Hoà chung niềm vui cùng Giáo Hội sống tâm tình mùa Phục sinh. Hôm nay, ngày 17/04/2021, đoàn con cái hành hương về bên Mẹ trong ngày thứ bảy thường kì, để tham dự Thánh lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cha chủ tế Giu-se Ngô Văn Kha nhấn mạnh về chủ đề “Niềm tin Phục sinh của Nữ Hoàng Thiên Quốc”. Qua đó, Ngài mời gọi mỗi người chúng ta noi gương Đức Mẹ biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa Ki-tô Phục sinh cùng dâng lên lời ca ngợi Thiên Chúa.
Chiêm ngắm mầu nhiệm Phục sinh của Đức Giê-su
Niềm tin Phục sinh của Đức Giê-su đã đem lại cho cuộc đời của Nữ Hoàng Thiên Quốc, đem lại cho lịch sử thế giới này một tin vui, một ân sủng trong kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa. Có thể nói, cho tới bây giờ ân sủng ấy mới được tỏ lộ rõ ràng qua việc Thiên Chúa cho Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta sống lại từ trong kẻ chết.
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến việc các bà đã từng là môn đệ Chúa Giê-su. Bà Maria Mácđala và các bà khác đã đến viếng mồ Chúa, các bà đã khóc vì không thấy Chúa đâu nữa. Có lẽ, nếu vị Chúa đó không sống lại nữa thì cuộc đời chúng ta thật vô nghĩa. Nếu Chúa Giê-su không Phục sinh từ trong cõi chết thì chắc có lẽ lời loan báo về Chúa Giê-su chỉ là hoang đường, ảo tưởng. Thánh Phaollô đã nói rõ điều này: “Nếu Đức Ki-tô đã không sống lại thì niềm tin của anh em thật là hão huyền”(1Cr 15, 17). Nhưng không phải như thế! Đức Ki-tô đã Phục sinh từ trong cõi chết.
Chúng ta thường hay đặt câu hỏi, Tại sao Chúa lại không hiện ra với Nữ Hoàng Thiên Quốc? Đức Mẹ là một con người xứng đáng để cho Chúa hiện ra đầu tiên, Chắc chắn, Mẹ sẽ rất vui khi được nhìn thấy con của mình Phục sinh từ trong cõi chết. Nhưng trong Kinh Thánh lại không đề cập đến vị trí, vai trò của “Nữ Hoàng Thiên Quốc” trong mầu nhiệm Chúa Giê-su Phục sinh nhưng lại diễn tả điều đó qua các Tông Đồ và các môn đệ.
Có lẽ người Tông đồ cuối cùng đó chính là Phaolô, một con người cố chấp, bách hại, không bao giờ tin vào mầu nhiệm đã được các ngôn sứ nói trong Kinh Thánh nhưng luôn ra sức bách hại Hội Thánh Chúa dưới mọi hình thức. Nhưng Chúa đã cho Thánh Phaolô biết “ai chạm đến Hội Thánh Chúa là chạm đến chính Chúa, ai chạm đến các tín hữu Chúa là chạm đến chính Chúa trong mầu nhiệm Phục sinh của Ngài”. Khi Chúa Giê-su hiện ra chúng ta thấy Ngài vẫn mang lấy những vết thương trên tay cùng cạnh sườn. Ngài còn cho các môn đệ được thấy, được xem và cho cả Tông đồ Tôma chạm vào trong các vết thương đó nữa.
Bài đọc thêm: ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót
Chúa Giê-su mạc khải Lòng Thương Xót cho Hội Thánh qua điều gì?
