Icon Collap
...
Trang chủ / Lời Mời Gọi Của Chúa

Lời Mời Gọi Của Chúa

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” .Trong niềm vui Đấng cứu thế sinh ra cứu độ con người, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta một Đấng cứu thế đến để giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích tội lỗi, và tái sinh con người của chúng ta. Ý thức được điều đó, ngày 28.11, đoàn con cái của Mẹ đã quy tụ nhau về nơi ngôi nguyện đường Thánh Giê-ra-đô để cùng tham dự giờ tĩnh tâm và Thánh Lễ Miền Nội Đô để cùng nhau dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa. Thánh Lễ diễn ra do Cha Linh Hướng Gio-an chủ tế.

lời mời gọi của Chúa, Emanuel nghĩa là gì, bí tích Thánh Thể

Mầu nhiệm Chúa Giêsu được sinh ra cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta để Ngài làm Chúa, làm Đấng cứu độ chúng ta. Chúa sinh ra trong một hoàn cảnh éo le, bi đát. Hoàn cảnh người ta chối từ, không đón nhận Chúa Giêsu. Hoàn cảnh người ta từ chối đến nỗi Đức Mẹ và Thánh Giuse phải sinh Chúa ra nơi hang bò lừa.Giữa sự hoang vắng đó, tất cả những sự chống đối của con người, Chúa Giêsu vẫn sinh ra cho chúng ta. Và hôm nay, khi ngày Giáng Sinh đến khắp nơi, gần như cả thế giới này đều mừng Đại lễ Giáng Sinh. Đón Giáng Sinh trong tràn ngập niềm vui với biết bao nhiêu hang đá, cây thông, đèn điện trang trí khắp nơi… để đón chờ Chúa đến. Giáng Sinh thật của Chúa  không được đón nhận nhưng giờ đây, không chỉ riêng các kitô hữu mừng Chúa Giáng Sinh mà cả thế giới và những người lương dân đều đón mừng.

lời mời gọi của Chúa, Emanuel nghĩa là gì, bí tích Thánh Thể

Chúa sinh ra làm cho nhiều người được bình an được hoan lạc, không chỉ với người có đạo nhưng còn cả với những người lương dân. Chúa sinh ra để mọi người được hạnh phúc, được bình an. Lễ Giáng Sinh diễn ra với số lượng người đến tham dự lớn, có rất nhiều người không cùng tôn giáo. Như vậy, Chúa Giêsu thực sự là “Hoàng Tử Bình An” cho mỗi người chúng ta. Mẹ Maria đã sinh Chúa Giêsu ra cho nhân loại. Mẹ đã làm một việc vô cùng cao cả, đó là sinh Chúa Giêsu ra cho nhân loại để nhân loại được mừng vui hoan hỉ. Mỗi dịp Giáng Sinh về là mỗi dịp cả nhân loại đón chờ Chúa đến.

lời mời gọi của Chúa, Emanuel nghĩa là gì, bí tích Thánh Thể

Mẹ của chúng ta đã đón nhận một trách nhiệm vô cùng cao trọng, đó là sinh Chúa Giêsu ra cho nhân loại. Mẹ sinh Chúa Giêsu ra cho chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi sinh Chúa Giêsu ra cho người khác. Nếu chúng ta đón Chúa Giêsu mà không mang Chúa Giêsu đến với người khác thì niềm vui đón chờ Chúa đó chưa được trọn vẹn. Để làm được điều đó chúng ta hãy nhìn lên Mẹ, Mẹ sinh Chúa Giêsu ra, Mẹ phải cưu mang Chúa Giêsu trong lòng mình và Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến với Bà Elizabeth. Mỗi người trong chúng ta có đón Chúa Giêsu trong cung lòng mình hay không? Chúng ta viếng Chúa mỗi ngày nhưng chúng ta có cưu mang và nói chuyện với Chúa Giêsu mỗi ngày như Đức Mẹ không hay Chúa Giêsu ở đâu không phải ở trong lòng chúng ta? Chúa Giêsu là Đấng Emanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúa Giêsu sinh ra không phải ở ngoài chúng ta nhưng ở trong chúng ta. Vậy chúng ta có ý thức Chúa ở trong chúng ta để hàng ngày hàng giờ chúng ta nói chuyện, tâm sự, trao đổi, cầu nguyện với Ngài. Chúng ta hát ngoài miệng nhưng có tin thật Chúa ở trong lòng mình không? Hàng ngày có rất nhiều chuyện nhưng chúng ta có dành vài phút để nói chuyện với Ngài không? Mẹ muốn sinh Chúa Giêsu thì Mẹ phải cưu mang Ngài, Mẹ mới sinh hạ được Chúa Giêsu. Chúng ta cũng vậy, muốn sinh Chúa Giêsu thì chúng ta cũng phải cưu mang Chúa Giêsu trong lòng chúng ta. Hàng ngày hàng giờ nói chuyện, tâm sự với Chúa Giêsu, khi đó chúng ta mới có khả năng sinh Chúa Giêsu.

lời mời gọi của Chúa, Emanuel nghĩa là gì, bí tích Thánh Thể

Với Mầu nhiệm Chúa Giêsu sinh ra, Cha Gio-an mời gọi cộng đoàn suy tư 3 điều:

Điều thứ 1: Chúng ta ý thức Chúa không ở trên trời cao nhưng Chúa là Đấng Emanuel –  Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ở trong chúng ta và ở với chúng ta.

