh mục tại nhà thờ Fribourg, Thụy Sĩ. Phỏng vấn với bác sĩ trẻ đổi dao mổ lấy cổ cồn Rôma.
Đức Tổng Giám mục Charles Morerod, tổng giáo phận Lausanne, Geneva và Fribourg sẽ phong chức cho tân linh mục Foletti vào hôm trước lễ Thánh Phêrô và Phaolô tại nhà thờ chính tòa Fribourg, tân linh mục sẽ làm việc ở giáo xứ Đức Bà ở Lausanne. Vì các lý do hạn chế y tế, lễ phong chức thay vì tổ chức ở giáo xứ của cha, sẽ cử hành ở Nhà thờ Fribourg.
Sinh năm 1988, Giuseppe là con trai của một bác sĩ đến từ Massagno, nước Ý. Vào chủng viện giáo phận sau khi học xong chương trình y khoa, anh ở Cộng đoàn Hiệp thông và Giải phóng trên con đường đào sâu tâm linh của mình.
Bước vào chủng viện sau khi học xong ngành y và có bằng tốt nghiệp sau đó, đây là một chọn lựa không nhỏ. Vì sao có giai đoạn này? Có một cuộc gọi trong lòng hay do tấm gương của các linh mục khác?
Tôi không có giai đoạn then chốt nào. Đúng hơn là một ý tưởng đã hình thành trong tiến trình kéo dài nhiều năm. Dĩ nhiên, tôi gặp các linh mục sống thánh thiện theo ơn gọi của mình, nhưng tôi chưa nghĩ đến chọn lựa này trước khi đến Lausanne.
Và chuyện gì đã xảy ra?
Ơn gọi linh mục bắt đầu khi đức tin của tôi đến bước ngoặt, tôi nhận ra đời sống kitô hữu có thể là một cuộc phiêu lưu thú vị, nó đáng công để mình theo đuổi. Dù khi đó tôi muốn để nó ra xa, nhưng ý muốn thì lúc nào cũng có đó, hiển nhiên đó là một cái gì nghiêm túc.
Đây có phải là bước ngoặt trong hành trình đức tin của anh gắn liền với một thời điểm cụ thể không?
Đúng, có một giai đoạn tôi không quên, dù nó xem có vẻ tầm thường. Tôi đã ở cuối năm đầu tiên y khoa. Cũng như mọi người, tôi bỏ rất nhiều thì giờ để học thi, điều này là đúng vì mình không thể là bác sĩ mà không học.
Nhưng đến một lúc, dấn thân này bây giờ trở nên không chịu đựng được. Một ngày mùa hè năm 2008, tôi cùng các sinh viên khác đến căn tin trường đại học để ăn tối. Sau bữa ăn, khi tôi bước lên cầu thang để quay lại thư viện, tôi sững người: Cơ thể tôi không chịu đựng được nữa, nghĩ đến chuyện học làm tôi nghẹt thở!
“Tiếng vâng của tôi chỉ là một cách hướng tôi về Chúa”
Rồi sao?
Tôi quay lại nhìn các bạn và nói: “Tôi không thể chịu đựng được nữa.” May thay, họ không cười tôi hay lên mặt khuyên tôi, nhưng họ hiểu vừa sự mệt mỏi của tôi vừa mong muốn của tôi. Nói chuyện với họ, tôi chợt thoáng nhìn về nét đẹp của cách học và sống đời sống hàng ngày của tôi.
Như thế khoảnh khắc này không đột nhiên nảy sinh ý tưởng trở thành linh mục, nhưng khơi dậy mong muốn của cha?
Đúng vậy. Tôi phát hiện ra một cách thú vị hơn để sống những chuyện tôi phải làm. Và đó là đời sống kitô hữu: đức tin đã sinh ra ánh sáng trong những ngày tôi ở thư viện. Tôi hiểu ngay cả việc học cũng đáp ứng mong muốn được hạnh phúc của tôi, tìm được toại nguyện. Học không còn là nhà tù để đạt mục đích sau này, nhưng học là cuộc phiêu lưu đời tôi. Đó là bước ngoặt. Từ đó bắt đầu con đường dẫn tôi đến chủng viện.
Năm 2013, sau khi thi xong y khoa, cha báo cho các bạn biết cha sẽ trở thành linh mục. Họ đã phản ứng như thế nào?
Một anh bạn cho tôi là đồ ngốc! Tôi nhớ ơn anh bạn này vô cùng, vì anh chân thành, anh là một người bạn thực sự. Theo anh, tôi đã lãng phí cuộc đời! Khách quan mà nói thì thật khó hiểu, đặc biệt nếu mình không có kinh nghiệm về đức tin thì chuyện này nghe có vẻ điên rồ.
Nhưng tôi biết ơn anh bạn đó vì phản ứng của anh làm cho tôi hiểu lý do vì sao tôi nói “vâng” với tiếng gọi của Chúa, để hiểu vì sao tôi cho rằng tôi chẳng mất gì với chọn lựa này, dù tôi vẫn nghĩ nghề bác sĩ là hấp dẫn.
Vì sao cha chịu chức ở giáo phận Lausanne, Geneva và Fribourg? Tại sao cha không về Ticino hay về Cộng đoàn Huynh đệ San Carlo, chi nhánh của Cộng đoàn Hiệp thông và Giải phóng?
Tôi thực sự không biết làm sao trả lời câu hỏi này. Cũng ngạc nhiên, đúng, nhưng phải chấp nhận luôn có một phần bí ẩn trong lựa chọn của chúng ta… Tôi cũng đã tự hỏi mình rất nhiều câu hỏi, nhưng sự việc tôi đã trải qua các giây phút đẹp đẽ ở Lausanne trong những năm học đã làm tôi gắn bó với thành phố này. Tôi cảm thấy như tôi đang ở nhà tôi.
Trước khi vào chủng viện, tôi cũng đặt câu hỏi này với linh mục người Ý hướng dẫn tôi. Cha nói với tôi, tôi phải có đức tin trong Chúa: nếu đây là nơi tốt đẹp thì Chúa sẽ có nhiều cách làm cho tôi biết. Thực tế là tôi không thấy một cản trở nào, ngược lại là đằng khác, tôi rất được đón nhận.
Vì lý do đại dịch, lễ phong chức chỉ giới hạn trong gia đình, cha có thất vọng không?
Đúng là một hy sinh. Cũng như đám cưới, ai cũng mong muốn mời bạn bè, người thân đến dự vì họ là những người đã cùg đi trên đường đi của mình. Nhưng đây là một hy sinh tôi làm trong hân hoan vì sau nhiều năm chuẩn bị, tôi sốt ruột chờ giây phút cuối này. Tôi cũng biết hiệp thông với các bạn là chuyện có thể làm, nhưng ngược lại, không có các bạn cũng làm cho tôi đỡ chia trí. Và dĩ nhiên, trọng tâm của chuyện này không phải là tôi, mà là một người khác.
Và lời “xin vâng” của tôi là một cách hướng tôi về Chúa.
Nguồn: phanxico.vn