Khi Chúa Giê-su hiện ra với thánh nữ Paustina Kowlska, Ngài đã mạc khải mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Ngài. Lòng Thương Xót đó được thể hiện rõ qua bức ảnh mà thánh nữ đã diễn tả lại cho các Họa sĩ vẽ ra. Qua hình đó, chúng ta thấy được khuôn mặt hiền hậu, nhân từ và tấm lòng nhân hậu xót thương của Thiên Chúa, một Giê-su vẫn mang những vết thương trong thân thể mình. Hai tay, hai chân Chúa Giê-su vẫn mang bốn dấu đinh, từ cạnh sườn Chúa phát ra hai tia sáng: “Một tia sáng màu đỏ, một tia sáng màu trắng”. Qua hình ảnh đó, Thiên Chúa muốn nói đến công ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su đối với nhân loại. Con Thiên Chúa phải đổ máu mình ra, máu cứu chuộc đó chỉ là một mặt của ơn cứu rỗi Chúa ban cho con người mà thôi. Còn mặt kia là gì? Đó là ân sủng các bí tích mà Chúa vẫn luôn ban cho con người và cho cả những ai tin vào Chúa nữa.
Khi chúng ta đến với Hội Thánh ngang qua các bí tích, Hội Thánh mang đến cho chúng ta những món quà vô giá. Chính vì thế, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhắc cho chúng ta nhớ đến hai điều nhưng thực ra chỉ là một điều. Đó chính là sự đau khổ, nhục nhã của Chúa Giê-su để cứu chuộc mỗi người chúng ta. Ân sủng của Chúa luôn luôn dồi dào, chan chứa trong các Bí tích, trong bảy phép bí tích mà Chúa đã để lại cho Hội Thánh. Hội Thánh ở đây chính là vị thầy dạy đức tin cho chúng ta và cho nhiều người nữa. Có thể nói “Hội Thánh là kho tàng ân sủng của Thiên Chúa”.
Gương mẫu đức tin của Nữ Hoàng Thiên Quốc
Hội Thánh ở đây vừa là Hội Thánh vô hình và hữu hình. Hội Thánh vô hình bao gồm các chứng nhân của Thiên Chúa. Hội Thánh hữu hình bao gồm một cơ cấu mà chúng ta đang tham gia. Trong tư cách là một thành viên, Hội Thánh có một mẫu gương về đức tin tuyệt vời đó là: “Đức Maria- Nữ Hoàng Thiên Quốc”. Hội Thánh luôn nhìn lên Đức Mẹ như một mẫu gương để mỗi người sống mầu nhiệm Phục sinh như Mẹ Maria đã sống và đã tin.
Nếu Đức Trinh nữ Maria là một người đã được bà Ê-li-za-bét ca ngợi “em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”(Lc 1, 42). Nhờ đức tin mà Mẹ đặt tin tưởng ở Thiên Chúa ngang qua những lời sứ thần loan báo kế hoạch Thiên Chúa cứu rỗi nhân loại. Có thể nói, cả cuộc đời Đức Maria luôn tin những lời Thiên sứ loan báo. Chính đức tin vững mạnh như thế là động lực giúp cho Đức Mẹ vượt qua những bóng đêm của sự chết mà không vẫn không bị vùi dập, để có thể âm thầm hiện diện bên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống ở trần gian này, cái chết của Đức Giê-su không tiêu diệt được lòng tin mà Mẹ có trong chương trình của Thiên Chúa. Điều đó cho thấy, Chúa Giê-su không cần thiết phải hiện ra trước tiên với Đức Mẹ sau khi Chúa Giê-su Phục sinh. Tuy nhiên, trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Chúa Giê-su chắc chắn hiện ta với Mẹ Maria đầu tiên. Nhưng trong sách Tin Mừng không nói ra, có lẽ qua đó, Chúa muốn củng cố niềm tin mạnh mẽ hơn cho tất cả những ai chậm tin, nghi ngờ, lo sợ…vào Chúa Phục sinh, vào mầu nhiệm Phục sinh cao cả như thế!
Mỗi người chúng ta hãy nhìn vào các chứng tá trong các sách Tin Mừng. Chúa chỉ hiện ra cho những người không tin để dạy dỗ, củng cố đức tin cho họ, để chỉ cho họ đừng “cứng tin – Chậm tin – khó tin” nữa! Nhưng hãy tin vào các chứng nhân chúa gửi đến. Chứng nhân đó được thể hiện rõ qua là lời Kinh Thánh sau: “Rồi người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê….đều phải được ứng nghiệm”( Lc 24, 44). Đó là lời chứng chắc chắn nhất, mỗi ngày chúng ta đọc Tin Mừng thì Lời Chúa vẫn nhắc cho chúng ta nhớ đến điều này. Đó là “…Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân…”(Lc 24, 45).
