Icon Collap
...
Trang chủ / Hãy đi loan báo Tin Mừng !

Hãy đi loan báo Tin Mừng !

Chúng ta biết rằng Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo là ngày mà toàn thể Giáo hội Công giáo cùng cử hành thánh lễ để cổ vũ, cầu nguyện và làm sống lại tinh thần dấn thân loan báo Tin Mừng cho hết mọi thành phần trong Hội thánh. Ngày lễ này thường được cử hành vào Chúa nhật cuối của tháng 10. Riêng Giáo phận Hà Nội chúng ta thì Chúa nhật tuần thứ XXIX thường niên hôm nay, được đặt làm Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo. Vậy giờ đây, chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần chính là Đấng ngự đến và sai Đức Giê-su đi loan báo Tin Mừng như thế nào thì cũng ngự đến để mà soi sáng, hướng dẫn và sai chúng ta ra đi để thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho con người của thời đại chúng ta.

hay-di-loan-bao-tin-mung

Hãy đi rao giảng Tin Mừng !

Trước lúc về trời, Đức Giê-su đã truyền cho các Tông đồ là : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”(Mc 16,15). Vâng lời Đức Giê-su, các Tông đồ đã hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa và sẵn sàng hy sinh cả sinh mạng của mình để mà làm chứng về Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã tuyển chọn, huấn luyện và sai các ông ra đi để làm chứng về những gì các ông đã thấy, đã nghe, đã chứng nghiệm những gì Đức Giê-su đã dạy, đã nói, đã làm, nhất là cuộc vượt qua cái chết để sống lại, hiện ra tỏ tường cho các ông và sai các ông đi rao giảng và làm chứng cho những cư dân ở Giêrusalem, xứ Giu-đa, cho đến tận cùng trái đất. Nhờ thực hành lệnh truyền của Đức Giê-su và có Thầy Giê-su ở giữa họ mà số tín hữu ngày càng gia tăng nhanh và Giáo hội phải triển mạnh. Do Thái giáo thấy vậy thì cũng hoảng sợ và trục xuất các Kitô hữu ra khỏi các Hội đường của họ. Còn các tín hữu Kitô thì ra đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô. Họ đến với các dân tộc khác để rao giảng và làm chứng. Nhờ có Chúa ở cùng họ nên càng có thêm nhiều người đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, khiến cho các Hoàng đế La mã có phần hoảng sợ và bắt đầu bách hại các tín hữu suốt cả ba thế kỷ đầu, với những nhục hình và cực hình đau khổ. Nhưng số các tín hữu không vì thế mà bị giảm sút, song lại có gia tặng. Cuối cùng, với chiếu chỉ Milan 313 đã chấm dứt sự bách hại Kitô giáo và năm 381, Hoàng đế Theodosius đã nhận Kitô giáo làm quốc giáo, tôn giáo duy nhất của Đế chế La mã. Giáo hội của chúng ta bước sang trang sử mới.

Bài đọc thêm: Thử thách của người đi rao giảng Tin Mừng

hay-di-loan-bao-tin-mung

Lệnh truyền đó được làm mới !

Sau khi Giáo hội được thái bình, người ta không còn phải tử đạo để làm chứng cho Chúa Giê-su nữa, thì có một số người đã từ bỏ thế giới này vào trong sa mạc để họ chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Từ đó, trong Giáo hội xuất hiện trường phái Đan tu, các hoạt động truyền giáo của Giáo hội lại được tái thiết. Các sĩ tử của Biển Đức tiếp tục sứ mạng truyền giáo theo một phương thức mới, nhất là tại Châu Âu. Đến thế kỷ 19 thì phong trào truyền giáo của các đan sĩ Biển Đức cũng bị chùng xuống, Giáo hội bị khủng hoảng. Đến thế kỷ thứ 12 thì Chúa Thánh Thần lại cho xuất hiện trong Giáo hội hai vị thánh đặc biệt để tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô, là thánh Phanxicô và thánh Đa Minh với hai dòng giảng thuyết, do các ngài lập nên, tiếp tục thực thi sứ mạng cao cả này. Rồi những thế kỷ tiếp theo, Chúa Thánh Thần lại tiếp tục làm cho lệnh truyền của Đức Giê-su luôn được mới lại, với sự xuất hiện của những vị thánh đặc biệt hăng say rao giảng Tin Mừng như thánh I- Nhã, dòng Tên, thánh Vinh Sơn Phao lô, với tu hội Nữ tử bác ái và Lazariste, rồi tới dòng Chúa Cứu Thế với thánh Alfonso…Đặc biệt, năm 1622, Giáo hội Công giáo đã thiết lập nên Bộ truyền giảng Đức tin, nay đối tên thành Bộ loan báo Tin Mừng. Năm nay kỷ niệm 400 năm Bộ này được thành lập. Sau Bộ truyền giáo 200 năm thì xuất hiện các Hiệp hội truyền giáo của Giáo Hoàng. Tới năm 1926, Đức thánh cha PIO XI, với sự đề nghị của chính Hiệp hội truyền giáo Giáo Hoàng, đã thiết lập nên ngày Khánh Nhật Truyền Giáo bắt đầu cử hành vào năm 1927. Nhìn lại một thoáng lịch sử của Hội thánh để chúng ta nhận ra được những hoạt động của Chúa Thánh Thần, luôn làm cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giê-su được tiếp diễn trong thế giới này. Ngay cả trong bốn bức tường kín, ngọn lửa đó vẫn bùng cháy trong tâm hồn của các đan sĩ, đặc biệt thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su đã làm những công việc cụ thể để hy sinh, hãm mình, cầu nguyện cho sứ vụ này và đã mang lại nhiều hoa trái dồi dào cho Giáo hội. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có ý thức nhớ đến sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giê-su chưa? Có bao giờ chúng ta nhớ cầu nguyện hay dâng những việc làm bé nhỏ của mình để cầu nguyện cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội chưa? Chúng ta đã tham gia vào trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giê-su dưới những hình thức hay công việc cụ thể nào? Ngày lễ Khánh Nhật này nhắc nhở và cảnh tỉnh chúng ta duyệt xét lại sứ mạng cao cả này mà Chúa Giê-su đã trao phó và ủy thác cho từng người, khi chúng ta được thánh tẩy để trở nên người tín hữu của Chúa Giê-su Ki-tô.

Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần!

Lạy Chúa Thánh Thần, chính Chúa đã ngự đến thánh hiến và sai Chúa Giê-su đi rao giảng Tin Mừng và chính Chúa cũng thánh hiến và sai các Tông đồ, các nhà Thừa sai liên tục ra đi thực hiện lệnh truyền của Đức Giê-su, suốt dòng lịch sử của Hội thánh. Quả là một ân huệ lớn lao vô cùng mà chúng ta không thể không tạ ơn Chúa Thánh Thần. Chúng con xin Chúa Thánh Thần tiếp tục ngự xuống trên chúng con, thánh hiến và sai chúng con là những sinh viên Công giáo, can đảm thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giê-su ngay trong chính môi trường Đại học và những nơi chốn chúng con sẽ được sai đến. Chúng con xin cám ơn Chúa Thánh Thần thật nhiều. Amen.

Bài đọc thêm: Sứ vụ trao ban bình an và chữa lành !

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Truyền thông sinh viên Công giáo

Bình luận
error: Content is protected !!