Icon Collap
...
Trang chủ / Chính cha mẹ là thủ phạm…

Chính cha mẹ là thủ phạm…

Trong niềm hân hoan chào đón những người con mới gia nhập Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp và St Anphongso chi hội Tuyên Quang, và cũng là mừng thánh bổn mạng Anphongso của chi hội, sáng thứ 5 ngày 26 tháng 7 năm 2018, đông đảo con cái của Mẹ đã trở về ngôi thánh đường bé nhỏ tọa lạc trên miền núi rừng Tuyên Quang thơ mộng. Hiện diện trong thánh lễ có cha bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội Giuse Trịnh Ngọc Hiên, cùng cha đặc trách Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSSR và cha đại diện giáo hạt hạt Hà – Tuyên – Hùng, giáo phận Hưng Hóa, cha Giuse Nguyễn Thái Hà; cùng với ban điều hành Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp và đông đảo các thành viên trong và ngoài Hội.

Trong bài giảng, cha đặc trách Gioan chia sẻ về nguồn gốc của những vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, và qua việc chiêm ngắm gương của vị thánh bổn mạng Anphongso cho chúng ta nhiều hy vọng, cũng như các ơn ích lớn lao khi tham gia vào Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và St Anphongso.

Mở đầu bài chia sẻ cha Gioan dâng lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta một vị thánh, một mẫu gương, một con đường được cụ thể hóa để giúp chúng ta đến gần với Thiên Chúa hơn là Thánh Anphongso. Trước khi nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của thánh Anphongsô và thời đại của người, cha mời cộng đoàn đối diện với cuộc đời và sự thật thế giới chúng ta đang sống hôm nay.

Cha Gioan chia sẻ:

Sáng nay ngồi tòa giải tội, lắng nghe tâm tư, tình cảm của anh chị em, cha thấy chẳng khác gì với ở Hà Nội, và cũng chẳng khác so với khi cha ngồi tòa giải tội ở nước ngoài là bao. Tất cả những gì cha đã nghe được cho thấy có một sự xáo trộn lớn trong trật tự xã hội hôm nay. Từng gia đình đang bị phân mảnh dữ dội: Bố mẹ dường như thất bại trước sự cứng đầu cứng cổ của con cái; con cái bất tuân phục cha mẹ; tình trạng ly hôn, ngoại tình; bỏ đạo; sự thất bại trong cuộc sống; sự thất hụt niềm tin, đi tìm niềm tin vô bổ khác để chữa trị; rối loạn trong luân lý; con người sống với nhau không còn biết thương nhau, tôn trọng nhau… Dù ở thành phố hay nông thôn, chúng ta đều thấy sự gãy vụn trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi họ đạo, mỗi giáo xứ, giáo phận, quốc gia và mỗi vùng miền. Là một mục tử ngồi tòa giải tội, một người có thể nói là được giúp khá nhiều bệnh nhân, tiếp xúc với những con người khủng hoảng tinh thần, cha thấy bức tranh của xã hội đương đại đang khủng bố con người lớn lao. Bức tranh đó gây nên sự phân tán rất lớn trong xã hội chúng ta.

Nguyên nhân gây ra sự phân tán, đổ vỡ ấy là do sự phân tán của xã hội toàn cầu hóa. Vì cuộc sống nhiều người đi lập nghiệp nơi thành thị. Vì cuộc sống nhiều vợ chồng phải chia ly để đi làm ăn. Vì cuộc sống nhiều cha mẹ bỏ bê con cái để mưu toan cuộc sống, thậm chí họ hy sinh cả đức tin của mình để kiếm chút gì đó cho con cái. Cuộc sống phân tán đó đã gây bao đổ vỡ đau thương. Ngồi ở văn phòng tư vấn bệnh nhân, cha đã gặp gỡ bao cuộc đời đau khổ. Những cuộc đời ấy cho thấy chúng ta đang sống trong một xã hội tan tác, bị băng hoại từ trong lương tâm của con người.

