Icon Collap
...
Trang chủ / Cùng Mẹ thông phần đau khổ với Chúa trên Thập giá

Cùng Mẹ thông phần đau khổ với Chúa trên Thập giá

Sáng thứ Bảy ngày 23.03.2019, đông đảo hội viên đã về với ngôi đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp giáo xứ Thái Hà để hành hương kính Mẹ. Đúng 10h00, quý cha cùng cộng đoàn hiệp dâng thánh lễ. Thánh lễ do cha Giuse Trần Văn Hưng chủ tế. Cùng đồng tế với ngài là cha Linh hướng Gioan.

Trong thánh lễ cha Linh hướng Gioan đã chia sẻ cùng cộng đoàn. Qua hình ảnh Mẹ Người cùng người môn đệ đứng dưới chân thập giá và cái chết đau thương của một vị Thiên Chúa, cha Gioan đã mời gọi cộng đoàn cùng suy nghĩ về ba điểm chính:

Điều thứ nhất: Khi nhìn lên Thánh giá, cảm nhận đầu tiên đó là cái chết đau thương và vô cùng nhục nhã của một vị Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta đã chứng kiến những cái chết có thể không đến nỗi bi thương nhưng cũng làm chúng ta bị tổn thương. Còn Chúa Giêsu là vị Thiên Chúa có toàn quyền trên cái chết nhưng lại cam chịu chết một cách tàn nhẫn, dã man đến nỗi toàn thân nát tan, không còn chỗ nào lành. Cái chết của Chúa là cái chết trần trụi, không có một tấm vải che thân, bị bêu rếu trước toàn dân thiên hạ. Có lẽ khó có cái chết nào có thể đau đớn, dã man và nhục nhã như cái chết của Chúa Giêsu. Nhìn lên Chúa trên thập giá, chúng ta được mời gọi khi phải đối diện với những đau khổ xảy đến thì hãy luôn nhìn lên nỗi đau của Chúa Giesu. Những nỗi đau mà chúng ta phải chịu có là gì so với nỗi đau của Chúa Giêsu.

Điều thứ hai: Chúa đã phải chịu biết bao nhiêu đau khổ, nhục nhã nhưng Chúa không một lời oán trách, không kêu than, không lên án hay mắng mỏ mà Ngài cam lòng chịu đựng. Ngài chịu đựng bằng một trái tim đầy bao dung. Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” Còn chúng ta, khi có người xúc phạm hoặc làm tổn thương chúng ta thì chúng ta khó có thể tha thứ cho họ, khó có thể bỏ qua chứ chưa nói đến cầu nguyện cho họ. Trong đau khổ tận cùng, Chúa không nghĩ gì đến đau khổ của mình mà chỉ nghĩ đến các môn đệ. Ngài nghĩ đến những người phụ nữ đang khóc than cho Ngài. Ngài nghĩ đến người Mẹ thân yêu của mình. Đau khổ khiến chúng ta quên đi tất cả, chỉ nghĩ đến mình. Còn Chúa Giêsu, đau khổ khiến trái tim Ngài rộng mở. Chúa nghĩ đến người khác. Chúa lo cho đau khổ của người khác. Chúa tìm cách giải gỡ những đau khổ của người khác. Chúa tìm cách trăn trối Mẹ cho Gioan và Gioan cho Mẹ. Chúa yên ủi con thành Gierusalem. Có lẽ không gì có thể diễn tả được tình yêu vô biên mà Chúa Giêsu tuôn đổ cho tất cả chúng ta từ trên thập tự giá.

Điều thứ ba: Hình ảnh của một người Mẹ khi nhìn thấy con mình phải chịu chết một cách tức tưởi, nhục nhã, chết dần chết mòn trên thập giá. Chúng ta đã có kinh nghiệm đối diện với cái chết của người thân. Còn Mẹ, đường Mẹ đi xuyên suốt cả hành trình thập giá, con bị kết tội, con bị đánh đòn, con bị đóng đinh, con bị treo lên, bị đâm thủng trái tim, bị nhục mạ, những nỗi đau đó Mẹ đã đón nhận tất cả. Mẹ không kêu than, không oán trách, không mắng mỏ nhưng Mẹ hiệp thông một cách sâu xa với những đau khổ của con mình để làm một với hiến tế tạ ơn dâng lên Thiên Chúa. Mẹ là mẫu gương hiệp thông với những đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá. Mẹ đã đón nhận lấy những đau khổ từng giây từng phút và những đau khổ mà Mẹ phải chịu đã làm cho Mẹ nên một với người Con chí ái của Mẹ.

Mỗi người chúng ta được mời gọi cùng suy xét lại: Khi đau khổ xuất hiện, chúng ta có biết đón nhận và kết hiệp với những đau khổ của Chúa trong mầu nhiệm tử nạn như Mẹ đã làm hay không và chúng ta cảm nhận được điều gì từ sự kết hiệp đó?

Khi chúng ta đối diện với những đau khổ, đau chừng nào, kêu chừng nào thì càng đau chừng đó. Khi đau khổ mà chúng ta biết kết hiệp với Thiên Chúa thì khi đó đau khổ mới sinh ích lợi cho mình và cho người khác. Nhưng chúng ta không đi theo con đường của Chúa mà cứ đi theo con đường của mình. Đau thì kêu ca, la mắng, chửi bới, trách móc. Làm như vậy chúng ta càng trở nên chống đối, càng trở nên xa rời Thiên Chúa hơn. Vì vậy hôm nay chúng ta được mời gọi theo gương Mẹ, đi trọn hành trình thập giá của Chúa Giêsu trên cuộc đời chúng ta. Đồng thời chúng ta hãy xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta biết đi trên con đường thập giá của Chúa cũng là con đường mà Mẹ đã đi. Con đường đón nhận đau khổ đó sẽ trở thành phương thế giúp chúng ta nên Thánh mà không sợ vấp ngã.

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ giúp chúng ta can đảm đi trên con đường thập giá, là con đường mà Mẹ đã đi. Đồng thời xin Chúa cũng ban thêm niềm tin và sự tín thác để mỗi người chúng ta đi trọn con đường thập giá của mình.

Thánh lễ kết thúc lúc 11h00, mọi người ra về trong niềm tin yêu và phó thác vào Mẹ, cùng Mẹ tham dự vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và mong đợi ngày Chúa phục sinh.

TT Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Anphongso Miền Bắc

Bình luận
error: Content is protected !!