Kiến trúc sư của những sinh linh bé nhỏ
Dọc dài mảnh đất Tánh linh – Bình Thuận bao la tình người với những dãy đồng bằng phù sa màu mỡ được tôn tạo từ những quả đồi cao vút tầng mây, giữa cái vô biên ở chốn bồng lai ấy, tình người tình đời vẫn còn chút gì là bất diệt cho ngày mai. Chúng tôi muốn nói đến những hoạt động bác ái xã hội mà các anh chị giáo lý viên – ban bác ái giáo xứ Đức Tân đã âm thầm thực hiện suốt một năm qua mà đặc biệt hơn cả là xây cất những phần mộ cho các sinh linh bé nhỏ “đã bị bỏ rơi”.
Với phương châm ” Anh em hãy làm ánh sáng và muối ướp cho trần gian” và thực thi lệnh truyền của Chúa Giê-su là ” Các con hãy yêu thương nhau, như thầy yêu thương các con”. Bởi lẽ đó, các anh chị giáo lý viên giáo xứ Đức Tân không chỉ thao thức với mục tiêu thăng tiến tâm hồn qua từng ngày sống mà họ cùng xắn tay áo lên để đem tình yêu Giê-su đến với cuộc đời qua việc thực hành bác ái. Chú Inhaxio Đoàn Thanh Thảo ( Trưởng ban bác ái) chia sẻ với chúng tôi như sau: ” Ai cũng biết xã hội Việt Nam hiện tại đang là một cường quốc phá thai, các em ấy là những con người có nhân vị, thế mà người ta lại đành bỏ rơi các em như những rác thải y tế, các em đã không được sống, được yêu thương, đau lòng khi thấy cảnh tượng ấy và mang một nỗi thao thức muốn cho các em có một nơi yên nghỉ an bình trong Chúa, thế nên trong suốt mùa chay 2019, ban bác ái đã thực hiện được 3 chuyến đi đem các em thai nhi về chôn cất tại ” nghĩa trang sự sống” thuộc khu Đất thánh của giáo xứ”.
Được sự chỉ dẫn của chú Thảo, chúng tôi men theo lối mòn vào nghĩa trang, một khu đất nhỏ nhắn với khoảng 30 phần mộ cho các thai nhi hiện lên trước mắt chúng tôi. Dòng chữ trên bức phù điêu như đánh động con người thời đại ” Dù cho cha mẹ có bỏ con nhưng ta không bỏ các con”, chú thảo cũng ngậm ngùi chia sẻ thêm ” Các em được bỏ trong một cái hộp nhựa, nhiều em đã thành hình, có em bị nạo hút đến độ tan nát cả người, liệm các em trong những chiếc tiểu nhỏ mà nó cứ như nhìn vào mắt mình với một sự đau đớn mong muốn được sống, tôi không cầm được nước mắt” . ” Nghĩa trang sự sống” là một nốt lặng thức tỉnh con người hãy chung tay xây dựng một nền văn minh tình thương và hãy bảo vệ sự sống. Trong tương lai, nghĩa trang sẽ được xây theo mô hình bàn tay giống như khu đất dành cho các thai nhi của Cha Nguyễn Văn Tịch – Giáo xứ Bắc hải ( Biên hòa). Biểu tượng bàn tay mang ý nghĩa nâng đỡ, chở che của Thiên Chúa, của những người đã can đảm đón nhận các em đối nghịch với bàn tay đã kéo các thai nhi ra khỏi cuộc đời, đã cắt đi mầm sống đáng ra các em phải được hưởng như chúng ta đã đang được hưởng.
