Từ ba năm nay, cầu thủ bóng đá kitô giáo càng ngày càng làm chứng đức tin của mình trên sân banh cũng như ngoài đời.
Đôi mắt xanh sắc bén, mái tóc chỉn chu, bộ râu tỉa gọn gàng: khuôn mặt của cầu thủ bóng đá Olivier Giroud nằm trên danh sách được giải lâu dài cũng như cánh tay dài của anh sẽ ở trên quầy báo ngày thứ năm 19 tháng 9. Nhưng không phải trên trang bìa của báo đá banh L’Équipe hay So Foot, mà trên trang bìa của tạp chí Jesus! Với tiêu đề hấp dẫn: “33 tuổi, tuổi của Chúa Kitô!” Trong các trang báo nói về Chúa Kitô và ảnh hưởng của Ngài trên văn hóa xã hội, chủ bút tiền vệ nói về tầm quan trọng của đức tin trong cuộc sống và sự nghiệp đá banh của mình: “Tôi có đức tin, tôi tin vào Chúa, tôi biết không có gì đến với chúng ta do tình cờ nhưng Chúa Giêsu đã có kế hoạch cho mỗi chúng ta”, anh giải thích trong số thứ ba của tạp chí, sau hai số đầu do nhạc sĩ Pascal Obispo rồi ca sĩ Arielle Dombasle làm chủ bút.
Lời tuyên xưng đức tin này không làm cho những người hâm mộ từng theo dõi anh ngạc nhiên. Kể từ năm 2016, anh đã càng ngày càng công khai tuyên xưng đức tin, và bây giờ trên tạp chí Jesus! anh càng xác nhận mình dùng sự nổi tiếng của mình để nói về đức tin. Vậy mà cách đây vài năm, anh chưa in dấu “kitô” vào mình. Khi còn nhỏ, anh theo mẹ đến nhà thờ tin lành và đi các trại của thanh thiếu niên kitô giáo. Nhưng khi bắt đầu sự nghiệp bóng đá và thời khóa biểu hạn chế của các trận đấu làm cho anh không có thì giờ đi nhà thờ.
Cô Cécile Thévenin, một người công giáo trẻ am tường bóng đá và là vận động viên trong đội nghiệp dư ở khu vực Paris giải thích: “Giroud chưa bao giờ che giấu mình là kitô hữu, nhưng anh không nói đến nhiều như bây giờ. Anh xâm câu Thánh vịnh số 23 bằng tiếng la-tinh trên cánh tay: ‘Chúa là mục tử của con, con không thiếu gì’ (Dominus regit me and nihil mihi Deerit).” Khi đó dưới mắt quần chúng, anh là hình ảnh của một người thân thiện, sống tốt, không phải là cầu thủ chướng kỳ nhưng cũng không phải là một người giữ đạo sốt sắng. Thực ra lúc đó cầu thủ Yohan Cabaye nói về đức tin công giáo của mình nhiều hơn, một chủ đề mà ít được các vận động viên Pháp nhắc đến.
“Một khoảnh khắc với Chúa Giêsu”
Nhưng vào năm 2016, tại giải Euro, một video của Liên đoàn bóng đá Pháp đề nghị dành “một ngày với Olivier Giroud” tại trung tâm huấn luyện Clairefontaine và công chúng thấy anh đang ở trong phòng đọc quyển sách có tựa đề “Một khoảnh khắc với Chúa Giêsu” và trích dẫn một câu trong Kinh thánh đặc biệt đánh động đến anh: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta” (Dt 12: 1). Nhiều người xem video đã phản ứng, các fan ủng hộ anh biết anh là tín hữu kitô. Anh xác nhận trong tạp chí Jesus! : “Trong các năm 2010 đến năm 2012, tôi đã nói về đức tin của tôi trong các cuộc phỏng vấn khi tôi chơi ở Montpellier nhưng lúc đó không có tác động quy mô như lần này.”
