Sau khi tôi tốt nghiệp cấp III, chúng tôi ao ước dâng hiến đời mình trong ơn gọi tu trì.Tôi tham gia tìm hiểu Dòng Tên, còn anh chọn theo linh đạo Phan Sinh. Sau đó, vì một lý do nào đó khiến anh chuyển hướng. Rồi anh tiếp tục dấn thân ơn gọi đời mình trong ơn gọi Dòng Tên và thế là tôi lại được sống chung một nền linh đạo với anh.
Đến năm 2016, tôi tạm rời xa mọi người và cả anh- người bạn thân chí cốt- để bước vào Nhà Tập. Sau 2 năm, tôi tuyên Khấn Lần Đầu. Khi nói chuyện với mọi người và không quên hỏi thăm thông tin của anh, tôi biết rằng anh cũng đã chuyển hướng để chọn một cuộc sống mới. Vâng, đường ơn gọi của anh khá lận đận và gập ghềnh vì cuộc sống vốn dĩ chẳng có một mẫu số chung nào cho tất cả mọi người cả.
Hôm nay gặp lại anh, tôi nhận ra trên nét mặt của anh đã dần phai đi sự vô tư, ngây thơ thuở nào mà dần thay vào đó là sự dạn dày của sương gió và cả nỗi lo cho cơm, áo, gạo, tiền. Sau khi anh chọn đời sống mới, anh đã phải vất vả nhiều để mưu sinh. Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện đã xảy ra. Anh kể cho tôi nghe về đời sống “độc thân vui tính” và cuộc sống ở khu trọ của anh. Tôi lại kể cho anh nghe về đời sống học tập và những niềm vui nho nhỏ trong đời sống cộng đoàn hiện tại. Chúng tôi cũng ôn lại những kỷ niệm đẹp thời còn ở xứ quê.
Anh thở dài rồi nói một câu vô cùng chân tình khiến tôi chợt bừng tỉnh như người đang giữa cơn mê rằng “Tao nghĩ là làm gì thì làm, cái mác tu sĩ đôi khi cũng là một điều tốt” rồi anh đưa mắt nhìn xuống ly cà phê đen vẫn còn đọng nguyên lớp đường trắng dưới đáy. Chắc hẳn với anh lúc này thì vị đắng của cà phê cũng cùng vị với cuộc đời anh vậy.
Cơn gió thu bất chợt ghé ngang qua chỗ chúng tôi ngồi và nó dường như cũng mang đến nhiều nỗi niềm ưu tư khiến anh trầm ngâm, tư lự. Anh chia sẻ với tôi về đời sống trong những ngày đầu khi anh quyết định không theo đuổi đời sống tu trì nữa. Sự thất vọng, chán nản bao chùm lấy tâm hồn vốn nghệ sĩ, bay bổng của anh và dường như mọi thứ xung quanh đang nhất nhất quay lưng lại. Với anh, thật khó mà vượt qua cảm giác bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời đang trôi đi như vô tình trong khi những điều mà tưởng chừng như mình đã nắm trong tay thì nay theo con gió đầu mùa bay xa nơi tít tắp cách đột ngột. Lúc còn tìm hiểu, còn “đi tu” thì ai cũng muốn giúp, cũng muốn săn đón nhưng nay lại “xa rồi diễm ơi”
Tôi thắc mắc lắm chứ và muốn hỏi lý do tại sao anh lại nói như thế mà sao cố họng cứ nghèn nghèn không dám hỏi. Và rồi anh cũng giải thích thêm để tôi bớt ngộp thở. Số là từ khi anh thông báo rằng mình không đi tu nữa, anh đã mất đi không ít những mối tương quan mà vốn dĩ trước đây anh coi đó là chỗ thân thiết. Những người xưa kia đon đả đón tiếp anh như “thượng khách” thì nay lại trở nên những gương mặt “xã giao” làm anh ngán đến tận cổ.
Đó là không chỉ là câu nói từ chính những cảm nghiệm thực mà anh đã và đang phải trải qua khi chuyển từ cái người ta gọi là “thầy” sang một cuộc sống mới hơn. Từ câu nói của anh cũng khiến tôi ngẫm nghĩ nhiều về cuộc sống hiện tại của mình.
Điều mà anh bạn của tôi chia sẻ cũng đáng cho tôi suy nghĩ lắm chứ! Tôi cứ suy nghĩ mãi về “Cái mác tu sĩ” và cố tìm hiểu xem nó là gì? Với tôi, thì cụm từ ấy thường chỉ đến những con người dấn thân trong đời sống ơn gọi và dưới danh xưng là “Thầy”, là “Sơ” như một chức danh.
