Mùa thu khi bầu trời trong veo, xanh thẳm và bao la. Những dải mây mỏng như những chiếc khăn voan vắt ngang bầu trời. Trong không khí ngày tĩnh tâm và thánh lễ cầu nguyện cho mỗi người, cách riêng là hội viên của hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.Tạm gác lại bận rộn của công việc, đúng 16h ngày 26.09.2020 những người con nhiệt thành và yêu mến Mẹ của Giáo xứ Phủ Lý thuộc Tổng giáo phận Hà Nội đã quy tụ đông đủ nơi ngôi thánh đường.Thánh lễ do Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên – Bề trên tu viện Dòng Chúa Cứu Thế chủ tế, đồng tế với ngài có cha Giuse Ngô Văn Kha – Phó Bề trên tu viện Dòng Chúa Cứu Thế.
Qua hai bài tường thuật Sách Ed 18,15-28 và bài Tin Mừng của thánh Mt 21, 28-32 Cha Giuse Ngô Văn Kha chia sẻ:
Đạo không xây dựng bằng hình ảnh bên ngoài nhưng đạo được Chúa xây dựng bằng lòng tin
Thời nay, chúng ta không hiểu con trẻ thích gì. Chúng ta không hiểu chọn lựa của con trẻ như thế nào. Nhưng chúng ta thấy được con trẻ trong thời hiện đại của công nghệ số có một điểm gần tương đồng nhau – đó là sống vội và chấp nhận một tương lai mù mịt, không suy nghĩ cho tương lai. Con trẻ là một thách đố cho tất cả chúng ta, chúng ta khó dạy bảo thật! Bảo con đi lễ, con không đi. Bảo con đọc kinh con không đọc. Bảo con học giáo lý, con không học. Con trẻ thời nay, cứ sống đạo theo kiểu mới, theo cách mà con trẻ suy nghĩ chẳng có đức tin, chẳng có Chúa, chẳng có lề luật …mà chỉ theo đạo như một hình thức. Có lẽ, đạo của ông bà từ trước truyền lại cho chúng ta, rồi chúng ta truyền lại cho con cháu mình thì không còn người kế thừa. Tức là đạo của chúng ta, đạo mà chúng ta giữ mấy bao nhiêu năm nay đến bây giờ đã bị tuyệt chủng. Vì không ai kế thừa nữa. Đạo không phải xây dựng bằng hình ảnh bề ngoài nhưng đạo Chúa xây dựng với hình ảnh “tin”. Lòng tin của ông Phêrô đi rao giảng và Hội Thánh đi rao giảng. Lòng tin là những người nghe lời Thiên Chúa, những người đi theo Chúa lắng nghe và thực hành lời Chúa. Vậy chúng ta tin thì chúng ta phải truyền đạt lại cho con cháu của mình qua hành động cụ thể. Và nhất là chúng ta có tiếng nói chung, tiếng nói của lời cầu nguyện tới Chúa. Một việc làm cụ thể vừa sức với chúng ta. Từ đó, Chúa sẽ biến đổi con trẻ của chúng ta.
Trích sách Ê-dê-ki-en có lời Đức Chúa phán như sau: “Các ngươi nói: ‘Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.’ Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết”(Ed 18, 25-28). Đừng bảo Thiên Chúa bất công thay, đừng bảo Thiên Chúa không nhúng tay vào trong con người của chúng ta. có lẽ, chúng ta chưa biết cách xin Chúa can thiệp giúp cho chúng ta. Chúng ta chỉ có một ý hướng rằng khi nào khó khăn thì mới đến với Chúa cứ nói: “Lạy Chúa!Con gặp vấn đề này xin Chúa đến giúp con” như vậy thì chúng ta lại biến Chúa thành một người nô lệ. Như vậy thì tương quan của chúng ta với Chúa biến thành tương quan của một người tôi tớ với một người chủ. Không phải tương quan như một người con và một người Cha. Chúng ta biến Chúa thành như một người xa lạ.
Bài Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu: Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất : ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ Nó đáp : ‘Con không muốn!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp : ‘Thưa ngài, con đây!’ nhưng rồi lại không đi.(Mt, 28-30). Phải có đức tin, tin vào Chúa thì chúng ta mới làm được. Không phải chúng ta xem Ngài như một cái máy ban ơn, một người để chúng ta cần thì mới tới.
