Như thường lệ, mỗi thứ bảy, đông đảo con cái Mẹ lại trở về ngôi đền Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà để dâng lên Mẹ tâm tình yêu mến, dâng lời tạ ơn Mẹ về những ơn lành Mẹ ban và cũng là dâng lên Mẹ lời cầu xin trong cơn gian nan khốn khó. Đặc biệt mỗi thứ bảy đầu tháng là dịp các hội viên được lãnh nhận ơn đại xá khi đọc lại kinh dâng mình cho Đức Mẹ. Trong thánh lễ thứ bảy đầu tháng 8 này, còn có sự hiện diện của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh về dâng thánh lễ cho quý cộng đoàn. Cùng đồng tế thánh lễ, có sự hiện diện của quý cha nhà dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội. Trong Thánh lễ, cha Linh hướng Gioan Lưu Ngọc Quỳnh chia sẻ:
Hôm nay là ngày thứ bảy đầu tháng, chúng ta dâng lên Thiên Chúa khao khát được hiệp nhất trong Thiên Chúa, được hiệp nhất với nhau, với toàn thể vũ trụ này. Chúng ta không chỉ xin ơn hiệp nhất mà còn xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta. Để sau Thánh lễ mỗi người chúng ta trở thành những người vị Tông đồ của màu nhiệm hiệp nhất. Mà Thiên Chúa đặt để nơi mỗi người chúng ta.
Đây là một trong những ơn vô cùng quan trọng mà Chúa Giesu, trước giờ hiến tế đã tha thiết dâng lên Cha mình. Để xin cho các môn đệ được nên một với nhau và nên một với Chúa, “như con ở trong cha và như Cha ở trong con”. Như vậy chúng ta thấy được mối bận tâm, trăn trở của Chúa Giesu trước khi lìa thế gian. Là làm sao để cho những người môn đệ của Ngài có thể nên một với nhau và nên một với Thiên Chúa. Theo khuôn mẫu như Chúa Giesu nên một với Chúa Cha. Và điều Chúa Giesu trăn trở, điều Chúa Giesu bận tâm có lẽ phải là điều vô cùng quan trọng, phải là điều nằm lòng nơi chính Thiên Chúa. Màu nhiệm nên một với Thiên Chúa, nên một với nhau được hình thành từ khởi thủy trong màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Và trong màu nhiệm đó vẫn tiếp tục nói cho chúng ta khởi điểm và cùng đích người Kito hữu, là trở nên khuôn mẫu khởi thủy một Thiên Chúa Ba Ngôi khác biệt nhưng duy nhất trong cùng một bản thể, trong cùng một bản tính, trong cùng một tình yêu nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Trong dòng lịch sử nhân loại, qua cái chết của Chúa Giesu, Ngài đã hứa ban Đấng Bảo Trợ, Đấng làm cho Hội Thánh nên một. Và trong ngày lễ Ngũ tuần đó, các môn đệ tề tựu với nhau quanh Đức Maria để đón chờ quà tặng đắt giá của sự hiệp nhất. Đó chính là Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã đến, làm cho những người môn đệ hiệp nhất với nhau. Làm cho những người nghe các môn đệ rao giảng hiểu được lời các Ngài nói. Trong ý định khởi thủy và cho đến muôn đời, Thiên Chúa vẫn luôn muốn cho chúng ta được nên một với Thiên Chúa, với nhau, với chính mình, theo khuôn mẫu màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng để con người có thể làm được đều đó, thì chăc chắn bản thân chúng ta không thể làm được. Mà phải cậy nhờ đến Đấng làm cho cuộc đời của mỗi người chúng ta được nên một với nhau.
Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, lịch sử nhân loại chúng ta đang đối mặt. Chúng ta thấy một tình trạng phân mảnh, phân rẽ đến tận cùng. Chính trong con người người chúng ta cũng đã bị phân mảnh rồi. Có những lúc đầu bảo nhưng trái tim không nghe, trái tim mách bảo nhưng thân xác không nghe, hay lòng đạo đức mách bảo nhưng thân xác không vượt thắng được. Con người chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng trong một thực thể phức hợp: thể xác, linh hồn, tâm trí, tình cảm, thể lý, luôn lý, cả một khối đó được bọc trong một thân thể duy nhất. Những mảnh phần đó được kết hợp với nhau làm nên một bông hoa đa điệu, đa màu, làm nên một kiệt tác độc nhất vô nhị trong Thiên Chúa. Nhưng con người không hiểu được công trình tạo dựng khôn ngoan đó. Mà lấy cái đó làm cho tách biệt, bị phân hóa, làm cho chống đối. Linh hồn chống đối thân xác, trái tim chống đối lý trí. Và cứ như vậy trong con người chúng ta muốn làm cho hiệp nhất nơi chính bản thân mình đã thấy khó. Thì sự hiệp nhất trong gia đình còn khó khăn đến mức độ nào. Chồng một ý, vợ một ý, con cái một ý, cha mẹ một ý. Cứ như vậy mầu nhiệm hiệp nhất trong gia đình bị đẩy ra xa. Và sự phân tán sự chia rẽ trong gia đình, trong con người lại trở nên khó có thể hàn gắn được. Xa khỏi gia đình, chúng ta vào các hội đoàn các tín ngưỡng, các tôn giáo, các ý thứ hệ, các lớp phân hóa. Nó lại tạo nên sự xung đột lớn hơn, rộng hơn. Và dường như cái hiệp nhất rất khó đạt đến được. Trong xã hội cũng vậy, tính đa tôn giáo đa văn hóa, đa đảng phái, làm cho con người khó có thể tìm được sự hiệp nhất. Nhìn ra bình diện Thế giới, chúng ta thấy sự phân mảnh của thế giới đương đại ngày càng rõ nét. Cuộc chiến tranh thương mại, các văn hóa của các nền tôn giáo, có vẻ như màu nhiệm hiệp nhất trong nhân loại càng trở nên một thách đố lớn lao đối với con người thời nay và đối với cả thế giới mà chúng ta đang sống.
