Icon Collap
...
Trang chủ / Căn Tính Đời Tu

Căn Tính Đời Tu

 CĂN TÍNH ĐỜI TU

Em thương mến,
Hôm qua em hỏi chị, căn tính đời tu là gì, sao em thấy mông lung quá, lờ mờ quá?
Chị chưa trả lời cho em vì hôm qua chị bận việc, hôm nay chị chia sẻ cho em vài ý nghĩ này.

Trước hết cần nắm bắt ý nghĩa căn tính là gì ?

Ở đây chị không tìm ý nghĩa học thuật khoa bảng và khởi đi từ nghĩa “mộc” nhất của căn tính: “căn” có nghĩa là “rễ”, “tính” là tính chất. Như vậy, nghĩa sơ khởi của căn tính đó là tính chất của bộ rễ. Cây nào cũng có bộ rễ. Bộ rễ có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, rễ có nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng nuôi cây, nuôi trái. Tùy tính chất bộ rễ, cây chanh cho trái chanh có vị chua, cây ớt cho trái ớt có vị cay, cây mía cho đường có vị ngọt, cây hoa hồng cho những sắc hoa khác nhau…
Theo ý nghĩa trên, gốc rễ của mình trước hết là người Việt Nam, là người Công giáo, là nữ tu của Hội dòng.

Căn tính của các sơ

Căn tính Việt Nam

Mỗi dân tộc đều có một bản sắc riêng. Bản sắc ấy được thể hiện trong nếp sống của dân tộc đó. Đối với người Việt Nam, có thể nói nếp sống trọng tình là nét đặc trưng của văn hóa Việt. Cái tình được thể hiện trong cuộc sống qua cách xưng hô, cách suy nghĩ, cách ứng xử.
Tùy thuộc vào mối quan hệ, người Việt mình có cách xưng hô: tôi, mình, anh, chị, em, cháu, ông, bà, dì, dượng, cậu, cô, chú, bác, cha, mẹ, con, thầy…
Trong cách suy nghĩ, cách ứng xử, Ông bà dạy rằng:
– Một trăm cái lí không bằng một tí cái tình.
 Tình sâu nghĩa nặng …
Đó là cái tình chân thật, mộc mạc, chứ không phải một cử chỉ giao tiếp hình thức hay một cách thức để chinh phục, để lấy lòng.
Ưu điểm của nếp sống trọng tình là lòng nhân ái. Lòng nhân ái bao giờ cũng là những giá trị tinh thần quý giá. Lòng nhân ái tạo nên hòa khí cho đời sống chung và là dấu chỉ của đức ái kitô giáo.

Căn tính Công giáo

Một người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội là người đã được chính thức trở thành con cái Chúa, được trở thành kitô hữu (người bạn của Chúa Kitô), được thừa hưởng sự sống đời đời. Như thế, làm con Chúa, làm kitô hữu là căn tính nền tảng của người Công Giáo.

Căn tính đời tu
Trong cuộc sống, mỗi kitô hữu được tự do chọn lựa cách thế hiện hữu để hoàn thành những căn tính của mình, có thể chọn đời sống hôn nhân, có thể chọn đời sống tu trì trong ơn gọi linh mục hay tu sĩ.
Đời sống tu trì qua việc hoàn toàn hiến thân để sống Tin Mừng một cách triệt để qua ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục đó là căn tính của đời tu. Nói cách khác, căn tính đời tu là sống triệt để căn tính dân tộc, căn tính kitô hữu qua ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục theo “sát sườn” mẫu hình Đức Giêsu Kitô.

Em thương mến,
Ngày trước các chị dạy chị, chị nhớ một tư tưởng: căn tính đời tu là sống vai trò ngôn sứ. Mà ngôn sứ thì gắn liền sứ vụ và lời (đối thoại). Nói cách khác, ngôn sứ liên hệ đến đối thoại, mà đối thoại cần có lời. Do đó, khi Chúa chọn gọi Giêrêmia làm ngôn sứ cho chư dân, ông đã thưa với Chúa: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr.1,6). Chúa nói lại với ông: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu ngươi cứ đi; ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa.” (Gr 1, 7-8).
Ngôn sứ Samuel, sách Habacuc đã mô tả “Samuel là người được Đức Chúa của mình yêu thương, ông là ngôn sứ của Đức Chúa, đã thiết lập nền quân chủ và đã xức dầu tấn phong những người lãnh đạo dân theo luật của Đức Chúa, ông xét xử cộng đồng và Đức Chúa đã viếng thăm nhà Giacóp. Ông được nhìn nhận là ngôn sứ vì ông trung thành qua những lời ông nói (Hc. 46,13-15).
Ông Elia là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng. Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân, và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời, và ba lần cũng cho lửa đổ xuống… Ông dùng lời của Đấng Tối Cao mà làm cho một kẻ chết chỗi dậy, thoát khỏi tay tử thần và cõi âm ty… Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông đã được nêu danh, để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Giacóp (Hc 48, 1-3; 5;10).

Đời tu sống vai trò ngôn sứ qua cuộc đối thoại trải dài trong cuộc đời thánh hiếncuộc đối thoại này đặt nền tảng từ bí tích rửa tội. Ngày đó chúng ta còn bé, cha mẹ và người đỡ đầu thay ta để thực hiện cuộc đối thoại với linh mục, nội dung là sự từ bỏ ma quỉ và tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự từ bỏ kéo dài trong suốt cuộc sống con người, từ bỏ những đam mê, ước muốn bất chính, từ bỏ ý riêng, từ bỏ những gì làm cản trở bước đường nên thánh.