Quả thật, từ khi tôi thấy lòng mình khao khát dâng đời mình cho Chúa, dường như tôi chưa mảy may nghĩ rằng mình sẽ làm gì vĩ đại sau này và tôi cũng chẳng ước mong người khác phải chào mình là “Thầy”. Tôi chỉ ước mong rằng mình được sống cho Chúa trong từng việc nhỏ nhặt của cuộc sống giản đơn, tôi được sống với Chúa trong cầu nguyện và tình huynh đệ, tôi cũng được dấn thân cho Chúa qua những người nghèo và các công việc của Dòng trao phó. Thế nhưng, như anh bạn tôi nói, đôi khi “cái mác tu sĩ” vẫn lờ mờ đâu đó trong đời sống thường nhật của mình.
Có lẽ rằng nếu người ta biết tôi là tu sĩ thì tôi sẽ dễ nhận được những ưu đãi hơn người khác. Ngay chính kinh nghiệm của mình khi ngồi đợi trong một tiệm sửa xe máy. Ban đầu, tôi mang xe máy đến cho anh thợ sửa giúp vì máy cứ bị tắt hoài. Vì nghĩ rằng tôi không vội nên anh thợ cứ làm cho người khác, còn tôi mãi ngồi đọc cho xong cuốn sách mà quên để ý xe mình đã được sửa chưa. Hơn mười lăm phút sau, tôi thình lình nghe tiếng gọi tên mình từ trong nhà vọng ra, nhìn lên thì tôi thấy anh chủ đã đứng ngay trước mặt. Nói chuyện, chào hỏi một lát thì anh biết tôi đi sửa xe mà đợi nãy giờ chưa xong. Dĩ nhiên, sau cuộc trao đổi ngắn đó, tôi thấy anh chủ tiệm nói nhỏ với cậu thợ gì đó rồi vào nhà. Mười phút sau, xe tôi được sửa xong với hóa đơn tính tiền là 0 đồng.
Nhưng đâu phải đi tu là tìm những ưu đãi như thế. Nếu tu sĩ luôn tìm kiếm cơ hội để được ưu đãi, để bản thân mình luôn được tiếp đón cách trịnh trọng thì có lẽ đã đi ngược lại với đoan nguyện của một tu sĩ mất rồi. Điều anh bạn của tôi nói quả thật rất khó có thể nói hết thành lời. Bởi lẽ, không ít người nghĩ rằng tu sĩ như những vị “thánh sống”, đức độ và tri thức vì sống gần Chúa, luôn có tương quan mật thiết với Chúa hơn họ là những người sống ở đời nên có sự tiếp đãi khác với người khác. Khi còn ở Nhà Tập, tôi được dạy rằng người giáo dân chào tôi là “Thầy” không phải vì tôi mà là vì họ nhận ra được hình ảnh và bàn tay của Chúa đã và đang mời gọi tôi đi cùng con đường để làm thế giới tốt đẹp hơn nên họ mới chào “Thầy”. Một người bạn thời đại học của tôi đã chia sẻ trong ngày tôi tuyên khấn Lần Đầu rằng đời tu rất đẹp vì những bước chân của người tu sĩ vô cùng âm thầm, lặng lẽ. Trong khi bạn bè của mình đã trở thành ông này bà nọ ở trong những công lý lớn hay có những cơ hội thăng quan tiến chức thì những tu sĩ vẫn trầm mình trong những nếp sống của đời dâng hiến. Bản thân tôi cũng cảm nhận vẫn còn đó những khó khăn, thách đố trong đời sống dâng hiến của mình nhưng không thể không vượt qua.
Lời nói của anh bạn của tôi mang một nỗi đau mà chỉ có anh mới hiểu hết. Tôi cũng xin cảm ơn anh vì lời nói ấy, nhờ điều mà anh gọi là “Cái mác tu sĩ” để bản thân tôi ý thức rõ đời sống mình không phải là nơi để tìm kiếm danh vọng và quyền lực hay bất kỳ một ưu đãi nào cho mình cả nhưng cuộc sống mà tôi đã chọn là một đời sống của một tu sĩ nhỏ bé bước theo chân Chúa Giê-su vác thập giá chứ không chỉ đeo trên mình những “cái mác” mà thôi. Cảm ơn anh bạn của tôi!
Sài Gòn, ngày 18 tháng 11 năm 2018
JB Nguyễn Phi Long, S.J.
dongten.net