Tháng 10 – tháng Mân Côi, tháng mà người Công Giáo trên toàn thế giới dành riêng để mừng kính Mẹ Mân Côi với các truyền thống dâng hoa, rước kiệu, lần chuỗi Mân côi.
Thứ bảy ngày 06/10/2018, trong thánh lễ hành hương kính Mẹ tại đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp giáo xứ Thái Hà, cha Giuse Đỗ Đình Tư đã chia sẻ với cộng đoàn về lịch sử của tháng Mân Côi và các ý nghĩa của lời chào mà Sứ thần Gabriel đã chào Mẹ mà chúng ta vẫn đọc lại mỗi ngày qua lời kinh Mân Côi.
Trước đó, đội hoa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp giáo xứ La Phù đã dâng hoa kính Mẹ.
Tháng Mân Côi được khởi đầu từ biến cố Đức Mẹ hiện ra với thánh Đa Minh vào thế kỷ thứ XII với lệnh truyền hãy truyền bá chuỗi Mân Côi. Kể từ đó đến nay, chàng chuỗi Mân côi với 150 kinh Kính mừng được thay thế cho 150 thánh vịnh của vua Đavít mà các tu sĩ nam nữ đọc thời bấy giờ. 150 kinh Kính mừng đó được gọi là “Thánh vịnh của Mẹ”.
Một biến cố đánh dấu bước ngoặt lớn đó là năm 1571, quân Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo tiến quân từ Châu Phi sang châu Á, trên con đường tiến vào đánh người Công giáo ở Roma, cụ thể là vùng vịnh Lépante. Trước sức mạnh như vũ bão của quân Hồi giáo, Đức Piô V mời gọi tất cả người Kitô hữu tại Roma cũng như trên thế giới cầu nguyện, cụ thể là với chàng chuỗi Mân Côi để xin sự can thiệp của Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ. Người Kitô hữu đã đáp lại lời mời gọi của Đức Piô V siêng năng cầu nguyện với chàng chuỗi Mân Côi. Và quả thật Mẹ đã nhậm lời, đã chặn lại sức mạnh như vũ bão của người Hồi giáo, và hơn thế để lại một cuộc chiến thắng lớn – cuộc chiến thắng của lời cầu nguyện. Vì thế Đức Giáo Hoàng Pio V đã lập ngày lễ 7/10/1571 là lễ Đức Mẹ chiến thắng.
Như vậy, khởi đầu lễ Đức Mẹ Mân Côi được gọi là Lễ Đức Mẹ chiến thắng.
Nhắc lại biến cố lịch sử này để chúng ta ý thức hơn sức mạnh của lời kinh Kính mừng.
Tiếp đó, cha Giuse chia sẻ về ý nghĩa của lời kinh Mân Côi.
Khi sứ thần đến truyền tin cho Đức Mẹ, sứ thần chào rằng: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Lời mời gọi “Mừng vui lên” vừa là một lời loan báo, vừa là một lời hứa của Thiên Chúa. Tất cả những gì Thiên Chúa loan báo từ thời Cựu ước nay được thực hiện nơi Đức Maria vì Đức Maria chính là nơi Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Và lời chào kính của sứ thần chính là lời kinh Kính mừng người Kitô hữu chúng ta đọc lên mỗi ngày.
Về lời chào của sứ thần Chúng ta có thể dừng lại suy niệm 3 chi tiết:
Thứ nhất, lời chào đầy hân hoan “Mừng vui lên”.
Dân Do Thái suốt chặng đường dài của lịch sử đã đi qua biết bao đau thương, cay đắng của cuộc đời, có nhiều lúc cả dân tộc chìm đắm trong cảnh nô lệ tối tăm. Và hôm nay, trong số những người Israel chờ đợi Đấng cứu độ đến thì sứ thần Gabriel đến chào “Mừng vui lên”. Đó là lời báo niềm vui đã đến rồi, niềm vui không chỉ cho Đức Maria, không chỉ cho dân tộc Do Thái nhưng là cho toàn thể cõi địa cầu. Đức Maria hơn ai hết đã đón nhận niềm vui của Chúa và thông truyền niềm vui đó cho chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxico nhiều lần nhắc lại “Ở đâu có Kitô hữu, ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Ai trong chúng ta chẳng có đau khổ, có những lo toan cuộc đời, hoặc đi qua những thất bại; nhưng trong những đau khổ ấy người Kitô hữu có một niềm bình an sâu thẳm trong tâm hồn, bình an mà Đức Kitô phục sinh mang đến cho chúng ta, bình an có Chúa ở cùng, Chúa nâng đỡ chúng ta đi qua những đau khổ đó. Vì thế, dù giữa những gian truân khốn khó, chúng ta vẫn mang cái tâm bình an, đầy vui mừng.
Thứ hai, sứ thần chào Đức Maria là “Đấng đầy ân sủng”.
Thiên Chúa tuyển chọn ai Người sẽ biến đổi người đó và cho người ấy một tên mới. Kitô hữu chúng ta cũng mang tên mới, tên của “ân sủng”, được gọi là người có ân sủng, đi trong ân sủng, nhờ ân sủng mà tiến bước trong cuộc đời.
Hẳn mỗi người trong chúng ta đã có kinh nghiệm được Thiên Chúa nâng bước trong nhiều biến cố xảy ra trong đời mình, mà nếu chúng ta không bám vào Chúa thì sẽ không có sức để đi tiếp. Đó là một kinh nghiệm đích thân rất đặc biệt, rất riêng tư.
Thứ ba, sứ thần chào Đức Maria là “Thiên Chúa ở cùng bà”.
Trong truyền thống Thánh kinh, nhiều đoạn cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã ở với ông Môsê và từ kinh nghiệm được Thiên Chúa ở cùng đó, Môsê từ một người tầm thường, nhỏ bé trở thành người giải thoát chi tộc của mình. Thiên Chúa hôm nay ở với Đức Maria không chỉ trong ngôn từ, mà Thiên Chúa ngự trong cung lòng Mẹ, ở với Mẹ.
Chúng ta tham dự thánh lễ, lời đầu tiên mà linh mục chào là “Thiên Chúa ở cùng anh chị em”. Chúng ta cũng được Thiên Chúa ở cùng.
Đầu tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi các Kitô hữu siêng năng lần chuỗi Mân Côi để xua đuổi ma quỷ, để bảo vệ gia đình mình, đem bình an cho gia đình, cho Giáo hội. Gia đình nào cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi thì sẽ bình an, bền vững vì chàng truỗi Mân Côi chính là sợi dây nối kết mọi người với nhau.
Một trong những thách đố lớn nhất ngày nay là sự tan rã của các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ. Phải chăng con người, đặc biệt là người Công giáo chưa ý thức được mỗi chúng ta là một hạt Mân Côi, là một lời kinh trong chuỗi hạt ấy? Nếu chúng ta ý thức cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau lần chuỗi Mân Côi hẳn những khó khăn sẽ được hòa giải, những lỗi lầm được tha thứ và chúng ta sẽ liên kết bền chặt với nhau, gia đình sẽ chẳng tan vỡ. Đặc biệt, Đức Mẹ còn hứa ban ơn cho những ai siêng năng lần chuỗi Mân Côi, đặc biệt là ơn chết lành trong tay Mẹ.
Xin cho chúng ta ý thức điều này để lời kinh chúng ta đọc đem đến cho ta sự chữa lành tâm hồn và được ơn của Mẹ, được gắn kết với nhau, gắn kết với Thiên Chúa.
Ban truyền thông Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp và thánh Anphongso miền Bắc