Icon Collap
...
Trang chủ / Hy vọng hay thất vọng

Hy vọng hay thất vọng

Nếu như lời của Cụ già Ngôn sứ Semion nói với Đức Maria về Hài Nhi : “Trẻ nhỏ này sẽ trở nên cớ vấp ngã hay chỗi dậy cho nhiều người”, thì sự ứng nghiệm đó lại được thể hiện một cách khá cụ thể, rõ ràng nơi chính thập giá của Người. Theo cách diễn tả của thánh Phao lô, thập giá đối với người Hy Lạp là một sự điên rồ, đối với người Do Thái là một sự ô nhục. Nhưng với những người tin thì thập giá lại là con đường cứu độ của Thiên Chúa. Nói một cách khác, thập giá là niềm hy vọng hay là nỗi thất vọng cho nhiều người. Điều đó phải tùy thuộc vào chọn lựa của mỗi người chúng ta.

Hy vọng hay thất vọng

Niềm hy vọng của người tin

Đối với niềm tin Ki-tô giáo, Thánh Giá là niềm tự hào, là vinh quang, là linh thiêng, là ơn cứu độ, là tình yêu, là sức mạnh, là chiến thắng, là đối tượng lòng tin và là niềm hy vọng của người tín hữu. Bởi thế, Thánh Giá được người tín hữu tôn vinh khắp nơi. Thánh Giá được mang nơi mình, được đặt trên bàn thờ, trên nóc nhà thờ, nhà tư, trên tháp chuông, trên cổng hay cửa ra vào, trên đỉnh núi, trên tàu thuyền, xe cộ, trên mộ phần, và cả những nơi công cộng. Đó là Thánh Giá theo nghĩa đen. Còn Thánh Giá theo nghĩa bóng là sự sẵn sàng đón nhận những bắt bớ, hành hạ, vu khống, nhục hình, áp bức, bất công, bách hại, đánh đập, sỉ nhục oan khiên, những đau khổ cả về thể xác lẫn tâm linh, bị giết chết của những người tin, như các thánh Tử Đạo.

Nỗi thất vọng của nhiều người

Nhưng đối với những người không tin thì Thánh Giá lại trở thành cớ vấp ngã, điều điên rồ, sự ô nhục, sự thảm bại, sự thua cuộc, sự đầu hàng, sự phi lý, sự sỉ nhục. Cái chết của Đức Giê-su trên thập giá là một sự thật bại đắng cay trong tủi nhục, vô vọng. Đau khổ, bắt bớ, nhục hình, bị vu khống, kết án, lăng mạ, hạ nhục là những cái đáng hổ thẹn, đáng phải dùng vũ lực, đấu tranh tiêu diệt bằng mọi giá. Với những người này thì niềm tự hào vinh quang của họ là tiền bạc, danh dự, quyền bính, sức mạnh, của cải. Như vậy, Thánh Giá với người này là niềm vui, nhưng với người khác là nỗi buồn; với người này là ơn cứu độ, nhưng với người khác lại là sự hư mất; với người này là hy vọng, nhưng với người kia lại là thất vọng. Đúng là Thánh Giá có thể làm cho người ta gục ngã hay chỗi dậy; được cứu hay hư mất.

Bài đọc thêm: Có một tình yêu như thế !

Lòng tin – Quà tặng ân phúc

Vì thế, trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta niềm tin vững chắc vào ơn cứu rỗi mà Đức Giê-su đã và đang tiếp tục thực hiện trên cây Thánh Giá. Nhờ lòng tin đó mà chúng ta mới dám tuyên xưng và tôn vinh Thánh Giá Chúa Giê-su với nhiều hình thức khác nhau. Cũng nhờ lòng tin đó mà chúng ta sẵn sàng đón nhận những đau khổ, những thử thách thanh luyện Thiên Chúa gởi đến trong tình yêu và lòng vâng phục, tín thác. Nhờ lòng tin đó mà chúng ta không nỗi loạn chống đối, tiêu diệt những mãnh lực của sự dữ, sự ác, sự xấu. Chúng ta cũng không tìm cách lẩn trốn hay chạy trốn đau khổ. Nhưng ngược lại, chúng ta dám mở rộng vòng tay, mở rộng cõi lòng, mở rộng trí khôn, mở rộng linh hồn, để đón lấy, nhận lấy, ôm lấy tất cả sự dữ, sự ác, sự xấu vào nơi mình, với một niềm xác tín sâu xa vào sự quan phòng, quyền năng, với một tình yêu nồng cháy dành cho Thiên Chúa và cho con người.

Cầu nguyện

Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta hãy tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc thế gian. Chúng ta hãy cảm tạ tri ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta lòng tin vào mầu nhiệm cứu độ nơi thập giá của Đức Giê-su, Chúa của chúng ta. Quả thật, trước mầu nhiệm thập giá, nếu không có lòng tin thì cuộc đời sẽ trở nên phi lý, bế tắc không lối thoát. Nhờ lòng tin, thập giá mở ra cho chúng ta con đường sống, con đường cứu độ. Nguyện xin Đức Giê-su, Đấng đã làm cho thập giá trở nên Thánh Giá, ban thêm sức mạnh lòng tin cho chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ đi trọn được con đường của Chúa, con đường của tình yêu, con đường cứu độ. Amen.

Bài đọc thêm: Có một niềm tin như thế !

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Nguồn: svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!