Một bên Thiên Chúa khao khát cho con người được hiệp nhất với nhau, nên một với nhau. Nhưng dường như có một mãnh lực nào đó đang kéo con người phân hóa ngày càng xa lìa sự hiệp nhất. Đứng trước thực trạng đó, với một người tín hữu, chúng ta phải làm gì? Chúng ta chỉ đạt đến màu nhiệm hiệp nhất theo khuôn mẫu của Chúa Gieus. Chúng ta không thể dùng vũ lực hay sức mạnh để làm nên sự hiệp nhất được. Mà chúng ta chỉ đạt đến sự hiệp nhất đó khi chúng ta hiến thân cho nhau, hiến thân cho Thiên Chúa theo khuôn mẫu của Chúa Giesu. Bao lâu chúng ta biết hiến thân cho nhau, biết hiến tặng những gì quý nhất của mình cho nhau, vì sự sống, vì phúc lợi của người khác. Thì bấy lâu màu nhiệm hiệp nhất mới đến với chúng ta. Còn chúng ta đi ngược lại màu nhiệm hiệp nhất của Thiên Chúa. Không biết hiến tặng, trao ban mà chỉ biết tranh dành, chiếm uy tín, ưu thế cho mình, chỉ muốn mình ở vị trí nhất thì mầu nhiệm hiệp nhất sẽ xa lìa chúng ta. Chỉ màu nhiệm hiệp nhất của Chúa Giesu, con đường mang lấy đau khổ của nhân loại nơi mình và bước theo Chúa, hiến thân từng ngày cho Chúa,cho anh em thì mới có thể phá vỡ được ngăn cách. Chính trên thập giá, Chúa Giesu đã nối con người với Thiên Chúa và nối con người lại với nhau.
Hay nói cách khác, ngoại trừ con đường của thập giá, con đường của tình yêu, con đương hy sinh hiến tặng mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi đức Giesu Kito. Thì màu nhiệm hiệp nhất vẫn trở thành khẩu hiệu, trở thành khái niệm muôn đời cho nhân loại chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta đi theo con đường của Chúa Giesu. Trở nên cây thập tự nối trời với đất, nối con người với Thiên Chú. Thì mới có thể đạt tới màu nhiệm hiệp nhất. Trở nên những tông đồ của hiệp nhất. Đó là điều thứ nhất mà Chúa muốn nói với chúng ta trong ngày hôm nay.
Điều thứ hai, theo gương Chúa Giesu, chúng ta phải tha thiết cầu nguyện cho sự hiệp nhất mỗi ngày. Cầu nguyện cho bản thân, cho giáo hội được hiệp nhất, cho nhân loại được hiệp nhất. Đó phải là lời cầu nguyện nằm sâu trong tâm can của mỗi người chúng ta. Phải là lời cầu nguyện trước hết và trên hết chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Để qua lời cầu nguyện đó chúng ta ý thức trách nhiệm xây dựng sự hiệp nhất. Đó là sứ mạng cao cả Chúa trao cho mỗi người chúng ta. Để chúng ta hiệp nhất nơi bản thân mình, nơi gia đinh, nơi xứ đạo mình, nơi tín ngưỡng mình, nơi môi trường văn hóa của mình. Để ngang qua đó chúng ta chung nhau xây dựng sự hiệp nhất.
Điều thứ ba là xin Thần Khí – Đấng hiệp nhất Chúa Cha và Chúa Con xuống trên chúng ta mỗi ngày, xuống trên Hội Thánh của Ngài. Vì chỉ có Ngài mới có thể nối kết và hiệp nhất con người với Thiên Chúa và hiệp nhất con người với nhau.
Để làm được ba điều đó, không ai có kinh nghiệm tròn đầy như Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ của chúng ta. Mẹ đã đón nhận Thần Khí ngay từ khởi đầu. Mẹ cũng là Đấng có kinh nghiệm đón nhận Thần Khí trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa, hiệp nhất với công trình mà Ngài muốn thực hiện. Và Mẹ cũng là người đón nhận Thần Khí với các Tông đồ ngay từ khởi đầu. Để Thần Khí làm cho các Tông đồ được hiệp nhất với nhau, hiệp nhất với Thiên Chúa. Để trở nên Tông đồ rao giảng sự hiệp nhất. Cho nên chúng ta chạy đến với Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp – Đấng tràn đầy Thần Khí, tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, tràn đầy Đấng làm cho nhân loại được hiệp nhất với nhau, hiệp nhất với Thiên Chúa.
Chúng ta khẩn cầu Mẹ, xin Mẹ cho chúng ta gắn kết đời mình với Mẹ. Để Mẹ đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Thần Khí Thiên Chúa để Thần Khí Chúa nung đốt, đào luyện. Giúp chúng ta trở nên những Tông đồ hiệp nhất như Mẹ. Để nhờ đó cùng với Mẹ, chúng ta lên đường kiến tạo sự hiệp nhất nơi bản thân, trong gia đình, trong giáo xứ, giáo hội và cả xã hội, môi trường mà chúng ta sinh sống. Những nơi chốn mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta dấn thân.
Thái Hà, 05.08.2018
Ban Truyền thông hội Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Alfonso