Vì cảnh ly tán cha đây, mẹ đó, con kia; vì cuộc sống xô bồ làm người ta không có thời gian ở lại với Chúa, không có thời gian để dạy dỗ con cái, cho nên con cái nổi loạn. Vì xã hội xô bồ như vậy mà vợ chồng mất sự tin tưởng ở nhau, con người có thể bán đứng cả Chúa và Mẹ để chạy theo các thứ tà thần.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn thấy những rạn nứt đó. Ngài đã vào cuộc. Ngài kêu gọi Giáo hội vào cuộc. Bởi vì chúng ta đang sống trong một xã hội di tản với tốc độ cực nhanh, một xã hội mà hiện tượng di dân đã là hiện tượng toàn cầu, một xã hội đã băng hoại bao giá trị đạo đức. Và chính Ngài đã tiên khởi. Ngài đến thăm những người di dân, những người ở các trại tị nạn, các trại mồ côi, các trại tù. Ngài đã mời những người vô gia cư và gặp gỡ họ. Ngài kêu gọi xã hội hãy đón tiếp, hãy mở lòng với người di dân. Ngài kêu gọi các nước phá bỏ sự kỳ thị đối với họ. Ngài dám đối mặt với Tổng thống Donald Trump chống lại việc nhập cư.

Hiện tượng di dân là một thách đố toàn cầu. Nó có thể phá nát xã hội đương đại và nó cũng có thể cứu xã hội đương đại. Vấn đề là Giáo hội phải đứng lên để cứu lấy họ.

Hãy để cho những người di dân trở nên nơi chốn Thiên Chúa biểu lộ lòng nhân hậu của mình.

Chúng ta đang sống trong một xã hội thách đố như vậy, không ai có thể trách ai được. Xã hội cuồn cuộn đó đã lôi chúng ta ra khỏi tổ ấm gia đình, kéo chúng ta ra khỏi sự yên ổn, nó đưa con cái chúng ta đi khắp nơi khắp chốn, nó nhốt con cái chúng ta trong những tà đạo, lạc giáo, trong những tư tưởng sống đồi bại, nó làm cho con cái chúng ta đánh mất niềm tin.

Chưa dừng lại. Hiện tượng di dân khắc nghiệt cũng không khắc nghiệt bằng hiện tượng truyền thông. Rất nhiều cha mẹ đã đưa con cái điện thoại từ thuở nhỏ, đã nhét vào đầu con trẻ bao nhiêu thứ, bao hình ảnh kí ức xấu. Và bao nhiêu người bỏ con bỏ cái, bỏ cha bỏ mẹ vì những thông tin bậy bạ trong điện thoại đó. Cha thấy rất nhiều cha mẹ khi thấy con cái khóc cứ vứt điện thoại cho con cái, mà không biết rằng mình đang giết con cái. Điện thoại vô hình sẽ thay thế cho cha mẹ.

Chúng ta buồn lắm khi con cái không nghe chúng ta. Chúng ta buồn lắm khi con cái bỏ đạo mà đi theo những thứ ngẫu tượng. Chúng ta buồn khi con cái không còn hiếu thảo, không còn trung tín. Chúng ta trách, hận, chửi rủa, thậm chí là từ bỏ nó. Không! Chúng ta không có quyền. Con cái chúng ta là nạn nhân của xã hội Công nghiệp hóa, hiện đại hóa – một xã hội đầy biến động. Con cái chúng ta cũng là nạn nhân của chính chúng ta. Chúng ta không lo dạy dỗ con cái từ nhỏ, bỏ bê con cái, đến lúc con cái hư hỏng chúng ta trách móc nó. Chúng ta dạy dỗ con cái sai lầm, đến lúc con cái sai lầm chúng ta lại oán trách nó.

Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng. Con cái chúng ta là sản phẩm của xã hội đương đại. Con cái chúng ta là sản phẩm của chính chúng ta. Nó hư hay ngoan là tội hay phúc của chính chúng ta. Chúng ta phải đối mặt với sự thật ấy.

Và đứng trước một xã hội hỗn loạn như vậy chúng ta phải làm gì? Hãy suy nghĩ về cuộc đời của chàng trai trẻ Anphongsô….

(Còn tiếp)

Truyền thông Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp và St Alfonso

 

Bình luận
error: Content is protected !!