Icon Collap
...
Trang chủ / Tuổi 100 thánh đức

Tuổi 100 thánh đức

Nép mình sâu trong cánh cửa tu viện Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng là nhà hưu của các sơ thuộc ba tỉnh dòng Chúa Quan Phòng tại Việt Nam: Cần Thơ, Cù Lao Giêng, Tây Nguyên. Nơi đây, có 93 sơ đang hưu dưỡng. Sau một đời miệt mài phục vụ, các nữ tu ở cả ba tỉnh dòng đều quay về chốn này bởi Cù Lao Giêng chính là cái nôi của dòng Chúa Quan Phòng trên mảnh đất Việt. Nhà hưu hiện có hai sơ đi qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy” rất xa… ! Năm. 2021, một sơ 100 và một sơ 102 tuổi

thánh đức, Tuổi cao niên thánh đức

Nữ tu Marie Xavier Trương Thị Duy, 102 tuổi

Dẫn chúng tôi đi vào nội vi nhà dòng, chị Marie Denise Ngọ Thị Hai, nữ tu – y tá của nhà hưu hào hứng giới thiệu như thế. Khu vực nhà hưu trông ấn tượng bởi sự yên ả. Màu rêu phủ đầy trên các bức tường vô tình chứng tỏ độ dày của thời gian. Bước vào nhà nguyện, được nghe lời kinh râm ran, thiêng thánh, tự nhiên chúng tôi – lũ người phàm tục bỗng thấy “lây” một chút thánh thiện từ các sơ. Rồi không ai bảo ai, mọi người tạm ngừng cuộc nói chuyện, lặng im hướng mắt về bàn thờ. Tiếng kinh vang lên đều như thể các bà đã tập dượt hàng trăm lần để chuẩn bị cho một dịp trọng đại nào! (Nói vậy, chứ thật ra trong tâm chúng tôi biết, đời các sơ gắn mình với thánh ca, thánh vịnh, thành thử có thấy sốt sắng cũng là chuyện đương nhiên).

 thánh đức, Tuổi cao niên thánh đức

Chị Hai cho biết nơi ở của các sơ hưu được chia thành các khu riêng theo tình trạng sức khỏe. Các sơ mới hưu, tự phục vụ được thì bố trí chung, kế đến là các sơ yếu hơn một chút và còn lại là các sơ bệnh nặng. Mỗi phòng trung bình khoảng 4 – 5 người, tùy. “Ngoại 102 tuổi và ngoại 100 tuổi vẫn còn khỏe lắm! Hai ngoại ngồi xe lăn, có thể làm các việc cá nhân được”, chị Hai kể. Khi nghe chị nói “ngoại”, tôi nhẹ chau mày. Rồi tôi hiểu ở đây, các nữ tu gọi các sơ cao niên là ngoại. Danh từ nghe sao dễ thương mà lại đậm chất đời! Tan kinh. Các ngoại đi ra. Những dáng người vừa khác nhau mà vừa giống nhau, chầm chậm, nhẹ nhàng. Có ngoại khỏe thì dìu ngoại lụm khụm. Các ngoại ngồi xe lăn vẫn có thể tự một mình đẩy xe, chỉ số ít phải cần sự trợ giúp của các sơ trẻ.

Mọi buổi chiều, sau giờ kinh Lòng Chúa Thương Xót, các sơ hưu dùng cơm. Ngoại 102 tuổi đút cơm cho ngoại 100 tuổi. Ðã mấy năm nay đều như vậy! Hình ảnh sơ Rodriguez Ðặng Thị Hoa Hồng (100 tuổi) ngồi khoanh tay để sơ Marie Xavier Trương Thị Duy (102 tuổi) chăm sóc, đút từng muỗng cơm ân cần, từ tốn, đập vào mắt tôi, trong một giây, tôi thấy mình như bị xẹt điện. Chị Hai đứng sau nói kèm, các ngoại hết mực yêu thương nhau. Chị thì thầm, chính chị – một nữ tu trẻ của dòng đã được đánh động rất nhiều từ chân dung hai cổ thụ này. Các ngoại là những tấm gương. Chỉ riêng chuyện lo lắng, đút cơm thôi đã thấy được lòng nhiệt thành quảng đại và một trái tim hết lòng khiêm nhường đón nhận. Sức khỏe ngoại Hoa Hồng yếu hơn. Ngày ngày, ngoại Duy đều đến vào giờ ăn, hai buổi sáng chiều. Xong xuôi, ngoại Duy có khi còn đút cơm cho các sơ khác nữa… Nữ tu Anna Hồ Thị Hạnh, bề trên Giám tỉnh chia sẻ hai ngoại đều vui tính, hiền lành và luôn sống tinh thần tự phục vụ: “Các ngoại không phiền ai, dễ chịu, vui vẻ với mọi người. Những chuyện nào nằm trong tầm tay mình là tự làm hết”. Nhà dòng cũng có các hoạt động giữ bầu khí vui tươi cho các sơ hưu chung. Vào các dịp lớn như Giáng Sinh, kỷ niệm khấn dòng hay lễ tết, những nữ tu trẻ dày công chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, giải trí, mừng các ngoại.