Thánh Phaollô thật tuyệt vời khi Ngài đề cập đến lòng tin vào Chúa Phục sinh của Hội Thánh. Ngài nhấn mạnh rằng để củng cố đức tin của Hội Thánh trong từng giai đoạn, hoàn cảnh khó khăn mà Hội Thánh có thể gặp phải, nhiều khi có thể thất vọng…Nhưng có lẽ với đức tin mạnh mẽ và niềm hi vọng, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn cùng vững lòng cậy trông vào Mầu nhiệm Chúa Phục sinh từ cõi chết.
Ngày hôm nay, chúng ta hãy đến với Mẹ Maria là “Nữ Hoàng Thiên Quốc”. Mẹ sẽ củng cố đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta không có lòng tin vào Chúa Ki-tô Phục sinh thì tất cả sẽ trở về với quán tính của nó, mà quán tính của nó là gì? Đó là chúng ta sẽ quay lại với tình trạng xưa cũ nơi con người của mình, cùng những đam mê, bản năng lôi kéo chúng ta đến với tội lỗi, chính tội lỗi lại đưa chúng ta đến hậu quả là sự chết đời đời. Đức Maria thật có phúc, vị Nữ Hoàng Thiên Quốc đã trở nên mọi thụ tạo vượt trên mọi thụ tạo, được ân thưởng đặc ân cao vời vô cùng. Đó là được lên trời cả hồn lẫn xác vinh hiển trong nước của Thiên Chúa.
Bài đọc thêm: Phục sinh có nghĩa gì với tôi?
Chúng ta có lòng khao khát đức tin vào Chúa Phục sinh không?
Chúng ta là con cái của “Nữ Hoàng Thiên Chúa”. Chúng ta là con cái của lòng tin, của ơn cứu chuộc. Chúng ta hãy cố gắng sống đúng với ước mong của Chúa Giê-su đã để lại cho Hội Thánh trên cây Thánh Gía cho đến muôn đời. Chúa vẫn ước mong có những linh hồn tìm đến với đức tin để được sống. Chúa vẫn khát khao những con người, sau khi đã đi khắp mọi nơi để tìm cho mình một sự cứu rỗi mà không được thì hãy đến với Chúa, ngang qua sự trợ giúp của Đức Maria với tước hiệu “Nữ Hoàng Thiên Quốc”. Người Mẹ đáng yêu của chúng ta, chắc chắn người Mẹ đó sẽ dạy dỗ, chỉ bảo cùng nâng đỡ chúng ta, nhờ đó mỗi người sẽ diễn tả mầu nhiệm Chúa Phục sinh trong cuộc sống thường ngày bằng những phương thế khác nhau.
Lời nguyện:
Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu đầy thế lực của “Nữ Hoàng Thiên Quốc” dâng lên Thiên Chúa niềm tri ân cảm tạ trong niềm vui Phục sinh, mà mỗi người chúng con đón nhận được vào trong tâm hồn. Ước mong niềm vui Phục sinh không dừng lại ở đó nhưng lan tỏa ra trong môi trường sống của mỗi người với những cách thức khác nhau. Để cho bất cứ biến cố nào xảy đến trong hành trình làm người ở dưới thế này, chúng con sẽ không làm phai mờ đi niềm hi vọng mà chúng con đặt ở nơi Thiên Chúa.
Xin Chúa đổi mới mọi sự trong con người chúng ta theo thánh ý của Ngài. Có lẽ bây giờ mỗi người sẽ hiểu tại sao trong mùa Phục sinh này, Giáo Hội luôn mời gọi con cái hãy hát lên tiếng Allêluia. “Allêluia là tiếng nói chung của Giáo Hội ngày hôm nay” suốt mùa Phục sinh này và suốt cả cuộc đời của chúng ta nữa. Chúng con nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, ban cho mỗi người những ân sủng cần thiết như xưa Chúa đã ban cho Mẹ của Chúa cũng là Mẹ của mỗi người chúng con là: “Nữ Vương Thiên Đàng – Allêluia”.
Anna Bảo Minh
Truyền Thông Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp