Người mà tôi đang đề cập đến không ai khác là Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế.
Những lần di cư và cuộc mưu sinh khó nhọc
Năm 1954, cha mẹ ngài cùng một số giáo dân Ba Làng đưa gia đình di cư vào Giáo xứ Thanh Hải, Phan Thiết.
Năm 1962, ngài vào tu học tại Chủng viện Sao Biển, Nha Trang. Năm 1972, qua mách bảo của một người chị lấy chồng ở Cam Ranh về chương trình di dân lập ấp của cha Gioan Nguyễn Văn Dũng, Chính xứ Phú Nhơn lúc bấy giờ, mẹ và chị ngài cùng theo cha Dũng lên vùng đất Song Mỹ, Ninh Thuận để tìm kế sinh nhai.
Lý do của lần di cư này là vì ở Thanh Hải người dân sống về nghề biển, mà gia đình ngài lại chẳng có ai làm nghề này nên cuộc sống rất khó khăn. Thời gian này ngài đang tu học tại Giáo hoàng Học viện Đà Lạt. Năm 1977, khi Giáo hoàng Học viện đóng cửa, ngài về Song Mỹ sống với mẹ và mưu sinh bằng nghề nông.
CHO DÙ ĐANG NẮM GIỮ NHỮNG VỊ TRÍ QUAN TRỌNG, ĐƯỢC TRAO PHÓ NHỮNG CÔNG TRÌNH TO LỚN NHƯNG NGÀI VẪN CHƯA MỘT LẦN NGOÁI LẠI NƠI MÀ NGÀI ĐÃ KHỞI SỰ LÁT CÀY ĐẦU TIÊN CỦA MÌNH.
Vào khoảng năm 1987, sau nhiều thăng trầm, ngài nhận thấy ngôi nhà đang sống với mẹ và chị đã xuống cấp nghiêm trọng, ngài quyết định tự mình xây dựng lại. Vào thời đó vật tư khan hiếm, tiền không có để thuê thợ nhưng ngài vẫn kiên trì bắt tay vào làm.
Mỗi ngày xây một ít, người chị làm phụ hồ, những ngày có việc ngoài đồng thì nghỉ. Những ngày Chúa nhật, chúng tôi – các thành viên trong ca đoàn thanh niên của ngài cũng được tham gia các công việc như tráng nền, gác đòn tay, lợp mái…
Cuối năm đó, vào ngày 23 tháng Chạp, ngôi nhà được thượng lương (gác đòn dông) để kịp ăn Tết.
Một sự việc ngộ nghĩnh xảy ra trong ngày hôm đó là khi ngồi trên mái, chúng tôi nhìn thấy một bầy ong bay ngang rợp trời, chúng tôi liên tưởng đến cảnh chim trời Chúa ban cho dân Israel trong sa mạc Sinai và cầu chúc ngài “ăn nên làm ra”. Rồi “công trình” cũng hoàn tất.
Chúng tôi cũng được mừng tân gia với mấy con gà và lít rượu đế, khen ngôi nhà của ngài giống kiểu nhà Đà Lạt và… không đụng hàng. Với kinh nghiệm đó, năm 1990 ngài đã giúp đỡ cha sở Giuse Ngô Mạnh Điệp rất nhiều trong việc xây dựng nhà thờ Giáo xứ Song Mỹ.
Nhà xuống cấp nhưng vẫn còn nguyên hiện trạng
Ngôi nhà của ngài ở Song Mỹ hiện nay đã hư hại nhiều do thời gian nhưng vẫn còn nguyên hiện trạng. Con đường trước mặt nhà đã được nâng lên, tráng nhựa nên ngôi nhà trở nên thấp trũng và thường bị ngập nước vào mùa mưa. Ông cố đã khuất, người chị đã già và đơn chiếc nên không có điều kiện để sửa sang lại.
Ngôi nhà thứ hai tất nhiên không phải do ngài xây dựng nhưng là ngôi nhà của tuổi thơ ngài ở Thanh Hải, Phan Thiết. Một ngôi nhà cấp bốn vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt từ mấy chục năm nay. Ông cố sống với vợ chồng người chị của ngài ở đó cho đến khi mất năm 2017, thọ 111 tuổi.
Khi ông cố chưa mất, ba người già nương tựa vào nhau. Năm 2016 nghe tin ông cố bệnh, tôi vào bệnh viện thăm thì thấy anh rể của ngài đã 80 tuổi cũng nằm giường kế bên. Chị của ngài phải nuôi bệnh cả hai người.
“Đã tra tay vào cày, không ngoái lại sau lưng”. Đã từng cày cuốc trên những mảnh đất sỏi đá ở Song Mỹ, chắc hẳn ngài đã chiêm nghiệm điều này rất nhiều. Và bây giờ cho dù đang là mục tử của các mục tử, nắm giữ những vị trí quan trọng, được trao phó những công trình to lớn nhưng ngài vẫn chưa một lần ngoái lại nơi mà ngài đã khởi sự lát cày đầu tiên của mình, mặc dù chắc hẳn ngài đã không ít lần ngậm ngùi khi nghĩ đến.
Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam một mục tử như lòng Chúa mong ước.
LÊ HỒNG BẢO
Nguồn: https://donghanhonline