Đều đặn, vào những ngày cuối tháng, ban bác ái đem các em về, tiến hành tẩm liệm tỉ mỉ, cẩn thận. Các em được mặc những tấm áo mới, được chăm sóc, vỗ về, được sưởi ấm bởi những tấm lòng nhân ái. Vào Chúa nhật hôm sau, các em được dâng một thánh lễ cuối cùng của mình và được chôn cất tại nghĩa trang xứng đáng như một con người. Việc chôn cất thực hiện theo quy trình an toàn, chặt chẽ, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Con số 30 thai nhi đang được chôn cất tại nghĩa trang sự sống đang tăng lên từng ngày, nó chỉ là một phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm và đã thực sự dóng lên hồi chuông báo động tình trạng nạo phá thai đối với giới trẻ hiện nay. Các bạn chỉ vì một phút ham vui để rồi không đủ can đảm đứng ra giải quyết dẫn đến chối bỏ trách nhiệm, các em bị tước đi quyền sống trong vô cảm. ” Có nhiều thai nhi bị tiêm thuốc nhằm làm chết ngay trong lòng mẹ, để dễ dàng ra khỏi người mẹ. Khi thu nhận các em chỉ còn là những bịt máu thật đáng thương, chẳng lẽ con người vô tâm vậy sao” Chị Huỳnh N tâm sự. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nạo phá thai, nhưng bất cứ ai đi đến quyết định chối bỏ một thai nhi vô tội là một hành động không thể bào chữa. 30 em chỉ là con số vô tri cho một vùng đất Tánh Linh đơn điệu nhưng nó vẫn là hồi chuông cảnh tỉnh mà chúng ta mãi nhói lòng khi nhắc đến.
Là mỗi Ki-tô hữu, chúng tôi không dám phán xét hay tự hào gì hơn, ” chúng ta hãy cầu xin ơn can đảm cho những người đang có ý định phá thai, và xin lòng thương xót của Chúa tưới mát tâm hồn đau khổ của những người đã lầm lỡ phá thai, hãy để trái tim và lý trí biết lắng nghe nhau vì các em chính là hình ảnh của Đức ki-tô nơi trần gian, Isaia có viết ” Ta đã khắc tên con trong lòng bàn tay của ta”.” – Chú Thảo nhắn gửi. Và theo PGS – TS Huỳnh Văn Sơn trưởng khoa tâm lý – Đh sư phạm tp Hồ Chí Minh cho biết ” Để tháo bỏ nút thắt này, điều cơ bản trong mỗi gia đình có người trong cuộc không may có thai ngoài ý muốn cần có cái nhìn đúng đắn nhằm động viên, đón nhận các em lấy lại thăng bằng tâm lý, trở lại với cuộc sống”.
NHỮNG CHUYẾN HÀNH TRÌNH KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
Cũng trong chuyến thăm ấy, chúng tôi được tháp tùng với ban bác ái – giáo lý viên đi phát cháo từ thiện ở bệnh viện Tánh Linh và thăm nhiều hoàn cảnh khó khăn trong giáo xứ. Chú Thảo đã chia sẻ thêm về quá trình hình thành và phát triển của ban bác ái trong suốt năm vừa qua mà tràn đầy niềm tin và hy vọng. Dẫu biết rằng khó khăn luôn bủa vây phía trước nhưng nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa và sự góp sức của bà con giáo dân, các chuyến đi thiện nguyện tiếp tục được thực hiện như một cử chỉ đem tình yêu của Chúa Ki-tô đến với mọi người không phân biệt tôn giáo, xã hội. Đôi lúc các chuyến đi ấy lại là những phần tiền nhịn ăn quà của các em thiếu nhi bỏ vào heo đất bác ái, đôi lúc nó là những buổi chiều đi gom chai nhựa , giấy vụn của các em huynh trưởng, đôi lúc đó là những cuộc gọi từ xa của các nhà tài trợ,… Nhìn lại quãng đường đã qua, mọi người trong đoàn đều chỉ thốt lên một câu ” Tất cả là hồng ân”.
Xin cám ơn các anh chị vì những công việc bác ái mà các anh chị đã làm và sẽ làm, các anh chị là một minh chứng cho tình yêu Giê-su giữa cuộc đời, ước mong tinh thần nhân đạo ấy tiếp tục được lan tỏa đến mọi ngõ ngách của đời sống. Xin chúc các anh chị được tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa.
Trần Phúc
Nguồn:baoconggiao