Cũng phải nói năm 2016, anh mới ở tâm điểm chú ý. Bị buộc tội trong vụ án tống tiền, tiền đạo Karim Benzema bị loại khỏi giải Euro 2016. Ông cáo buộc huấn luyện viên Didier Deschamps của đội The Blues đã “chịu nhượng áp lực của một nhóm phân biệt chủng tộc Pháp” và cuộc tranh cãi lớn dần. Olivier Giroud, người thay thế Benzema trở thành mục tiêu của những người ủng hộ ủng hộ Benzéma và bị một phần lớn công chúng bất mãn. Cô Cécile Thévenin theo dõi các trận đấu giải thích: “Có một cái gì đó bị hội tụ lại và rất dữ dội. Cực điểm là trong một trận đấu ở Nantes với đội Cameroon trước giải Euro, Giroud bị huýt sáo khi ghi bàn…”
Một cuộc gặp rất mạnh
Có phải trong thử thách này, anh đã đào sâu đức tin của mình? Tuy nhiên chính lúc này là lúc anh gặp mục sư tin lành trẻ tuổi Joël Thibault từ Rennes đến, mục sư cũng là người mê bóng đá và có bằng tốt nghiệp huấn luyện. Mục sư kể lại: “Điều làm cho tôi có ấn tượng là tôi chưa bao giờ nghe anh ấy nói bất cứ điều gì xấu về Karim Benzema. Tôi nhớ chúng tôi còn cùng nhau cầu nguyện để Chúa ban ơn lành và cho Benzema được bình tâm trong tình huống này, điều mà anh Giroud cảm thấy truyền thông thổi phồng quá mức.” Từ vài năm gần đây, mục sư có được đặc sủng tháp tùng về mặt thiêng liêng cho các vận động viên cấp cao, cùng với tổ chức Sport Chaplaincy, mục sư thành lập ban tuyên úy chính thức có mặt trong các câu lạc bộ lớn của nước Anh. Mục sư cho biết: “Trong các cuộc thi đấu quốc tế và trong các câu lạc bộ tôi làm tuyên úy, vai trò của tôi là thể hiện lòng trắc ẩn và lòng tốt với các vận động viên dù họ có là kitô hữu hay không. Họ thường chịu đựng đau khổ trong im lặng, chịu áp lực và đôi khi còn bị trầm cảm.”
Đồng thời mục sư đồng hành với một số vận động viên trong tư cách riêng. Từ đó mục sư tiếp xúc với Olivier Giroud. Mục sư Joël Thibault nhớ lại: “Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là trong trận bóng của đội Pháp ở Clairefontaine. Chúng tôi nói chuyện với nhau ba giờ, làm những người giữ an ninh cho anh tự hỏi không biết anh đi đâu! Anh đặt nhiều câu hỏi về Thánh Kinh, về đức tin và cần tôi cho ý kiến.” Đây là bước khởi đầu của một quan hệ được nuôi dưỡng, được thực hiện với các buổi thiền định qua WhatsApp, video nói chuyện, các dịp trao đổi và cầu nguyện. Theo mục sư thì Olivier Giroud phản ánh đúng cách khi chia sẻ đức tin của mình. Ngày 27 tháng 5 năm 2017, tại sân vận động Wembley, anh đoạt cúp nước Anh với câu lạc bộ Arsenal và mặc chiếc áo t-shirt trắng có hàng chữ “Ta là đường, là sự thật, là sự sống. Jesus.” Trong các cuộc phỏng vấn, anh khẳng định tầm quan trọng của đức tin trong cuộc sống và sẵn sàng “nói tối đa” về điều này.