Thánh Augustinô nói: “Này, Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con tìm Ngài ở bên ngoài; là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những vật xinh đẹp Ngài đã tạo dựng nên. Ngài đã ở với con mà con lại không ở với Ngài. Chính những vật, nếu không hiện hữu trong Ngài thì không bao giờ hiện hữu, đã cầm giữ con xa Ngài. Ngài đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con. Ngài đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con. Ngài đã tỏa mùi thơm của Ngài ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Ngài. Con đã được nếm Ngài, và đâm ra đói khát Ngài; Ngài đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Ngài”. (Tự thuật X, 27, 38 ). Ngài đã cầu nguyện, đọc tìm hiểu Kinh Thánh và lắng nghe Lời Chúa nên luôn thao thức “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa” (Tự thuật I, 1, 1). Chính vì vậy, mỗi người trong chúng ta hãy nài xin Chúa giúp mỗi người ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính chúng ta. Xin Chúa Giêsu ngự vào trong lòng chúng ta để chúng ta biết nói chuyện, tâm sự với Ngài. Đặc biệt là khi rước lễ, chúng ta hãy tập trung đến một mình Chúa Giêsu mà thôi. Chính giây phút đó, chúng ta hãy vứt bỏ tất cả mọi sự ở bên ngoài để tâm hồn trở nên bình lặng để có thể tâm sự, tôn vinh, cảm tạ Chúa.

Bài đọc thêm: Từ bác sĩ ngoại đạo trở thánh linh mục – Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung

Điều thứ 2: Mẹ cưu mang Chúa Giêsu không phải cưu mang một mình, nhưng Mẹ mang Chúa đến với Bà Elizabeth.

Cưu mang Chúa Giêsu nhưng chúng ta phải mang Chúa đến cho người khác. Còn ai cưu mang Chúa Giêsu mà không lên đường mang Chúa Giêsu đến cho người khác thì Chúa không thể ở trong chúng ta cách trọn vẹn được. Chúng ta mang đến với người khác bằng những việc làm cụ thể như đến với những anh chị em đang chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Những người nghèo khổ, khốn cùng xung quanh chúng ta. Những người mắc phải căn bệnh hiểm nghèo không có khả năng để đến bệnh viện…. mang Chúa Giêsu đến với mọi người, chính là làm những việc cụ thể với những người khác. Hãy mang Chúa Giêsu đến với người khác như Đức Mẹ đã mang Chúa đến với Bà Elizabeth.

Điều thứ 3: Bất chấp tất cả sự chống đối, tất cả hoàn cảnh Mẹ vẫn quyết tâm sinh Chúa Giêsu ra cho người khác.

Khi chúng ta đón nhận tất cả những gì xảy đến với mình, những điều phật lòng trái ý với tất cả lòng thành tin tưởng yêu mến Chúa. Đó là lúc chúng ta sinh Chúa Giêsu ra cho người khác không kêu ca, không phàn nàn, không than trách. Chúng ta đến với Mẹ trên một đoạn đường dài rất mệt mỏi nhưng không kêu ca, không than trách – đó là lúc chúng ta sinh Chúa Giêsu ra.

lời mời gọi của Chúa, Emanuel nghĩa là gì, bí tích Thánh Thể

Một năm phụng vụ mới, Chúa mời gọi chúng ta không chỉ đón lấy Chúa Giêsu vào trong cuộc đời mình, mà còn mang Chúa Giêsu đến với mọi người. Ngang qua đó, chúng ta làm cho nhiều người được nhận ra Chúa Giêsu.

Để mang Chúa đến với người khác, chúng ta hãy cùng duyệt xét lại:

1.Chúng ta đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng chưa?

2. Khi rước Chúa Giêsu vào lòng chúng ta có hạnh phúc không? Có vui mừng như Mẹ không hay rước Chúa Giêsu vào lòng rồi để Chúa Giêsu một mình lạnh lẽo, không bao giờ tâm sự với Ngài? Chúng ta có để Chúa làm chủ cuộc đời mình không hay đã để chiếc điện thoại làm chủ cuộc đời mình?

3. Chúng ta có chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy ra khi cưu mang Chúa Giêsu không? Hoàn cảnh đó là những mệt mỏi phải đến những nơi xa xôi, khó khăn của nhiều hoàn cảnh khác nhau không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức được Ngài là Đấng Emanuel – Đấng luôn ở cùng chúng con, ở trong chúng con, ở với chúng con. Xin cho chúng con biết cưu mang Chúa Giêsu và nhất là mang Chúa Giêsu đến với người khác, để họ cũng được nhận ra ân sủng và tình thương của Thiên Chúa.

Bài đọc thêm: Chúa Giê su chờ đợi ta nơi bí tích tích Thánh Thể

Anna Nguyễn Huyền

Truyền Thông Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp và St. Alfonso

Bình luận
error: Content is protected !!