thánh đức, Tuổi cao niên thánh đức

Trở về hưu vì vốn dĩ đó là quy luật của đời người. Ði qua những năm tháng đủ dài dấn thân, tin chắc các sơ đã hết mình cống hiến. Ngoại Hoa Hồng là người con của vùng Tân Hương, Sài Gòn. Lúc khỏe, sinh hoạt ở cộng đoàn Hai Bà Trưng, TPHCM, có dịp thăm nhà, bà cho biết thường tự đạp xe về, phần do thích đi xe đạp, rèn luyện sức khỏe, phần vì thân thiện với môi trường. Ngoại còn được nhiều người biết đến bởi tài nấu ăn ngon. Bà sành sỏi các món ăn Tây và chuyên đóng vai trò đầu bếp vào các dịp lớn, phục vụ nhiều người. Ở tuổi 100, ngoại vẫn minh mẫn, nhớ rõ và huyên thuyên về các món ăn mỗi khi có ai đó hỏi. Dù sức khỏe không như trước, phải nhờ các sơ khác giúp tắm rửa, song, ngoại cố luyện tập mỗi ngày vận động trong khoảng thời gian ngắn cùng với các sơ chị em. Chúng tôi hỏi ngoại bây giờ xin gì cùng Chúa, bà đáp khẽ: “Xin cho được lòng kính mến Chúa trọn đời và luôn mang tâm tình tạ ơn Chúa. Chúa đã thương gìn giữ, để sống tới giờ phút này!”. 

Bài đọc thêm: “Con đường thơ ấu” của các nữ tu bị bệnh Down

Ngoại Duy cũng tâm sự hiện tại xin cho được lòng đạo đức, yêu Chúa tha thiết hơn và: “Xin cho đôi mắt được nhìn thấy tới khi chết để thấy đường đọc kinh!”. Những tâm tình hết sức thánh thiện, đơn sơ. Chị Hai cho hay, trước đó, sơ có bệnh nhẹ một chút và bị tai nạn rồi trật khớp chân. Trong hội dòng lúc này, bà như cánh chim đầu đàn. Ngoại luôn luôn đúng giờ ở các hoạt động, sinh hoạt chung, nhất là không bao giờ bỏ giờ nguyện kinh. Có lần bệnh, không tham dự Phụng vụ được, bà nằm trên giường buồn thiu. Các sơ trẻ thuật lại, khuyên dưỡng bệnh, cầu nguyện riêng với Chúa vì “Chúa ở khắp mọi nơi”, nhưng bà không chịu, bà muốn hiện diện trong thánh lễ để chiêm ngắm Chúa qua Bí tích Thánh Thể… Tuổi cao là vậy, song, ngoại là người xướng kinh cho cộng đoàn đọc trong các giờ nguyện ngẫm. Ngày 8.12.2020, ngoại kỷ niệm 80 năm khấn dòng. 80 năm quả là hồng ân không tưởng! Thời trẻ, trong số các bài sai, ngoại từng có thời gian dài phục vụ ở Nam Vang, lái xe hơi cho nhà dòng, chuyên chở các chuyến hàng từ thiện cho trẻ em nghèo. Nhớ lại, ngoại bảo mình thương trẻ con nghèo nhiều và thật sự luôn muốn giúp đỡ cho chúng. Ở ngoại toát lên sự phúc hậu. Nụ cười tươi tắn của sơ là điểm thu hút để khi được dịp chuyện trò cứ muốn nói mãi không thôi.

Tuổi 100 thánh đức, Tuổi cao niên thánh đức

Sau lễ, các ngoại cùng nhau tập thể dục, ăn sáng… Một ngày sau một đời tận hiến đó đây vẫn có điểm đặc biệt đáng trân quý, phần nhiều trong ngày các sơ đọc kinh, cầu nguyện. Cả ngoại Duy và ngoại Hoa Hồng vẫn đọc được sách báo, các tài liệu. Trên xe lăn, các ngoại điềm nhiên, tay cầm tràng hạt Mân Côi sốt mến.

Bước vào nhà hưu lòng tôi thật sự bình an và khi tạm biệt các ngoại, lòng lại càng thấy an bình. Tuổi già bên trong cánh cửa tu viện đầy ấm áp. Tôi vẫn nhớ lời dặn của hai ngoại, siêng năng đọc kinh và “cầu nguyện cho nhau nhé!”.

Nguồn: cgvdt.vn

Bình luận
error: Content is protected !!