Olivier Giroud, cầu thủ bóng đá kitô hữu
Các chứng từ này ở trong bối cảnh tôn giáo ngày càng có mặt trong lĩnh vực thể thao cũng như trong xã hội nói chung. Mục sư Thibault giải thích: “Trong bóng đá, có một cơ chế kép. Một mặt, người Brazil đã là tiền thân cho sự trỗi dậy truyền giáo ở đất nước của họ và họ lớn tiếng khẳng định đức tin của mình, kể cả trong các đội của họ ở châu Âu. Mặt khác, đạo hồi, dễ thấy hơn, đã trở thành tôn giáo số một của các vận động viên,” Tuy nhiên mục sư cảnh giác hiện tượng theo thời. Ông lo: “Không phải chỉ đeo băng-đô Jesus 100% hoặc xâm hình Chúa là thành tín hữu kitô. Một số người mê tín, một số dính vào các tập tục như khi đấu mặc cùng loại đồ lót. Tôi thấy nhiều vận động viên trích dẫn Thánh vịnh 23, “Chúa là mục tử của tôi, tôi không thiếu gì”, nhưng điều khiến họ quan tâm là: “Tôi không thiếu gì” chứ không phải “Chúa là mục tử của tôi!” Mục sư tự hỏi, có phải chúng ta có đến gần với Kinh Thánh, nơi Chúa Kitô là thực sự là Chúa, là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta không?”
Nâng đỡ các kitô hữu bị bách hại
Olivier Giroud vào đội Chelsea năm 2018, tại đây anh thường đi nhà thờ Anh giáo Saint-Barnabas. Bây giờ anh đọc các Thánh vịnh để đào sâu lãnh vực anh yêu thích này. Ông Pierre Chausse, giám đốc tạp chí Jesus! nhận thấy: “Nơi anh, đây là một dấn thân cụ thể và thực sự, chứ không phải duy nhất ở khía cạnh cầu thủ bóng đá. Nó khác với cách biểu lộ thuần túy làm cảnh, thậm chí là lạm dụng đức tin.” Tháng 5 năm 2019, tiền vệ Giroud tham dự một sự kiện lớn của tổ chức Phi Chính Phủ Cửa Mở do mục sư Joël Thibault đề xướng để giúp các tín hữu kitô bị đàn áp trên khắp thế giới. Một chính nghĩa anh tha thiết và anh muốn tham gia lâu dài.
Mục sư Thbault giải thích: “Rất nhiều người xin anh giúp đỡ, nhưng anh không thể đáp ứng tất cả. Anh thương cảm đến hoàn cảnh của những người bị bách hại và không có quyến phát biểu này”. Anh đã cho bán đấu giá một trong các áo cầu thủ của mình và đã thuyết phục cầu thủ hồi giáo N’Golo Kanté, đồng đội của anh ở Chelsea cũng làm như vậy. Tầm quan trọng của chứng từ này liên quan đến sự phát triển nghề nghiệp của anh. Cô Cécile Thévenin nhận xét: “Anh biết, anh chỉ có một ít thời gian và khi đã nghỉ hưu, anh sẽ không còn thu hút được nhiều người. Anh đang ở trên đỉnh, anh không có gì để mất.”
Trong lĩnh vực này, Giroud tiếp tục tỏa sáng. Cầu thủ xuất sắc tại World Cup bóng đá 2018 vì anh đã ra công phòng thủ dù không ghi bàn, nhưng năm 2019 anh khôi phục lại, anh là cầu thủ ghi bàn hàng đầu của giải Europa. Cô Cécile Thévenin nói: “Đây là câu chuyện gần như chuyện trong Kinh thánh về người thi đấu có thể thua và rồi đứng vực dậy. Mỗi lần như vậy, anh làm mọi người ngạc nhiên. Khi anh khôi phục, anh luôn ghi bàn và nơi anh công chúng thấy có một sự tin tưởng lớn lao. Một số người nói anh may mắn, nhưng tôi, tôi nói đó là một ơn.” Và anh nghĩ gì? “Tôi phải thú nhận, đôi khi tôi cầu nguyện ngay giữa trận đấu, dù chỉ vài giây, một chữ, hai chữ nhưng sau đó tôi cảm thấy được thanh thản. Và ai biết nếu, ở hiệp sau khi tôi chọn cắt ở trụ đầu tiên, sự lựa chọn này có phải là do Chúa trực tiếp truyền cảm hứng cho tôi hay không.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn Phanxico.vn