Quả thật xét theo tâm lý bình thường của con người, cha mẹ nào lại không đau khổ khi biết đứa con trong bụng mang dị tật. Nhiều cha mẹ đã không thể chấp nhận một đứa con sinh ra bị dị tật nên mạnh dạn đi phá thai vói một lý do xem ra rất hợp tình hợp lý: tội nghiệp cho nó sau này. Luân lý Công giáo tuyệt đối bác bỏ mọi hình thức phá thai vì những lý do ưu sinh (có nghĩa là loại bỏ những thai nhi dị tật, chỉ giữ những thai nhi khoẻ mạnh), coi đó chỉ là những hình thức giết hại trẻ vô tội.
Hơn nữa, có chắc rằng sau khi loại bỏ thai nhi như thế, các cha mẹ có yên lương tâm không, bởi dầu sao, đó cũng là con của mình, máu mủ của mình? Làm sao yên lương tâm được khi biết phá thai là một tội ác, bởi tự bản chất của việc phá thai là xấu, trực tiếp loại trừ sự sống của một người vô tội là một hành vi xấu xa tự bản chất.
Giáo Hội luôn khẳng định: phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm (Hiến chế Giáo Hội trong Thế giới ngày nay số 51). Cho dầu thai nhi có bị dị tật thì đó cũng là một con người, Giáo Hội dạy: “Cần phải tôn trọng sự sống con người ngay từ khi bắt đầu quá trình sinh sản. Từ khi trứng thụ tinh, đã có một sự sống mới bắt đầu, không phải của cha, cũng không phải của mẹ. Đúng hơn đó là sự sống của một con người mới sẽ được phát triển riêng. Sự sống ấy sẽ không bao giờ trở thành người được nếu đã không là người” (Thánh Bộ Giáo Ly Đức tin, Tuyên ngôn Về việc phá thai. III.12.).
Việc siêu âm thai là cần thiết để theo dõi sự phát triển và tình trạng sức khoẻ của thai nhi và để kịp thời tìm cách cứu chữa nếu thai nhi có vấn đề sức khoẻ, nhưng không vì đó mà loại bỏ thai nhi nếu như thai nhi bị dị tật. Có một diều các mẹ cần lưu ý, mặc dù siêu âm giúp các bác sĩ phát hiện sớm các dị tật ở thai nhi nhưng không có nghĩa là chính xác 100%, có nhiều trường hợp, khi bé được sinh ra bác sĩ mới phát hiện dị tật ở bé.
Là Kitô hữu chúng ta phải luôn tôn trọng phẩm giá của con người, dù con người đó lành lặn hay dị tật. “Phẩm giá nhân vị phải được công nhận nơi mọi hữu thể nhân linh từ khi thụ thai cho tới lúc chết. Nguyên tắc nền tảng này nói lên thái độ hết sức kính trọng đối với sự sống con người và nguyên tắc ấy phải chiếm vị trí trung tâm trong suy tư đạo đức về nghiên cứu y-sinh học, vốn có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong thế giới ngày nay” (Thánh bộ Giáo lý Đức tin, huấn thị về Phẩm giá con người, số 1).
Anh chị hãy can đảm đón nhận em bé khi nó được sinh ra, và hãy tạ ơn Chúa vì nó là mầm sống được Chúa tạo thành, và những gì đến từ Thiên Chúa đều tốt đẹp. Điều tôt đẹp ở đây không được định lượng bởi tiêu chí của con ngừoi, nhưng bởi tiêu chí của Thiên Chúa. Vâng, Ngài là Cha nhân lành, luôn ban những điều tốt lành cho con cái. Có lẽ anh chị sẽ đặt câu hỏi: tại sao anh chị xin một đứa con xinh đẹp, anh chị lại nhận đứa con bị Down? Anh chị còn nhớ lời Chúa nói: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bá nh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? (Mt 7, 9-11). Vì vậy, không thể coi đứa con bị Down đó là hòn đá hay con rắn được, nhưng đó là hồng ân của Thiên Chúa, một hồng ân không thể nhận ra bằng con mắt phàm trần, nhưng bằng chính con mắt đức tin. Xin Anh chị nhớ lại lời Thánh Phaolô: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cor 1, 22).
Anh chị thân mến, tôi tin rằng với lòng đạo đức có sẵn, anh chị sẽ không thất vọng, nhưng trái lại, anh chị nhận ra đây là cơ hội để thể hiện sự kiên vững trong đức tin và sự tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa là Cha đầy nhân ái, một người Cha luôn mong muốn sự tốt lành cho con cái.
Nguồn: ductinjesus.com