Đời tu tiếp nối cuộc đối thoại chính thức trong ngày tuyên khấn. Ngày đó ta thực hiện cuộc đối thoại với Đấng Bản quyền và vị đại diện Hội dòng qua sự chứng giám của cộng đồng dân Chúa để ta cam kết với Thiên Chúa “…con tuyên khấn với Thiên Chúa toàn năng: sống khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục…theo Hiến  chương và Nội qui Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Con tận tình phó thác đời con cho Hội dòng này, để cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá…” Và ngày đó chúng ta hy vọng tràn đầy vào lời hứa của Cha trên trời như thế nào?

Từ đó, cuộc đối thoại của tu sĩ tiếp nối, tiếp nối cho đến hơi thở cuối cùng, như Chúa Giêsu trên Thánh giá đã thưa với Chúa Cha: “Mọi sự đã hoàn tất”. Đối thoại với chị em trong Hội dòng, với gia đình, với tha nhân… có những cuộc đối thoại mang lại niềm vui và phấn khởi cho đôi bên, và đem lợi ích đến cho nhân loại, như cuộc đối thoại của sứ thần Gabriel và Mẹ Maria. Cũng có những cuộc đối thoại đưa con người vào ngõ cụt và gây đổ vỡ trong tình người như cuộc đối thoại của Adam-Eva và con rắn cám dỗ,
Các bậc khôn ngoan đã có lời khuyên, để cuộc đối thoại mang tính ngôn sứ, người tu sĩ ta phải tôn trọng nhân vị của nhau và sống chứng từ lòng thương xót.

Bài đọc thêm: Nữ tu; Đời Osin …trong nhà Chúa

Tôn trọng nhân vị đòi hỏi con người không dựa trên hình thức bên ngoài, vật chất hay sản phẩm để đánh giá hoặc làm thước đo cho giá trị đạo đức, tinh thần, lao động và thành công của con người, mà chính là sự cảm thông tùy vào sức khỏe cũng như sự cố gắng của mỗi con người.

Sống chứng từ lòng thương xót đòi hỏi chúng ta không được bàng quan hoặc hờ hững với nỗi đau tinh thần hoặc thể lý của chị em, của tha nhân đang sống chung một nhà, chung giáo xứ, giáo phận, quốc gia hay  trên trái đất này. Ngày nay, nhiều người mắc chứng bệnh “MKN = Mặc kệ nó”, hay mắc chứng ghen tị của người anh cả trong dụ ngôn người con hoang, Chúa Giêsu đã lên tiếng: “Nếu các con không biết xót thương thì sẽ không được xót thương”.

Hơn thế nữa, mỗi tu sĩ muốn sống đúng căn tính của mình phải trở về nguồn, để thấm nhuần đặc sủng và sứ mạng mà Chúa đã soi sáng cho Đấng Sáng lập, được các tiền nhân kế thừa và truyền lại cho chúng ta. Các vị đã sống đời ngôn sứ, nói lời chân lý bảo vệ đạo thánh và Dòng tu dù phải máu đổ đầu rơi, mất nhà mất đất. Tuyệt đối không nói lời phóng đại, lời lấy lòng, để hưởng được phúc lộc, danh vọng, tiền tài. Quý tiền nhân đã sống lòng thương xót và để lại cho chúng ta gia sản tinh thần quí giá. Gia sản này được chứa đựng trong từng con người thánh hiến (đồng hình đồng dạng với Chúa), đó là chị em chúng ta. Từ con số 8 nữ tu đầu tiên, nay gần 600 chị em. Ôi! Hồng ân cao quí.

Tiền nhân, người chị em chúng ta đã sống đặc sủng và sứ mạng qua việc tin vào Lời Hứa của Chúa. Từ Lời Chúa hứa và lời cam kết của chị em đã phát sinh một sức sống dồi dào để chị em phục vụ cho giá trị Tin Mừng qua sự can đảm và trung thành giữ ba lời khấn, với trọng tâm là yêu thương.

Em thân mến, bây giờ chị phải tóm lại, kẻo em lại thấy lung tung. Căn tính đời tu hay bản chất đời tu trong Hiến chương, điều 2 của Dòng Mến Thánh Giá đã nhấn mạnh là “…chị em được thánh hiến để sống giao ước tình yêu…”. Giao Ước  này được cam kết từ ngày rửa tội, ngày Khấn Dòng, rồi được nhắc lại hằng năm vào ngày 21/11, và được tưởng nhớ lại hằng ngày trong thánh lễ “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”. Cách riêng Giao Ước tình yêu được làm mới lại trong từng giờ phút khi chúng ta đối thoại với Chúa qua các LỜI của kinh nguyện/ kinh hát/ kinh thánh; và đối thoại với tha nhân bằng LỜI  mang tính ngôn sứ.

Để sống căn tính đời tu cách sung mãn chúng ta cần phải có ơn Chúa, có LỜI, đó là tiếp nhận và phát huy đặc sủng của Hội Dòng. Nói rõ hơn là chúng ta hãy tiếp tục với tiền nhân nhìn lên Thánh Giá, học biết và yêu mến sứ vụ cứu độ của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, rồi lần bước theo sát Người trong bối cảnh “sứ vụ” của mình hôm nay (tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người bằng sự hiến thân trọn vẹn cho Người). Các ngôn sứ, các thánh Tử đạo, các bà, các chị em chúng ta không thể làm được điều này nếu không có tình yêu, nếu không vì tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân.
Chị chúc em hạnh phúc khi sống căn tính đời tu của mình, và niềm vui – hy vọng của em tỏa lan cho mọi người lữ hành, để cùng em tiến về nhà Cha trên quê hương vĩnh cửu.
Chào em.

Chị Maria V.Tuyết 

Nguồngpquinhon.

Bình luận
error: Content is protected !!