Trước đây, các học sinh của thầy Peter Tabichi, tu sĩ dòng Phanxicô, ở vùng quê nghèo khó của Kenya chẳng có gì cả, nhưng nay thầy trò đang cùng nhau tham gia các cuộc tranh tài quốc tế.
Mỗi ngày, không ít học sinh của Trường Trung học cơ sở Hỗn hợp Keriko phải đi bộ qua nhiều dặm đường nếu muốn đến làng Pwani, nơi ngôi trường đang tọa lạc trong một góc hẻo lánh và khô cằn của thung lũng Rift. Ða số các em theo học tại đây đều xuất thân từ con nhà nghèo. Gần 1/3 số học sinh là trẻ mồ côi hoặc gia đình đơn thân. Nhiều em ôm bụng đói đến trường. Nạn ma túy, bỏ học giữa chừng, kết hôn và mang thai sớm, tự sát là chuyện thường ngày. Không dừng lại ở đó, khu vực thường xuyên trải qua những đợt hạn hán và đói kém. Vào mùa mưa, con đường đến trường trở nên lầy lội khó đi. Và một khi vượt qua mọi chướng ngại vật để có thể đặt chân đến trường, các học sinh buộc phải chen chúc trong các lớp với sĩ số khoảng 60 người.
Giải thưởng danh giá
Tài sản của trường vỏn vẹn có một máy tính, còn đường truyền internet thì quá tệ. Thế nhưng, những trở ngại này không ngăn cản ngôi trường cách thủ đô Nairobi của Kenya khoảng 180 km về hướng tây bắc liên tục xuất hiện các thế hệ học sinh giỏi giang, và cũng không thể ngăn cản khát vọng của vị tu sĩ dòng Phanxicô, tên Peter Tabichi trong việc mang đến niềm hy vọng và tương lai xán lạn cho những học sinh nghèo trong vùng. Thầy Tabichi là giáo viên dạy môn toán và vật lý, luôn sống với tinh thần vì người nghèo, trước hết qua việc quyên góp 80% số thu nhập mỗi tháng cho những người cần hơn. Và ngày 24.3 vừa qua, thầy đã được vinh danh là “Nhà giáo xuất sắc Toàn cầu” trong một buổi lễ trang trọng tại Dubai (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất). Ðây là giải thưởng thường niên do Quỹ từ thiện Varkey tổ chức, với tổng giá trị lên đến 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng).
Ðể có thể nâng cao kiến thức trong điều kiện khó khăn, tu sĩ Tabichi đã lên mạng tự học. Thầy tiếp cận nguồn kiến thức bổ ích trên nền tảng World Wide Web bằng cách vào các tiệm cà phê internet tải xuống các bài giảng điện tử. Theo website của Quỹ từ thiện Varkey, trong quá trình làm việc tại trường, vị tu sĩ dòng Phanxicô đã thành lập một câu lạc bộ nuôi dưỡng tài năng và mở rộng Câu lạc bộ Khoa học hiện có. Nhờ các câu lạc bộ này, thầy giúp đỡ các học sinh thiết kế những dự án nghiên cứu có chất lượng cao, với 60% số đề tài hiện đủ chuẩn cho các cuộc thi cấp quốc gia. Thầy còn dẫn dắt các học sinh của mình tham gia Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật Kenya năm 2018, và trong dịp này, các em đã trình làng phát minh mới là thiết bị cho phép người điếc và mù đo đạc đồ vật cụ thể.
Cảm hứng cho thế hệ sau
Với sự hướng dẫn của vị giáo viên đặc biệt, ngôi trường làng Pwani được xếp thứ nhất trong danh sách trường công trên toàn quốc. Ðội Khoa học Toán học của trường cũng giành được suất tham gia Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật quốc tế INTEL 2019 diễn ra tại bang Arizona (Mỹ) vào tháng 5.2019, và họ đang tích cực chuẩn bị. Các học sinh của thầy cũng nhận được giải thưởng của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh nhờ vào công trình khai thác đời sống thực vật bản địa để tạo ra điện năng. Danh tiếng của trường đã giúp nâng cao số học sinh theo học tại đây, tăng gấp đôi, lên 400 em trong vòng 3 năm. Năm 2017, chỉ 16 trong số 59 học sinh của Pwani vào đại học, nhưng con số này đã tăng lên 26 em trong năm 2018. Thành tích học tập của nữ sinh đặc biệt được tăng mạnh, dẫn đầu các nam sinh trong cả 4 kỳ thi hồi năm ngoái.
“Mỗi ngày trôi qua ở châu Phi, chúng tôi lại chuyển sang một trang mới và một chương mới. Hôm nay là ngày như thế”, tu sĩ Tabichi chia sẻ với Quỹ từ thiện Varkey khi được trao giải thưởng. “Giải thưởng này không chỉ công nhận bản thân tôi mà còn có ý nghĩa tương tự cho thế hệ trẻ tuổi của châu lục vĩ đại này. Chứng kiến các học sinh của mình trưởng thành về mặt kiến thức, kỹ năng và lòng tự tin chính là món quà vô giá đối với tôi khi đứng trên bục giảng”, theo vị tu sĩ. Chủ tịch Vikas Pota của Quỹ từ thiện Varkey nhận xét về điều mà họ cho rằng đã giúp thầy Tabichi thành một nhà giáo ưu tú: “Người ta yêu mến thầy Tabichi vì nhìn vào ông ấy, mọi người phát hiện ra những thách thức mà họ phải đối mặt hằng ngày. Thách thức vào thời buổi hiện nay là chẳng còn ai muốn trở thành người gõ đầu trẻ, và thông qua hành động vinh danh thầy cũng như cung cấp nền tảng để thầy thực hiện ước mơ, chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp”.
Vị tu sĩ cho hay sẽ sử dụng hơn 80% số tiền của giải thưởng cho nỗ lực giáo dục các học sinh có triển vọng và giúp cộng đồng chống hạn hán một cách hiệu quả và khoa học. “Mục tiêu của tôi không chỉ dừng lại ở các học sinh mà còn hỗ trợ cộng đồng thích ứng với tình trạng thay đổi khí hậu”, thầy kết luận.
BẠCH LINH
“Nobel” của ngành giáo dục |