Icon Collap
...
Trang chủ / Đức Thánh Cha phanxico: hãy cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa khi gặp đau khổ

Đức Thánh Cha phanxico: hãy cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa khi gặp đau khổ

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 17.04, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu, trước ngưỡng cửa Tam Nhật Thánh, cùng suy tư về một số lời Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trong cuộc Thương Khó.

Hồng Thủy – Vatican

Có 3 lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong những giờ phút đau thương thử thách. Trong tột đỉnh của thống khổ, Chúa Giêsu luôn tìm vinh danh Chúa Cha và biết tín thác tin tưởng vào Chúa Cha. ĐTC mời gọi các tín hữu học theo gương Chúa Giêsu, trong thử thách hãy biết tìm đến với Thiên Chúa và tín thác tất cả nơi Người, vì Người là Cha luôn yêu thương chúng ta.

Lời cầu nguyện thứ nhất: vinh quang

Lời cầu nguyện đầu tiên xảy ra sau Bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu, “ngước mắt lên trời và cầu nguyện: ‘Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha – và rồi – xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian’” (Ga 17.1.5). Chúa Giêsu cầu xin vinh quang, một yêu cầu dường như là nghịch lý khi cuộc Thương Khó đã ở ngay trước mắt. Chúa muốn nói đến thứ vinh quang nào?

Vinh quang của Thiên Chúa là tình yêu

Trong Kinh Thánh, vinh quang nói đến sự mặc khải của Thiên Chúa, là dấu chỉ phân biệt sự hiện diện cứu độ của Người giữa loài người. Giờ đây, Chúa Giêsu là Đấng bày tỏ sự hiện diện và ơn cứu độ của Thiên Chúa cách quyết định. Và Người làm điều này trong lễ Vượt Qua: khi bị giương cao trên Thánh giá, Người được vinh danh (x Ga12,23-33). Trong biến cố này, Thiên Chúa mạc khải vinh quang của Người: lột bỏ tấm khăn che phủ cuối cùng và làm chúng ta ngạc nhiên như chưa bao giờ từng có. Thật sự là chúng ta khám phá ra rằng vinh quang của Thiên Chúa hoàn toàn là tình yêu: tình yêu tinh tuyền, điên rồ và không thể tưởng tượng, vượt qua mọi giới hạn và thước đo.

Vinh danh Chúa bằng cách sống với tình yêu

ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy biến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thành lời cầu nguyện của chúng ta: Chúng ta hãy xin Chúa Cha lột bỏ đi những tấm khăn che đậy đôi mắt chúng ta để trong những ngày này, khi chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh, chúng ta có thể hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu. Bao nhiêu lần chúng ta tưởng tượng rằng Người là một ông chủ chứ không phải là một người Cha, bao nhiêu lần chúng ta nghĩ rằng người là một thẩm phán nghiêm khắc hơn là Đấng Cứu Thế thương xót. Nhưng trong lễ Vượt Qua, Thiên Chúa xóa đi các khoảng cách khi tỏ mình ra trong sự khiêm nhường của một tình yêu cầu xin tình yêu của chúng ta. Do đó, chúng ta hãy làm cho Chúa được vinh quang khi sống tất cả những điều chúng ta làm với tình yêu, khi chúng ta làm mọi việc với con tim, như là làm vì Chúa (x. Col 3,17).

Vinh quang nghịch lý của Thiên Chúa

ĐTC giải thích: Vinh quang thật sự là vinh quang của tình yêu, bởi vì đó là vinh quang duy nhất ban sự sống cho thế giới. Chắc chắn là vinh quang này trái ngược với vinh quang của thế gian, điều người ta có khi được ngưỡng mộ, được khen ngợi, được tung hô: khi tôi ở trung tâm của sự chú ý. Ngược lại, vinh quang của Thiên Chúa thì nghịch lý: không có hoan hô, không có cử tọa. Không phải là tôi ở trung tâm, nhưng là tha nhân: trong cuộc Vượt Qua chúng ta thấy thật sự là Chúa Cha vinh danh Chúa Con trong khi Chúa Con vinh danh Chúa Cha. Không có ai tự vinh danh chính mình. Hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi đang sống vì thứ vinh quang nào? Vinh quang của tôi hay của Thiên Chúa? Tôi chỉ ao ước nhận lãnh từ người khác hay tôi cũng trao tặng cho tha nhân?”.

Lời cầu nguyện thứ hai của Chúa Giêsu: Cha ơi!

