Icon Collap
...
Trang chủ / Các nhà đầu tư Công giáo gây áp lực với chính phủ Brazil kêu gọi bảo vệ Amazon

Các nhà đầu tư Công giáo gây áp lực với chính phủ Brazil kêu gọi bảo vệ Amazon

Các nhà đầu tư Công giáo gây áp lực với chính phủ Brazil kêu gọi bảo vệ Amazon

SÃO PAULO – Các tổ chức Công giáo đang cố gắng gây áp lực buộc chính phủ Brazil phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường của quốc gia Nam Mỹ, đặc biệt là ở khu vực Amazon.

Sáng kiến này được đưa ra bởi Bank für Kirche und Caritas (BKC), một tổ chức tài chính của Đức có liên hệ với Giáo hội.

Kể từ năm 2019, khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức, đã có nhiều cuộc khủng hoảng môi trường lặp lại liên quan đến Amazon và vùng Pantanal, vốn là những đồng cỏ ngập nước lớn nhất thế giới. Trong khi cháy rừng, tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và các chủ trang trại đã phá hủy hàng ngàn dặm vuông các khu rừng nguyên sinh, Tổng thống Bolsonaro bị cáo buộc về việc đã làm suy yếu các cơ quan giám sát môi trường của đất nước, và tiếp tay cho các chủ trang trại địa phương, những người chiếm đóng và tàn phá nhiều khu vực tại Amazon.

“Chính phủ đã không thể chứng minh rằng họ đang hành động cụ thể để bảo tồn Amazon. Vì vậy, ủy ban của chúng tôi cho rằng trong một viễn cảnh như vậy, việc gây áp lực quốc tế lên chính quyền hiện tại ngày càng quan trọng hơn”, Linh mục Dario Bossi, người gốc Ý, thành viên của Ủy ban Đặc biệt về Hệ sinh thái Toàn diện và việc Khai thác mỏ của các Giám mục Brazil, phát biểu với Crux.

“Những tác nhân như vậy tuân thủ các chính sách đạo đức về đầu tư và không thể hỗ trợ kinh tế cho một chính phủ không tuân thủ việc bảo tồn môi trường”, Linh mục Bossi nói.

Ủy ban đặc biệt này là một trong 93 tổ chức Công giáo được BKC tập hợp để triển khai các chiến lược nhằm yêu cầu chính phủ của Tổng thống Bolsonaro ngăn chặn nạn phá rừng ở Amazon. Tổ chức này cũng đã thu hút một số tổ chức tài chính tham gia.

Theo Tommy Piemonte, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Đầu tư Bền vững của BKC, các nhà đầu tư – dù theo Công giáo hay không – cũng lo lắng về tác động của việc rừng Amazon bị phá hủy đối với người dân bản địa.

Sự quản lý yếu kém của Tổng thống Bolsonaro đối với đại dịch COVID-19, khiến Brazil có số người tử vong cao thứ hai sau Hoa Kỳ, đã làm tăng thêm sự hoài nghi của những người không phải công dân Brazil về tình hình trong nước.

“Các cuộc khủng hoảng cháy rừng năm 2019 và 2020 đã làm tổn hại rất nhiều đến danh tiếng quốc tế của Tổng thống Bolsonaro. Chúng tôi cũng lo lắng về thực tế là ông ta dường như đã bỏ qua các mối nguy cơ của COVID-19. Ví dụ, chúng tôi biết rằng các quần thể bản địa có thể dễ bị nhiễm bệnh hơn”, ông Piemonte phát biểu với Crux.

Biện pháp cụ thể đầu tiên của nhóm là gửi một bức thư công khai vào ngày 29 tháng 3 tới Tổng thống Bolsonaro và Phó Tổng thống Hamilton Mourão, đưa ra một số yêu cầu đối với việc bảo vệ rừng nhiệt đới.

Trong bức thư, các tác giả đã đề cập đến quy mô của sự tàn phá ở Amazon – từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 7 năm 2020, một khu vực lớn hơn Jamaica đã bị tàn phá – và đồng thời cho biết rằng những thiệt hại về môi trường như vậy mâu thuẫn với thông điệp về việc bảo vệ công trình sáng tạo của ĐTC Phanxicô, được thể hiện trong Thông điệp Laudato Si’ năm 2015.

“Việc phá hủy rừng nhiệt đới Amazon và vi phạm nhân quyền không chỉ gây ra mối đe dọa đối với danh tiếng của Brazil trong cộng đồng quốc tế mà còn đối với nền kinh tế Brazil”, bức thư cho biết, đề cập rằng người tiêu dùng đã tẩy chay các sản phẩm trong nước và các ngân hàng đã đã tránh đầu tư vào các công ty Brazil liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nạn phá rừng.

“Nếu chính phủ không phản đối một cách kiên quyết nạn phá rừng nhiệt đới và việc vi phạm quyền của người dân bản địa, thì chúng tôi, với tư cách là các nhà đầu tư Công giáo, cũng sẽ ngày càng phải chứng kiến nhiều cơ sở của chúng tôi, với tư cách là các nhà đầu tư thực tế và tiềm năng vào các công ty của Brazil và vào trái phiếu chính phủ, bị loại bỏ”, bức thư cho biết.

Ông Piemonte cho biết rằng kế hoạch này đó là kết hợp giữa áp lực kinh tế và áp lực luân lý.

“Chúng tôi không chỉ là các nhà đầu tư tài chính, chúng tôi còn là những người Công giáo. Brazil là một quốc gia có đông người theo đạo Công giáo. Vì vậy, ý tưởng của chúng tôi rõ ràng là để thúc đẩy không chỉ các nhà đầu tư, mà còn cả những người Công giáo Brazil”, ông Piemonte giải thích.

Nếu chính quyền Bolsonaro không trả lời bức thư, nhóm này sẽ cố gắng can thiệp vào cuộc khủng hoảng môi trường thông qua Quốc hội Brazil. “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục trao đổi với các nhà đầu tư và các hiệp hội khác”, ông Piemonte cho biết thêm.

Linh mục Bossi cho biết rằng Ủy ban Sinh thái toàn vẹn của CNBB đã phát động chiến dịch thoái vốn khai thác mỏ vào năm ngoái, đồng thời yêu cầu những người Công giáo trên toàn quốc tránh tài trợ cho các công ty góp phần vào việc hủy hoại môi trường.

“Kể từ đó, các dự luật khác nhau đã được các chính trị gia đưa ra nhằm nới lỏng các hạn chế đối với việc khai thác mỏ, bao gồm cả việc khai thác ở các vùng đất bản địa. Chỉ có sự kết hợp của các chiến dịch trong nước và quốc tế mới có thể thay đổi được tình trạng này”, Linh mục Bossi nói.

Bài đọc thêm: Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Ngay cả cái chết cũng run rẩy khi một Cơ đốc nhân cầu nguyện’

Vào ngày 6 tháng 4, một nhóm bao gồm 200 tổ chức dân sự ở Brazil, bao gồm một số nhóm thuộc Giáo hội, đã gửi một lá thư tới Tổng thống Joe Biden, trong đó họ yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ không thực hiện bất kỳ thỏa thuận khí hậu nào với Tổng thống Bolsonaro sau những cánh cửa đóng kín.

Tổng thống Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới – bao gồm cả Tổng thống Bolsonaro – tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu từ ngày 22 đến 23 tháng 4 vốn sẽ diễn ra vào ngày 22 và 23 tháng 4, diễn ra trực tuyến do đại dịch COVID-19.

“Chúng tôi được biết rằng Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu, ông John Kerry, đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles. Một thỏa thuận tiềm năng giữa hai nước có thể được ký kết mà không có bất kỳ sự tham vấn nào với người dân bản địa”, Linh mục Bossi cảnh báo.

Đó là lý do tại sao các thành viên của Ủy ban sinh thái toàn vẹn của CNBB và các tổ chức dân sự khác đang lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình trực tuyến vào ngày 15 tháng 4, Linh mục Bossi nói.

“Những người dân sống trong các khu rừng không thể bị coi thường một lần nữa”, Linh mục Bossi cho biết thêm.

Minh Tuệ

Nguồn: Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

Bình luận
error: Content is protected !!