Cầu nguyện trong sự “khiêm nhu”
Chúng ta có khó khăn, hay có việc gì cần trình bày với Chúa thì phải đến trước Chúa với thái độ “khiêm nhu” mà nói: “Lạy Chúa, con bất lực trước chuyện này. Lạy Chúa, con không biết phải làm gì trước điều này cả nhưng vẫn một lòng tin tưởng, phó thác nơi Chúa, con tin Ngài sẽ cứu giúp con” cứ lặp đi, lặp lại lời cầu xin đó thì chúng ta sẽ được Chúa nhậm lời. Chúng ta cứ đơn sơ, nói với Chúa trong tâm tình của một người con. Chúa sẽ quan phòng và giúp chúng ta theo ý của Chúa muốn mà thôi. Còn nếu chúng ta cứ dựa vào sức của mình thì không được gì cả. Chúng ta mà bắt Chúa theo ý của mình, chúng ta cứ đòi Chúa làm theo những ý mà chúng ta vạch ra thì chúng ta làm Chúa mất, như vậy thì chúng ta quá kiêu ngạo. Chúng ta phải có lòng khiêm nhường trước mặt Chúa để nhờ đó Chúa sẽ giúp chúng ta. Để ngang qua những khó khăn, những sự kiện không tốt đẹp xảy đến với chúng ta mới cho chúng ta thấy chúng ta bất lực và chúng ta không có gì cả. Dù chúng ta có tiền, có quyền, có giàu có đến mức độ nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không mua được sự thống hối đâu và khiêm nhường trước Chúa đâu. Chúng ta không thể dùng đồng tiền mà mua được sự biến đổi cho con cái mình. Chỉ có nơi Chúa thì mới có được những điều ấy, Chúa mới dạy cho chúng ta sự khiêm nhường, dạy cho chúng ta biết cầu nguyện. Và chính Ngài sẽ biến đổi chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện trong sự khiêm nhường, đơn sơ, chân thành thì chúng ta mới cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Đấng xót thương
Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa công bằng và hay xót thương. Vậy Công bằng là như thế nào? Là có công thì thưởng, có tội thì phạt. Thế thì ai là người có công? Chả có ai mà có công cả, cho nên đừng tính sự công bằng của Chúa ở đây, chúng ta là con nợ của Chúa. Chúa ban cho chúng ta tất cả mọi sự, không phải để mong được nơi chúng ta những đồng xu lẻ hay những khoảng thời gian rảnh rỗi để đến phụng thờ Chúa. Không. Cũng giống như việc anh chị em có đứa con mà nói đến nói với mình: “Con dư tiền! Bố mẹ lấy mà tiêu!” Không thể như thế được, nói như thế là xúc phạm đến bố mẹ nuôi cho lớn, lo lắng cho tất cả đổi lại con cái lại đưa mấy đồng xu lẻ cho bố mẹ như của thừa. Chúa dành tất cả mọi sự cho chúng ta mà chúng ta lại đưa cho Chúa những thời gian thừa, những cái gì là thừa của chúng ta như vậy thì thực sự chúng ta quá vô ơn, quá xúc phạm Chúa. Bởi vậy nên, Chúa xử với chúng ta theo lòng thương xót. Chúa thương chúng ta một cách vô điều kiện, thương chúng ta đến mức độ mà chết trên thập tự giá vì chúng ta. Chúa mà xử với chúng ta theo luật công bằng Chúa thì không ai trong chúng ta được tha.
Bài đọc thêm: Phạm những tội nào thì không được rước lễ?
Thực hành và tuân giữ điều Chúa dạy
Đến với lòng thương xót Chúa, để thấy được lòng xót thương của Chúa bao la đối với chúng ta. Đến với lòng thương xót của Chúa để chúng ta thấy tại sao chúng ta phải ăn ngay ở lành và làm theo lời Chúa dạy. Từ đó, chúng ta mới xứng đáng bước vào Nước Trời, nơi mà hạnh phúc dành cho ai trung nghĩa với Chúa. Không phải chúng ta bố thí cho Chúa cái này, cái kia rồi yên tâm được lên thiên đàng. Chúng ta muốn được lên thiên đàng là chúng ta phải vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa. Chúng ta phải thực hành và tuân giữ những điều Chúa dạy. Nếu tôi thờ phượng Chúa mà không nói chuyện tâm sự, cầu nguyện với Chúa thì tôi cũng như kẻ câm trước mặt Chúa. Nếu tôi thờ Chúa mà không tham dự thánh lễ, thì tôi cũng giống như một người vô thần trước mặt Chúa. Nếu tôi thờ phượng Chúa mà tôi không thực hành những điều Chúa dạy, thì cũng giống như một người bại liệt trước mặt Chúa vậy. Cho nên, chúng ta cần tin, cầu nguyện, đồng thời kết hợp với Chúa sống gương sáng cho con cái thì gia đình chúng ta mới được biến đổi.
Nếu chúng ta không tin vào Chúa, không sống gương sáng cho con cái mà cứ suốt ngày bài bạc, rượu chè, không đi lễ thì con trẻ chẳng bao nghe lời mà biến đổi đâu. Nếu chúng ta không nghe lời Chúa, không sống những điều Chúa dạy thì con cái cũng nhìn vào cái hành động đó của chúng ta mà làm theo. Cho dù chúng ta có nói hay đến mức độ nào mà không thực hành những điều Chúa dạy, chúng ta không làm thì khi con trẻ nhìn vào cũng sẽ không làm thôi. Thực hành lời Chúa dạy là như vậy – Chúng ta muốn con cái mình yêu mến Chúa thì chúng ta phải yêu mến Chúa. Muốn con cái mình siêng năng lần hạt thì mình phải siêng năng lần hạt. Muốn con cái mình không sa vào tệ nạn xã hội thì chúng ta cũng phải sống cho ngay thẳng, đạo đức. Cho nên có câu nói: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Cá mà không để cho muối ăn vào con người của nó, không để nó nhập vào con người của nó thì cá sẽ bị thối. Cũng vậy, chúng ta mà không sống tinh thần của Chúa, không thực hành những điều Chúa dạy, không để cho lời Chúa ngấm vào mình thì chúng ta và con cái chúng ta sẽ không ở lại trong Chúa, chúng ta sẽ xa lìa Chúa và sau này không được hưởng hạnh phúc “Thiên Đàng”.
Lạy Chúa, xin cho chúng ta biết nhìn nhận lại con người của mình để từ đó chúng con biết sống và thực hành lời của Chúa. Chúng con biết sống gương sáng cho con cái của mình. Và nhất là để chúng con ý thức việc truyền đạt lại lòng tin cho con cháu của mình, không để cho lòng tin ấy bị mai một.
Bài đọc thêm: Nhân đức tỏa sáng nơi Đức Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Anna Nguyễn Huyền
Truyền thông Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp và St.Alfonso