Tiếp tục, ĐTC trình bày lời cầu nguyện thứ hai của Chúa Giêsu. Sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đi vào vườn Ghetsemani và ở đó Người cũng cầu nguyện với Chúa Cha. Trong khi các môn đệ không thể thức tỉnh và Giuđa đang đến với quân lính, Chúa Giêsu bắt đầu cảm thấy “sợ hãi và thống khổ”. Người trải tất nghiệm tất cả sự thống khổ vì những điều đang chờ đợi Người: phản bội, khinh khi, đau khổ, thất bại. Người “đau buồn” và ở đó, trong vực thẳm, trong sự cô đơn, Người hướng về Chúa Cha với một lời ngọt ngào dịu dàng nhất: “Abba”, nghĩa là Cha ơi (x. Mc14,33-36).

Trong thử thách đừng khép kín, nhưng tín thác nơi Chúa

Trong cơn thử thách, Chúa Giêsu dạy chúng ta  biết ôm choàng lấy Chúa Cha, bởi vì trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, có sức mạnh để tiến bước trong đau khổ. Trong lúc mệt mỏi, lời cầu nguyện là sự xoa dịu, tin tưởng, an ủi. Trong khi bị tất cả từ bỏ, trong sự hoang vắng nội tâm, Chúa Giêsu không đơn độc, Người ở cùng Chúa Cha. Trái lại, khi chúng ta ở trong những vườn Ghetsemani của mình, chúng ta thường chọn cô đơn một mình thay vì kêu “Cha ơi” và tín thác vào Người, như Chúa Giêsu, phó thác cho thánh ý Người, điều thực sự tốt nhất của chúng ta. Nhưng khi gặp thử thách, chúng ta khép kín trong chính mình và đào một đường hầm trong đó, một hành trình đau khổ hướng nội và chỉ có một hướng duy nhất: càng lúc càng chìm xuống đáy trong chính con người chúng ta.

Cầu nguyện thêm sức mạnh

Vấn đề lớn nhất không phải là đau khổ nhưng là cách đối phó với nó. Sự cô đơn không chỉ cho chúng ta những lối ra; nhưng cầu nguyện thì có, bởi vì nó là sự tương quan, tín thác. Chúa Giêsu tín thác tất cả và tín thác hoàn toàn nơi Chúa Cha, mang đến cho Người những điều mình cảm nghĩ, cậy dựa vào Người trong cuộc chiến thử thách. Khi chúng ta đi vào vườn Ghetsemani – mỗi người chúng ta có những vườn Ghetsemani của mình, hoặc đã có hay sẽ có –  chúng ta hãy nhớ điều này: khi chúng ta đi vào đó, khi chúng ta sẽ vào trong vườn  Ghetsemani của mình, hãy nhớ cầu nguyện thế này: “Cha ơi”.

Lời cầu nguyện thứ ba của Chúa Giêsu: tha thứ

Lời cầu nguyện thứ ba của Chúa Giêsu là lời xin tha thứ cho những kẻ hại mình. ĐTC giải thích như sau: Cuối cùng, Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha lời cầu nguyện thứ ba, cầu nguyện cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chúa Giêsu cầu nguyện cho những người đã làm điều xấu cho mình, cho những kẻ giết mình. Tin Mừng xác định rằng Chúa Giêsu cầu nguyện điều này vào thời điểm bị đóng đinh. Đó có lẽ là khoảnh khắc đau đớn nhất khi những cây đinh đóng vào cổ tay và bàn chân của Chúa Giêsu. Ở đây, khi cơn đau lên đến tột cùng thì tình yêu đạt đến đỉnh điểm: xuất hiện sự tha thứ, là món quà với sức mạnh vô cùng, phá vỡ vòng vây của sự ác.

Xin được tha thứ và biết tha thứ

Cuối cùng, ĐTC nhắc các tín hữu những điều cần cầu nguyện trong Tuần Thánh này. ĐTC nói: Anh chị em thân mến, khi đọc Kinh Lạy Cha trong những ngày này, chúng ta có thể cầu xin ơn này: sống những ngày đời chúng ta để vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là sống với tình yêu; xin biết tín thác vào Chúa Cha trong những thử thách và kêu với Chúa Cha “Cha ơi” và tìm thấy trong cuộc gặp gỡ với Chúa Cha, ơn tha thứ và lòng can đảm để tha thứ. Cả hai điều này đi đôi với nhau. Chúa Cha tha thứ cho chúng ta, nhưng Người cũng ban cho chúng ta sự can đảm để có thể tha thứ.

 

17 tháng tư 2019, 13:10
Bình luận
error: Content is protected !!