hommenouveau.fr, Linh mục tuyên úy quân đội Christian Venard, 2020-04-23
Tuyên úy quân đội, đã quen với hiện trường, an ủi các tang gia, linh mục Christian Venard là người đã quen với tử thần. Vậy mà…
Tôi đã chết ngày thứ tư 7 tháng 9 năm 2011.
Đã có một vài lần tôi cảm thấy lưỡi hái tử thần rất gần với tôi. Khi sáng sớm đến hiện trường, ở những nơi chiến tranh. Hấp dẫn và tàn nhẫn, hái đi tất cả trên đường đi của nó; trên máy bay trực thăng cửa mở; giữa tàn tích tro rụi ở Kosovo; nguy hiểm và thu mình trong các cánh đồng ở Afghanistan bí ẩn; trong tiếng động ồn ào và thơm ngát ở châu Phi xa xuôi hay vùng sa mạc cận Sahara… Theo tiếng gọi tận hiến đời mình, tự nguyện dâng lên Chúa, nếu có thể sẽ thoát được và lớn lên cao hơn! Và vẫn còn giữ được đức tin, đức cậy, đức ái. Tâm hồn hiến dâng của một người được rửa tội, hơn nữa của một linh mục. Lạy Chúa, con xin dâng Chúa đời con cho đến hy sinh cuối cùng, với niềm vui bởi vì sẽ là ân sủng khi sống trong nghịch lý này của tình yêu: hiến mạng sống mình cho người mình yêu!
Trong ngây thơ của một linh mục tuyên úy quân đội trẻ, đã một lần ở trong lửa, tôi nghĩ tôi đã thuần với tử thần, cái chết đã trở thành quen thuộc với tôi. Nhưng ngòi chích đau đớn của nó tôi cảm nhận không phải ở các vùng đất xa lạ, xa xuôi đẫm máu vì các cuộc xung đột, nhưng tại đây, tại nước Pháp của tôi. Lần đầu tiên, đáng sợ hơn nữa khi người bạn thơ ấu của tôi qua đời, tôi đã chủ tế hôn lễ của anh, thiếu tá Thibaut Miloche, anh đã chết anh hùng ở Afghanistan. Cha chúng tôi học cùng lớp ở trường quân đội Saint-Cyr: Đất Phi châu! Tại đó, trước quan tài mở của anh, cầm tay hai con của anh ở nhà quàn Batignoles, mà sau này tôi biết là nhờ anh, nơi đã quàn người em ruột đi lính của tôi, các cháu mà tôi tháp tùng. Ở đó, tử thần, cái chết đã cho tôi thấy các mong manh riêng của tôi, vạch ra cho tôi thấy sự tàn phá nó có thể gây ra. Ở đó, tử thần gạt đi các xác quyết của tôi, đột nhập vào tâm hồn tôi để lại một lỗ hỗng không thể tưởng tượng được. Sau đó tôi đã thấy người chết… Tôi đã tháp tùng người thân, trẻ em, người vợ, người anh, người chị, người cha, người mẹ… Lòng tôi vẫn thường khóc khi các gương mặt này, các đau đớn này ùa về dù tôi muốn quên đi.
Cái chết đã đánh gục tôi một sáng tháng 9 năm 2011. Cầm tay lái mà theo lẽ là chồng của Sandra, vợ của Valéry Tholy lái, anh vừa chết vài giờ trước đây trong cuộc chiến ở Afghanistan, tôi đến trường ba đứa con của anh: chín, bảy và năm… Tôi chết trân trước cảnh tượng không thể chịu nổi, Sandra ngã gục xuống đất ở ngôi trường Montauban, ba đứa con nằm úp trên người mẹ. Tôi muốn chết thay cho Valéry. Tôi muốn cho Chúa tất cả để Ngài đem anh về đây, bây giờ – và xin Chúa nhận tôi thay cho anh. Một bất lực khủng khiếp đã không được chết thay cho Valéry. Tử thần đã thắng và nếu thể xác tôi còn sống, thì trong tâm trí tôi, cái chết đã có chỗ. Bây giờ tôi đã có một trước và một sau biến cố này. Sau mặc cảm tội lỗi, sau sự ngây thơ ban đầu đã vỡ, từng chút một thất vọng lấn chiếm tâm hồn tôi.
Cũng ở Montauban, cầm tay các đồng đội của tôi đang trút hơi thở cuối cùng, Abel Chennouf và Mohamed Legouad bị tên sát nhân khủng bố Merah sát hại. Tử thần ở đó, người bạn trung thành, phát sinh từ sự điên rồ ác ý của người có tâm trí xáo trộn theo một tôn giáo không được hấp thụ đúng, là tác giả âm thầm trên đất Pháp này… Tôi đã chết: trong vô thức tôi nghĩ tôi đã chế ngự được nó! Một phán đoán sai lầm. Từ đó, với sự kiên trì của nó, tử thần tiếp tục làm công việc hủy hoại nội tâm tôi. Chỉ có ân sủng của đức tin thừa hưởng của tổ tiên, của rất nhiều tình thương bạn bè, ý thức trách nhiệm sâu sắc phải thực hiện, một tiếng tăm truyền thông khiêm tốn giúp tôi đứng vững không bị ngã gục, để làm chứng cho sự hy sinh của các bạn chiến đấu.
Trong các tháng gần đây, ban tuyên úy công giáo quân đội dủ lòng tội nghiệp tôi, buộc tôi phải đi bác sĩ tâm thần trong quân đội. Từ đó tôi được chữa trị, bắt buộc nghỉ ngơi, bắt phải rút lui để “ổn định tinh thần”… Nhưng tâm hồn tôi vẫn đau khổ khát khao muốn gặp những người tôi đã gặp. Lời bài hát “Nó không dự trù trước, nó đến” (Ça ne prévient pas, ça arrive) của nữ danh ca Barbara thống thiết vang vọng trong tai tôi:
Nó đến từ xa
Nó đi từ bờ này qua bờ kia
Tiếng nói nơi khóe miệng
Rồi một sáng, khi thức dậy
Gần như chẳng còn gì
Nhưng nó ở đó, nó làm mình thiu thiu ngủ
Ruột thắt quặn
Cái ác của sự sống
Cái ác của sự sống
Phải sống với nó…”
Dù muốn dù không, sống để chết với nó. Trong quyển sách danh tiếng Con đường mấy ai đi của nhà tâm lý học Mỹ Scott Peck, ông đã viết Đời là khó khăn. Mỗi ngày phải lặp đi lặp lại nhiệm vụ gay go, phải sống với chân trời duy nhất là chân trời Đức tin: rồi thì Ngài sẽ đến tìm tôi, để tôi được Bình an. An nghỉ Bình an! Ôi, xin Chúa Giêsu hãy đến!
Viết để tưởng niệm những ai tôi đã tháp tùng trong cái chết và để làm chứng, cái chết tâm lý không phải là một vết thương vô hình của những người chiến đấu! Nhưng nhất là, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 khủng khiếp này để vinh danh những người chiến đấu với cái chết và đối diện với nó mỗi ngày, các nhân viên làm việc ở bệnh viện, các bác sĩ, y tá, các lực lượng an ninh, những người làm việc trong bóng tối, những người làm việc cho anh em mình và cho Tổ quốc.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: phanxico